Đoàn kết thống nhất trong Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh 

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của toàn Đảng, toàn dân ta; nhà lãnh đạo xuất sắc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Người là tượng trưng cho tinh hoa dân tộc, tiêu biểu cho trí tuệ và phẩm chất đạo đức của Đảng và dân tộc. Sinh thời, vấn đề quan tâm hàng đầu của Người là củng cố và giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng “Đoàn kết là sức mạnh nhất của ta”, là then chốt của thành công, “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” (1).

Giáo sư Phan Ngọc, một trong những nhà khoa học có nhiều bài nghiên cứu về Người đã có những nhận xét sâu sắc như thế này: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đi tìm cái bất biến đằng sau mọi sự thay đổi bên ngoài. Năm cái bất biến của Người mà Giáo sư nói đến đó là: không ngừng học tập; tính thực tiễn; không phải một lãnh tụ dựa trên quyền lực; đạo đức và đại đoàn kết. (2) Cũng nói về tư tưởng đại đoàn kết của Người, Hội đồng Hoà bình thế giới khẳng định “Cụ Hồ là hiện thân của những đức tính tốt đẹp nhất của dân tộc. Lòng thiết tha yêu nước của Người được kết hợp một cách hài hoà với tinh thần đoàn kết quốc tế hết sức nồng nhiệt” (3).

 Đoàn kết quốc tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm nhiều nội dung rộng lớn, sâu sắc, cao đẹp, trong đó trước hết là đoàn kết trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và đoàn kết trong đại gia đình các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Với quan điểm chiến lược đúng đắn ấy và trên cơ sở quán triệt sâu sắc tư tưởng của C.Mác ''Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại'', Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra một luận điểm nổi tiếng: “Quan sơn muôn dặm một nhà/ Bốn phương vô sản đều là anh em” (4) Chính tư tưởng vĩ đại ấy, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hiệp quốc tôn vinh: “Hồ Chí Minh là nhân cách của thời đại. Dân tộc Việt Nam mãi mãi tự hào về Hồ Chí Minh. Nền văn minh nhân loại của thế kỷ XX tự hào có một vĩ nhân được cả thế giới phong tặng: Anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hoá kiệt xuất. Hồ Chí Minh mãi mãi là tấm gương sáng về nhân cách của một Con Người cho mọi thế hệ tiếp sau”.

48 năm, Người đã đi xa nhưng trong mỗi chúng ta mãi khắc ghi lời dặn "trước hết nói về Đảng” trong bản Di chúc lịch sử. "Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta ".(5) " Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn đoàn  kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình"(6). Và để làm được điều đó, Người dạy" Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình",(7) với tinh thần "Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau" .

Tuân theo di huấn của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã đoàn kết một lòng. Chính nhờ đoàn kết đã làm nên sức mạnh để dân tộc ta làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945; thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam); Tiếp đến là thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Và 30 năm lại đây, là thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam; Nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Tuy vậy, thảng hoặc trong đời sống, sinh hoạt Đảng có tổ chức Đảng, cá nhân chưa thực sự đoàn kết, bởi chưa “thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình”; chưa quán triệt nguyên tắc "tự phê bình và phê bình", một trong những nguyên tắc quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Từ đó, chưa đưa công tác này thành chế độ, thành nền nếp. Thêm vào đó, vẫn còn một số cán bộ, đảng viên,  theo lối nghĩ "dễ người, dễ mình", thấy đồng chí có khuyết điểm cũng không dám nói, hoặc không nói, để đề phòng lỡ khi mình gặp khó khăn, sai lầm sẽ được không bị làm khó. Tâm lý "dĩ hoà vi quý" vì thế có cơ hội để lây lan. Lâu dần, cái xấu tự nhiên thành nếp, vô hình trung đã tạo ra không khí nặng nề "bằng mặt, nhưng không bằng lòng", trong cơ quan, đơn vị, chỉ chờ cơ hội để bùng nỗ như ung nhọt lâu ngày. Đó là chưa kể, trong cuộc sống một số người còn lợi dụng phê bình" để công kích, để nói xấu, để chửi rủa" (8) để "đập cho tơi bời"(9) . Động cơ của những người này "Khi phê bình ai, không phải vì Đảng, không phải vì tiến bộ, không phải vì công việc, mà chỉ công kích cá nhân, cãi bướng, trả thù, tiểu khí". (10)Thậm chí họ "coi những người có khuyết điểm và sai lầm... như đối với hổ mang, thuồng luồng".(11) Hậu quả của nó là một số đồng chí từ khuyết điểm nhỏ nhưng do không được đồng chí, tổ chức góp ý để sửa chữa đã tích tụ thành khuyết điểm lớn. Còn tổ chức thì mất cán bộ, nội bộ dẫn đến mất đoàn kết.

Bước vào thời kỳ mới, thời kỳ “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” trong khi xác định động lực tổng quát bao trùm và xuyên suốt là đổi mới và hội nhập quốc tế, thì động lực đoàn kết, đại đoàn kết là một trong những trụ cột để phát triển bền vững.

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công đại thành công” là quy luật chính trị- xã hội, có quan hệ mật thiết với dân chủ và đồng thuận xã hội; là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp đổi mới. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết mỗi một tổ chức đảng, cán bộ đảng viên và toàn dân phải dày công nghiên cứu, nhận thức sâu sắc tư tưởng đoàn kết của Người nhằm tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong Đảng; thúc đẩy đoàn kết trong xã hội, trong nhân dân và toàn dân tộc; đoàn kết quốc tế , tạo ra sức mạnh tổng hợp, để đẩy nhanh sự nghiệp đổi mới toàn diện, đồng bộ vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh. Trí Ánh

  ________

(1) .Hồ Chí Minh toàn tập, t.1, Nxb CTQG, H.2011, tr.17

(2). Một cách tiếp cận về đạo đức học của Bác Hồ- GS Phan Ngọc (Tạp chí Văn hoá quân sự số 27 (tháng 11-2007)

(3) .Theo Tạp chí Văn hoá quân sự số 33 (tháng 5-2008)

(4). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.10, tr.198 -199, 195.

(5) (6) (7) Trích Di chúc

(8) (9) (10) (11) Trích tác phẩm "Sửa đôỉ lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

1254 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 837
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 837
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87043696