Ngoài ra, Ngày Thế giới phòng chống AIDS cũng là dịp để các đối tác tuyên truyền kiến thức về đại dịch và khuyến khích sự phát triển trong phòng chống HIV/AIDS, điều trị và chăm sóc ở những nước có tỷ lệ nhiễm cao và trên toàn thế giới.
|
Ngày Thế giới phòng chống AIDS được kỷ niệm vào ngày 1/12 hàng năm. (Ảnh: womenshealth.gov) |
Bài học từ đại dịch COVID-19…
Năm 2020, đại dịch COVID-19 và hậu quả của nó đã thu hút sự chú ý của thế giới. COVID-19 đem đến cho chúng ta một ví dụ khác về mối liên hệ chặt chẽ giữa sức khỏe và các khía cạnh cơ bản khác như: giảm bất bình đẳng, quyền con người, bình đẳng giới, bảo vệ xã hội và tăng trưởng kinh tế. Cuộc khủng hoảng sức khỏe này thực sự là dấu hiệu cho thấy bất bình đẳng đã tồn tại rõ ràng trong các xã hội của chúng ta, vốn được cảm nhận nhiều hơn ở những nhóm dân số nghèo và dễ bị tổn thương nhất. Đại dịch hiện nay đã làm trầm trọng thêm những thách thức mà những người nhiễm HIV, phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt, đặc biệt là trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 cũng đánh thức chúng ta, đòi hỏi thế giới phải có một cái nhìn mới mẻ hơn, để hành động tốt hơn và đoàn kết cùng nhau. Xét trên một số khía cạnh, việc xóa bỏ bệnh AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng cũng phụ thuộc vào phản ứng toàn cầu đối với đại dịch COVID-19.
Sự lãnh đạo và cam kết của cộng đồng là điều cần thiết để ứng phó hiệu quả với bệnh AIDS và cũng như đối với Corona virus. Thực tế cho thấy không thiếu những tấm gương bảo vệ quyền lợi và thể hiện tinh thần đoàn kết trên thế giới trong cuộc chiến chống lại đại dịch này. Một lần nữa, vai trò của cộng đồng lại càng được khẳng định và giữ vai trò không thể thay thế trong việc cung cấp thông tin, dịch vụ, bảo trợ xã hội và hy vọng cho những người bị ảnh hưởng bởi HIV. Tuy nhiên, sự đoàn kết đó không thể chỉ dựa vào các cộng đồng. Các chính phủ, các nhà tài trợ, các tổ chức xã hội,… mỗi người trong chúng ta đều phải góp phần vào việc xây dựng một thế giới lành mạnh hơn.
Thêm vào đó, đại dịch COVID-19 cũng tạo cơ hội để các chính phủ thay đổi như đưa ra các biện pháp đặc biệt và bảo đảm nguồn tài chính để cứu sống người dân và bảo vệ các nguồn thu nhập. Nhiều quốc gia khác đang làm việc cùng nhau để tránh làm gián đoạn việc điều trị HIV/AIDS hoặc đang hưởng ứng lời kêu gọi quốc tế về vaccine ngừa COVID-19 được cung cấp công bằng cho tất cả mọi người. Chúng ta cần có ý chí chính trị để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh AIDS, vốn là một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng, vào năm 2030.
…đòi hỏi thế giới phải đoàn kết và chia sẻ trách nhiệm nhằm loại bỏ bệnh AIDS
Tinh thần đoàn kết toàn cầu và trách nhiệm chung đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải xem xét lại cách chúng ta tiếp cận các phản ứng về sức khỏe toàn cầu, bao gồm cả việc ứng phó với bệnh AIDS. Đó là lý do tại sao chủ đề được chọn cho Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2020 là: “Đoàn kết toàn cầu và chia sẻ trách nhiệm”.
Theo Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), trong thời gian tới, các quốc gia cần phải đầu tư toàn diện cho y tế. Các chính phủ phải cùng nhau tìm ra giải pháp sáng tạo để bảo đảm tài chính toàn diện cho chăm sóc sức khỏe vì không quốc gia nào có thể làm điều đó một mình. Nguồn tài trợ quốc gia và quốc tế dành riêng cho y tế phải tăng lên.
Thực tế đầu tư cho việc ứng phó với bệnh AIDS trong những thập kỷ qua đã củng cố hệ thống y tế và hiện đang giúp hỗ trợ ứng phó với đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để tiếp tục củng cố hệ thống y tế và bảo vệ các nhân viên y tế. Không những thế, thuốc, vaccine và các chẩn đoán cần thiết nên được coi là hàng hóa công cộng. Sự đoàn kết toàn cầu và trách nhiệm chung phải bảo đảm rằng không ai bị bỏ lại phía sau, mà mọi cá nhân, cộng đồng hay quốc gia đều được tiếp cận với các dịch vụ y tế quan trọng.
Thêm vào đó, UNAIDS cũng nhấn mạnh các quốc gia cần tôn trọng quyền con người bởi việc áp dụng các chiến lược về quyền con người trên toàn thế giới sẽ có những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Ưu tiên các quyền của phụ nữ và trẻ em gái, cũng như bình đẳng giới. Phụ nữ phải được tham gia vào các quá trình ra quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Nhân loại không thể để mất vị thế sau nhiều thập kỷ đấu tranh không ngừng cho bình đẳng giới.
Trong thông điệp đưa ra nhân Ngày thế giới phòng chống AIDS năm nay (1/12/2020), Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lưu ý: Khi sự chú ý của thế giới chuyển sang cuộc khủng hoảng dịch bệnh do Corona virus năm 2019 (COVID-19) gây ra thì Ngày Thế giới phòng chống AIDS là thời điểm để nhắc nhớ rằng chúng ta không được lơ là một đại dịch toàn cầu khác, vốn hiện diện gần 40 năm sau khi xuất hiện.
Bất chấp những tiến bộ lớn đã đạt được, cuộc khủng hoảng bệnh AIDS vẫn đang diễn ra. 1,7 triệu người khác bị nhiễm virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV) mỗi năm và khoảng 690.000 người chết vì nó. Và bất bình đẳng đồng nghĩa với việc những người ít có khả năng bảo vệ quyền của mình nhất vẫn là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, COVID-19 diễn ra như một lời nhắc nhở rõ ràng rằng sự bất bình đẳng về sức khỏe ảnh hưởng đến mỗi người trong chúng ta. Mối nguy của một người là mối nguy của tất cả mọi người. Bài học kinh nghiệm từ cuộc chiến chống lại HIV có thể rất hữu ích trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Chúng ta biết rằng để chấm dứt AIDS và đánh bại COVID-19, chúng ta phải xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử, đặt mọi người vào trung tâm của công việc và thực hiện các hành động dựa trên quyền con người và nhạy cảm về giới.
Nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc nhấn mạnh: Việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe không nên phụ thuộc vào mức độ giàu có của mỗi người. Chúng ta cần vaccine ngừa COVID-19, điều trị và chăm sóc HIV có giá cả phải chăng và dễ tiếp cận cho mọi người, ở mọi nơi. “Sức khỏe là quyền của con người. Để đạt được độ bao phủ y tế toàn dân đòi hỏi y tế phải được ưu tiên đầu tư hàng đầu. Nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS, chúng ta hãy nhận thức rằng để đánh bại COVID-19 và chấm dứt bệnh AIDS, chúng ta phải đoàn kết với nhau và chia sẻ trách nhiệm” – ông Antonio Guterres nêu rõ.
26,0 triệu người được tiếp cận với liệu pháp kháng virus (cuối tháng 6/2020).
38,0 triệu người nhiễm HIV trong năm 2019.
1,7 triệu người mới nhiễm HIV vào năm 2019.
690.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến AIDS trong năm 2019.
75,7 triệu người bị nhiễm HIV kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát (cuối năm 2019).
32,7 triệu người tử vong vì các bệnh liên quan đến AIDS kể từ khi dịch dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát (cuối năm 2019).
Nguồn: UNAIDS
|