Theo Quy định số 01-QĐi/UBKTTW của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, số lượng đoàn kiểm tra, giám sát có từ 3 đến 5 người, trường hợp đặc biệt có thể xin ý kiến Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Các đoàn có quyền yêu cầu các tổ chức đảng, đảng viên liên quan chấp hành nghiêm quyết định, kế hoạch kiểm tra, giám sát và chuẩn bị báo cáo, cung cấp tài liệu; khi cần thiết, đoàn được yêu cầu giữ nguyên hiện trạng hồ sơ để phục vụ cho việc thẩm tra, xác minh.
Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Quảng Ninh
Trong Quy định nêu rõ đoàn kiểm tra, giám sát phải ghi đầy đủ nhật ký hoạt động, lập và nộp hồ sơ lưu trữ chậm nhất sau 15 ngày làm việc, kể từ ngày đoàn thông báo kết luật của Ủy ban đến tổ chức, cá nhân được kiểm tra, giám sát.
Trưởng đoàn có trách nhiệm chấp hành sự chỉ đạo của Thường trực Ủy ban và Phó chủ nhiệm Ủy ban chỉ đạo đoàn; chủ trì làm việc với các tổ chức và cá nhân liên quan.
Ngoài ra, trưởng đoàn có quyền yêu cầu người được kiểm tra, giám sát đến cơ quan Ủy ban để giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan khi cần thiết; yêu cầu các tổ chức đảng triệu tập đảng viên dự hội nghị theo quy định.
Trưởng đoàn phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu về các hành vi vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong quá trình kiểm tra, giám sát của các thành viên trong đoàn.
Khi phát hiện bản thân hoặc thành viên trong đoàn có quan hệ họ hàng với người được kiểm tra, giám sát hoặc có hành vi, việc làm trái quy định của Đảng, Nhà nước và Ủy ban, các thành viên phải chủ động báo cáo Trưởng đoàn và Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ đạo đoàn.
Quy định nêu rõ những việc đoàn kiểm tra, giám sát không được làm, ngoài việc thực hiện không đúng, không đầy đủ các chỉ đạo, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quy định rõ, các đoàn không được đưa ra yêu cầu với người bị kiểm tra, giám sát và các tổ chức, cá nhân có liên quan trái với quy định của Đảng, Nhà nước.
Đoàn kiểm tra, giám sát không được nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất; tổ chức hoặc tham gia giao lưu với người được kiểm tra, giám sát và các bên có liên quan dưới mọi hình thức; không được gây khó khăn hoặc có thái độ thiếu tôn trọng, công tâm, khách quan với tổ chức, cá nhân được kiểm tra, giám sát.
Quy định cũng nghiêm cấm đoàn kiểm tra sử dụng phương tiện, tài sản của tổ chức, cá nhân tại nơi đang kiểm tra, giám sát phục vụ nhu cầu cá nhân; hứa hẹn với đối tượng kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện yêu cầu, đề nghị của tổ chức, cá nhân có liên quan đến đối tượng kiểm tra, giám sát trái quy định của Đảng, Nhà nước.
Đoàn kiểm tra không được cản trở, can thiệp, tác động trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào hoạt động kiểm tra, giám sát; tiết lộ hoặc cung cấp thông tin, tài liệu và nội dung kiểm tra, giám sát khi chưa có kết luận chính thức, hoặc đã có kết luận chính thức nhưng chưa được phép công bố.
Việc tiết lộ nội dung, kết quả làm việc với đối tượng kiểm tra, giám sát, tổ chức, cá nhân có liên quan đến cuộc kiểm tra, giám sát hoặc kết quả thẩm tra, xác minh cho tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm biết cũng là việc các đoàn kiểm tra, giám sát không được làm.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng cấm các đoàn kiểm tra bao che cho tổ chức hoặc cá nhân có thiếu sót, khuyết điểm, có dấu hiệu hoặc hành vi vi phạm; áp đặt đối tượng kiểm tra, giám sát trả lời, trình bày sự việc theo ý muốn chủ quan của mình.
Hồ sơ, tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình tiến hành kiểm tra, giám sát không được làm mất, hư hỏng, biến dạng hoặc tiêu huỷ...
Đoàn kiểm tra, giám sát sẽ tham mưu cho Thường trực Ủy ban và Ủy ban Kiểm tra Trung ương xây dựng, ban hành thông báo kết luận kiểm tra, kết quả giám sát và quyết định kỷ luật (nếu có)./.
Tường Vy