Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Kiểm toán Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm - Ảnh: H.L
Nhiều giải pháp đồng bộ trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Tổng KTNN Nguyễn Tuấn Anh cho biết, về kết quả kiểm toán liên quan đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, KTNN đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng các phát hiện, kiến nghị kiểm toán đối với nội dung về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thông qua 1.243 cuộc kiểm toán đã thực hiện, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 432.435 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, KTNN cũng tập trung kiểm toán đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách quản lý tài chính công, tài sản công; chú trọng phát hiện các kẽ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật, những "điểm nghẽn", rào cản ảnh hưởng đến động lực phát triển kinh tế, xã hội để kiến nghị với Đảng, Nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và thượng tôn pháp luật.
Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế như: Cơ chế quản lý tài chính, ngân sách chưa phát huy được ưu điểm về quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ được quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015; các văn bản hướng dẫn Nghị định số 16/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định số 43/2006/NĐ- CP của Chính phủ chậm ban hành, gây khó khăn cho việc thực hiện cơ chế tự chủ; việc ban hành các văn bản quản lý, chính sách, chế độ, định mức của một số lĩnh vực còn chậm...
Đa số thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao nội dung báo cáo của KTNN đã cơ bản bám sát yêu cầu của Đoàn giám sát với nội dung, phụ lục chi tiết... Nhiều ý kiến đánh giá cao nỗ lực của KTNN trong thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Một số thành viên Đoàn giám sát cũng cho rằng, việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm, chống lãng phí tại một số đơn vị còn hình thức; việc xây dựng nội dung chương trình hành động, kế hoạch thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chung chung, chưa cụ thể...
KTNN cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao sự tích cực của KTNN trong chuẩn bị báo cáo kỹ lưỡng, công phu với nhiều nội dung được thể hiện cụ thể, chi tiết cùng hệ thống phụ lục, bảng biểu khoa học, bám sát mục đích, yêu cầu, mục tiêu của Đoàn giám sát; đồng thời đã kịp thời bổ sung được nhiều thông tin, nội dung quan trọng, thiết thực phục vụ chuyên đề giám sát.
Khẳng định đây là chuyên đề giám sát có nội dung quan trọng được cử tri cả nước đặc biệt quan tâm và cũng là chuyên đề khó, liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên ngành mang tính chuyên môn sâu, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, kết quả báo cáo của KTNN có ý nghĩa, giá trị quan trọng trong sử dụng tổng hợp, báo cáo đánh giá chung của Đoàn giám sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng yêu cầu KTNN khẩn trương rà soát hoàn thiện báo cáo. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm, tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát, các chuyên gia tại cuộc làm việc và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bổ sung báo cáo cả về số liệu, nhận định, đánh giá việc ban hành chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong nội bộ cơ quan kiểm toán; việc xây dựng chương trình kế hoạch kiểm toán và hiệu quả, hiệu lực thực hiện. Làm rõ hơn tính hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, trong quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, trong quản lý, sử dụng lao động...
KTNN cần bám sát các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có liên quan đến chức năng của KTNN để đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của KTNN, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. KTNN tiếp tục rà soát, bổ sung thông tin, số liệu đầy đủ, chính xác, có bóc tách số liệu rõ ràng đối với từng bộ, ngành, địa phương...
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, Đoàn giám sát tiếp tục bổ sung, cập nhật kết quả kiểm toán từ các bộ, ngành, địa phương thực hiện kiểm toán năm 2022 có phạm vi trong giai đoạn 2016-2021 nhưng chưa phát hành đến thời điểm lập báo cáo (1.6.2022). Tiếp tục phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu cụ thể về kết quả kiểm toán tại các bộ, ngành, địa phương phục vụ công tác giám sát trực tiếp.
Đoàn cũng cần rà soát, phối hợp với các cơ quan liên quan để phân tích, đánh giá sâu thêm về những sai phạm trong quản lý, sử dụng nguồn lực, về ban hành văn bản quy phạm pháp luật…
Lê Sơn