Đoàn giám sát của UBTVQH làm việc với Chính phủ việc thực hiện các FTA  

(Chinhphu.vn) - Ngày 23/9, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) với Thường trực Chính phủ về “Việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên”.

Dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, các thành viên Đoàn giám sát, một số vị đại biểu Quốc hội cùng lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP

 

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Thực hiện chương trình giám sát năm 2020, UBTVQH đã ban hành nghị quyết thành lập Đoàn giám sát về “Việc thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên”. Theo kế hoạch, trên cơ sở xem xét các báo cáo kết quả các cuộc làm việc với các bộ, ngành, cơ quan hữu quan và các tổ chức, Đoàn giám sát tổ chức làm việc với Thường trực Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan để đánh giá kết quả cũng như hạn chế, tồn tại, khó khăn trong việc thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên; phân tích đầy đủ nguyên nhân và xác định rõ trách nhiệm để có giải pháp kiến nghị khắc phục, nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác này thời gian tới.

Phát biểu tại buổi làm việc Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ, hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương lớn của Đảng ta và là nội dung trọng tâm của hội nhập quốc tế; là bộ phận quan trọng xuyên suốt công cuộc đổi mới của nước ta. Thực hiện các nghị quyết của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh việc đa phương hóa quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế, trong đó có việc tham gia các FTA, các FTA thế hệ mới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh tại buổi làm việc về việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên. Ảnh: VGP

 

Phó Thủ tướng cho biết sau khi gia nhập WTO vào năm 2007 tới nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 FTA, trong đó 13 FTA đã có hiệu lực, 3 FTA đang đàm phán. Nổi bật là Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA).

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh các FTA đã và đang giúp mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu; nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước; góp phần thúc đẩy hoàn thiện chính sách theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi và phù hợp với thông lệ quốc tế; đồng thời xây dựng hình ảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, mở cửa với tất cả các đối tác trên thế giới, là một trong những quốc gia thành công nhất trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Để kịp thời triển khai các FTA mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực, Chính phủ kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các quy định tiêu chuẩn và quy tắc xuất xứ, biểu thuế các loại hàng hóa để hướng dẫn chi tiết các cam kết các quy định trong các FTA; phân công nhiệm vụ cho từng cơ quan, tổ chức, địa phương

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, để thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương nỗ tlực thực hiện các FTA, vai trò giám sát của Quốc hội, UBTVQH là rất quan trọng. Thông qua công tác giám sát tập trung làm rõ và xác định nguyên nhân của hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, công tác kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm các quy định của pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, nội dung giám sát cũng tập trung vào các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các FTA mà Việt Nam là thành viên; công tác hoàn thiện pháp luật; việc đàm phán, ký kết các FTA mới trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Tổ giúp việc, Đoàn giám sát đã tổ chức 3 cuộc làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Tại các cuộc làm việc, các thành viên đoàn giám sát cho rằng, lợi ích mà FTA mang lại rõ nét, như tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy cải cách thể chế… Tuy nhiên, còn nhiều hạn chế, thách thức mà Việt Nam vẫn phải đối mặt như: Giá trị tăng đóng góp trong chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam là thấp, tỉ lệ tận dụng chứng nhận xuất xứ (CO) thấp, áp dụng rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa dịch vụ nhập khẩu; xử lý tranh chấp trong tương lai; những nội dung về lao động, sở hữu trí tuệ, tham nhũng trong các FTA.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP

 

Về công tác tổ chức, có ý kiến cho rằng hiện còn thiếu đầu mối công tác thực hiện FTA của Chính phủ cũng như đầu mối tại từng bộ, ngành Trung ương. Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về FTA và thị trường các nước đối tác cũng cần được cải tiến, hiện đại.

Bên cạnh đó, sự sẵn sàng tham gia của doanh nghiệp cũng là vấn đề đặt ra trong thực thi FTA. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế, các chỉ số cốt lõi về cạnh tranh như thể chế, cơ sở hạ tầng, cạnh tranh doanh nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực (đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề) còn thấp.

Giải trình bổ sung báo cáo giám sát chuyên đề tình hình thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng việc quyết định giám sát chuyên đề này hết sức cần thiết và quan trọng.

Theo Phó Thủ tướng chúng ta có sự đồng thuận rất lớn trong hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trong việc tham gia FTA. Điều đó cho thấy chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương đúng đắn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh các ý kiến đóng góp của Đoàn giám sát về các vấn đề trong báo cáo của Chính phủ sẽ được tổng hợp, tiếp thu, bổ sung hoàn thiện và giải trình rõ hơn.

“Ký phê chuẩn rồi nhưng việc thực thi và đưa Hiệp định vào thực tiễn mới là quan trọng”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ.

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương có liên quan đã chuẩn bị báo cáo kịp thời, đầy đủ.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định “Chính phủ đã tích cực xây dựng các văn bản luật. FTA tác động tích cực đến chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng và đã khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế”; đề nghị UBTVQH quan tâm chỉ đạo củng cố bộ máy tổ chức phân cấp thế nào; Chính phủ, bộ ngành địa phương cần tăng cường tuyên truyền về nội dung các FTA với nhiều hình thức cụ thể, phong phú, thiết thực.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý cần đẩy nhanh xuất khẩu tận dụng các ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam tham gia. Chú ý rào cản phi thuế quan, giúp đỡ mặt hàng trong nước, quan tâm các ngành có chất lượng, sản phẩm trong nước có ưu thế.

UBTVQH cũng cần quan tâm việc đánh giá các tác động, dự báo các tác động từ các FTA trong tình hình mới hiện nay.

Toàn Thắng

222 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 821
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 821
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87217214