Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 làm việc với Bộ Y tế.
Góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính, tài sản
Báo cáo về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết thời gian qua, Bộ Y tế đã tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành theo thẩm quyền.
Trong chỉ đạo, điều hành, Bộ Y tế đã xây dựng một số văn bản quy định tiêu chuẩn, định mức để thực hiện xây dựng và phân bổ dự toán ngân sách Nhà nước, các chỉ tiêu và tiêu chí để đánh giá công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thể hiện trong Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ Y tế.
Bộ Y tế đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, thủ tưởng các đơn vị trực thuộc trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi hiện tượng lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính, tài sản, thời gian và nhân lực trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước được giao và trong sử dụng ngân sách Nhà nước. Nêu cao ý thức trách nhiệm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ và trong cuộc sống hằng ngày.
Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho các cơ quan, tổ chức, đến năm 2021, Bộ Y tế đã giao khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính cho 100% đơn vị hành chính thuộc Bộ; giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho 100% đơn vị.
Trong công tác cải cách hành chính, giai đoạn 2016-2021, Bộ Y tế đã rà soát, chuẩn hóa và bãi bỏ gần 200 thủ tục hành chính; đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 153 quy định thủ tục hành chính và 14 quy định về điều kiện kinh doanh với tổng chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tiết kiệm ước tính khoảng 570 tỷ đồng.
Kết quả thực hiện hoạt động đấu thầu đã chọn được các nhà thầu cung ứng các mặt hành thuốc đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu, các gói thầu đều giảm được giá so với giá trúng thầu hiện tại của các cơ sở y tế.
Bên cạnh đó, ngành y tế cũng sắp xếp, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy hành chính Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập, theo đó giảm đầu mối các đơn vị trực thuộc từ 82 còn 80 đơn vị…
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng cho biết bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhiều cơ quan, đơn vị còn chưa ý thức được việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ chính trị, thường xuyên của cơ quan; chưa đưa vào Nghị quyết của cơ quan, của tổ chức Đảng tại cơ quan.
Việc thực hành tiết kiệm cũng chưa gắn chặt với việc kiểm tra, giám sát; việc triển khai tại các cơ quan chưa đồng bộ. Việc xây dựng các tiêu chí tiết kiệm còn khó khăn; chưa xây dựng được một bộ tiêu chí tiết kiệm cụ thể và đầy đủ. Các chế độ báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chưa được các đơn vị chấp hành đúng quy định; chưa được thủ trưởng các đơn vị quan tâm…
Đoàn giám sát đánh giá cao nỗ lực của ngành y tế
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết với 12 ý kiến phát biểu về 49 vấn đề, các thành viên Đoàn giám sát đã góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, xây dựng, trong đó nhiều đại biểu chia sẻ với Bộ Y tế đã trải qua "cơn địa chấn" lớn cả về công tác phòng chống dịch bệnh và công việc nội bộ. Phát biểu của Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan đã thẳng thắn nêu những vấn đề tồn tại và một số khó khăn về cơ chế, chính sách với Đoàn giám sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, hy sinh của ngành y trong tuyến đầu chống dịch COVID-19, đã cùng với các lực lượng khác phòng chống dịch hiệu quả, góp phần phục hồi kinh tế đất nước, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Đoàn giám sát cũng chia sẻ với Bộ Y tế về một số chính sách pháp luật trong lĩnh vực y tế và hệ thống pháp luật liên quan còn vướng mắc, bất cập, khó xử lý, khó đánh giá. Trong đó, trong pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có ý kiến cho rằng một số quy định của luật còn mang tính cương lĩnh, chủ trương nhiều hơn là quy định cụ thể, do đó trong quá trình thực hiện không tránh khỏi chồng chéo, trùng lắp.
Tình trạng nhân viên y tế xin thôi việc, nghỉ việc là thực trạng đáng quan tâm; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại bệnh viện công cũng là vấn đề cần được quan tâm.
Sau buổi này giám sát này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan tiếp thu đối đa ý kiến các thành viên Đoàn giám sát, cập nhật đầy đủ số liệu, tài liệu theo yêu cầu của Tổ công tác, các thành viên Đoàn giám sát. Bộ Y tế cũng cần nêu rõ cách làm hay, hiệu quả đã triển khai; đánh giá đúng tồn tại, khuyết điểm, đặc biệt làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, quy rõ trách nhiệm của từng cấp, đề xuất giải pháp khắc phục.
Đối với đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật về thực hành tiết, kiệm, chống lãng phí và hệ thống chính sách pháp luật liên quan, với trách nhiệm quản lý ngành, Bộ Y tế cần nêu cụ thể cần sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể nào.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng lưu ý Bộ Y tế cần tiếp thu ý kiến các thành viên Đoàn giám sát, những vấn đề đã rõ, thuộc phạm vi thẩm quyền của Bộ, được thực tiễn chứng minh là đúng thì đề nghị Bộ khắc phục mà không cần đợi đến khi có nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này. Vấn đề vượt thẩm quyền của Bộ thì cần thống kê, báo cáo với Đoàn giám sát…
Nguyễn Hoàng