ĐOÀN KẾT TRONG ĐẢNG - TƯ TƯỞNG LỚN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, GIÁ TRỊ CỦA MỌI THỜI ĐẠI 

Một nhà nghiên cứu, phân tích đã nhận định khi nghiên cứu toàn bộ cuộc đời, tư tưởng, đạo đức, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: Nếu tư tưởng về đại đoàn kết là dãy núi cao thì tư tưởng đoàn kết trong Đảng là ngọn núi cao nhất và đến nay tư tưởng ấy vẫn giữ nguyên giá trị.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao sự đoàn kết, nhất là đoàn kết trong Đảng. Theo Bác, đoàn kết là sức mạnh, là cội nguồn của chiến thắng, thành công, là truyền thống vẻ vang của Đảng và của dân tộc ta. Có tài liệu đã thống kê, trong 1.921 bài viết của Bác thì có tới 839 bài Người đề cập đến vấn đề đoàn kết thống nhất và có tới 1.809 lần Bác dùng từ “đoàn kết”, “đại đoàn kết”. Trong Di chúc, chỉ có chưa đầy 20 dòng nói về Đảng nhưng đã có đến 5 lần Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến “đoàn kết”. Người khẳng định: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng, một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo Nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Như vậy, đoàn kết thống nhất trong Đảng không chỉ là mối quan tâm hàng đầu mà còn là niềm trăn trở của Bác, của Đảng. Trong nhiều kỳ đại hội Đảng, vấn đề đoàn kết thống nhất đều được đặt ra xem xét nghiêm túc, đánh giá toàn diện, sâu sắc. Tại Đại hội VI của Đảng, một trong 4 bài học về xây dựng Đảng mà Đại hội rút ra là: Tăng cường sự đoàn kết nhất trí, sự thống nhất ý chí và hành động trong Đảng. Đại hội VIII của Đảng chỉ rõ: Đoàn kết thống nhất trong Đảng, trước hết là ở cơ quan lãnh đạo, có ý nghĩa quyết định sự thành công của cách mạng. Cán bộ, đảng viên giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng trên cơ sở đường lối chính trị, nguyên tắc tổ chức và tình yêu thương đồng chí. Đại hội IX của Đảng nêu yêu cầu cụ thể: Từng đảng bộ giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong tập thể lãnh đạo. Đối với những cấp ủy, tổ chức đảng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, cán bộ lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền, kéo bè kéo cánh gây mất đoàn kết nội bộ, cấp ủy cấp trên phải chỉ đạo kiểm điểm làm rõ đúng sai, xử lý nghiêm những người có khuyết điểm. Vấn đề đoàn kết được đề cập tại các Đại hội Đảng một lần nữa càng khẳng định giá trị to lớn của sự đoàn kết, vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết trong Di chúc của mình “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự đoàn kết trong Đảng là vấn đề quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi theo Người, chỉ có đoàn kết trong Đảng, nhất là đoàn kết chặt chẽ giữa các đồng chí cán bộ lãnh đạo mới xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức để làm hạt nhân đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế tạo thành sức mạnh vô địch để giải phóng dân tộc, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Người khẳng định “Kinh nghiệm của ta, cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi là do lực lượng đoàn kết, trước hết là đoàn kết trong Đảng”[1]. Tuy nhiên, để đoàn kết trong Đảng, theo Người chỉ đoàn kết nội bộ thôi chưa đủ, mà phải mở rộng đoàn kết các lực lượng ngoài Đảng để tạo thành một khối thống nhất làm nên mọi thắng lợi. Khi phê phán “Bệnh hẹp hòi đối ngoại” của cán bộ, đảng viên, Người nhắc nhở: “Họ quên rằng: Chỉ đoàn kết trong Đảng, cách mạng cũng không thành công được, còn phải đoàn kết nhân dân cả nước…”[2]. Mặt khác, sự đoàn kết trong Đảng phải là sự đoàn kết thống nhất thực sự trong tư tưởng và hành động của Đảng chứ không phải là cái vỏ bề ngoài. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tổ chức Đảng là đơn vị chiến đấu phải mạnh trong thực chất chứ không phải là trên hình thức. Quan điểm của Người là: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”[3]. Mọi sự đoàn kết giả tạo, xuê xoa, đoàn kết về hình thức thì trước sau cũng không thể tồn tại. Đoàn kết phải dựa trên nền tảng dân chủ vì chỉ có trên cơ sở dân chủ nội bộ thì đảng viên mới thật sự trung thực, chân thành, thẳng thắn với nhau.

Cũng theo Bác, đoàn kết khác hẳn với cục bộ, bè phái, kết bè kéo cánh. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10-1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ ra một trong những căn bệnh mà một bộ phận cán bộ, đảng viên mắc phải là “kéo bè kéo cánh”, từ bè cánh mà đi đến chia rẽ. Bác Hồ khẳng định bệnh này “rất nguy hiểm”, “rất tai hại cho Đảng”, vì: “Nó làm hại đến sự thống nhất... Nó làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí. Nó gây ra những mối nghi ngờ”. Tư tưởng cục bộ, bè phái không chỉ bắt nguồn từ tư duy hành xử theo kiểu “phép vua thua lệ làng”, mà còn bộc lộ ở các hành vi biến lợi ích công thành lợi ích tư; biến lợi ích cộng đồng, lợi ích tập thể thành lợi ích thiểu số của một nhóm cá nhân. Việc kết bè kéo cánh sẽ gây mất đoàn kết trong Đảng, bất bình trong nhân dân. Cách đây 110 năm, trong cuốn “Việt Nam quốc sử khảo”, Phan Bội Châu (1867-1940) đã chỉ ra 5 “điều rất ngu” của một bộ phận dân chúng thời bấy giờ, trong đó có hai “điều rất ngu” ám chỉ thói cục bộ là: “Chỉ biết lợi mình mà không biết hợp quần” (“hợp quần” được hiểu là đoàn kết) và “Thương tiếc của riêng, không tưởng đến việc ích chung”. Cảnh báo những “điều rất ngu” trên, Phan Bội Châu như muốn nhắc nhở, thức tỉnh mọi người dân Việt muốn thoát khỏi cảnh lầm than nô lệ thì cần phải khắc phục cho được sự hẹp hòi của cá nhân, chỉ biết lợi của riêng mình mà không nghĩ đến sức mạnh đoàn kết dân tộc, lợi ích quốc gia đang bị chế độ thực dân phong kiến chà đạp.

90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, với đường lối cách mạng đúng đắn, khoa học và sáng tạo, với đội ngũ đảng viên kiên trung đã lãnh đạo nhân dân ta tạo nên những kỳ tích vẻ vang làm rạng danh non sông, đất nước. Có được kỳ tích vẻ vang đó là do Đảng ta đã vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng nói chung, về xây dựng mối đoàn kết trong Đảng nói riêng. Chính vì vậy, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng mối đoàn kết trong Đảng hiện nay vừa là trách nhiệm chính trị đối với dân tộc và là nhu cầu phát triển tự thân của Đảng ta, vừa là tình cảm lớn lao của toàn Đảng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. 

Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước ngày càng gia tăng các hoạt động quyết liệt và thâm hiểm nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy, hơn lúc nào hết, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng lúc này càng phải được tăng cường và phát huy cao độ, bởi nếu toàn Đảng đoàn kết, nhất trí như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì không những không có thế lực nào có thể phá hoại được mà còn tạo ra sức mạnh, niềm tin để tiếp tục phấn đấu vươn lên, góp phần xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, ngang tầm với yêu cầu của thời kỳ mới, xứng đáng với công sức và niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mai Linh                        

 

[1] Bài nói tại Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, tháng 1-1959

[2], 3 Hồ Chí Minh, tập 5

 

1647 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 731
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 731
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76792297