Đoàn ĐBQH Việt Nam dự phiên họp về chuyển đổi Ban Thư ký AIPA 

(Chinhphu.vn) - Ngày 8/6, tại Nhà Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Việt Nam do Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà làm Trưởng đoàn đã dự phiên họp trực tuyến của Nhóm công tác đặc biệt do Ban Thư ký Hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA) tổ chức, nhằm thảo luận về nội dung “Chuyển đổi Ban Thư ký AIPA”.

 

Đoàn ĐBQH Việt Nam tham dự phiên họp

Tham dự phiên họp trực tuyến có Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân, Ban Thư ký AIPA và đại diện của các nước nghị viện thành viên.

Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận và trao đổi về các nội dung liên quan đến kế hoạch ngắn hạn và dài hạn cho việc chuyển đổi Ban Thư ký AIPA. Đồng thời đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về chuyển đổi Ban Thư ký AIPA, dự kiến sẽ được trình ra Đại hội đồng AIPA lần thứ 42 và thông qua báo cáo của Nhóm làm việc đặc biệt về chuyển đổi Ban Thư ký AIPA.

Theo Báo cáo nghiên cứu chuyển đổi Ban Thư ký AIPA, Ban Thư ký Tổ chức Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPO - tiền thân của AIPA) được thành lập năm 1990, trước yêu cầu cần thiết có một bộ phận hành chính thường trực của AIPO nhằm thực hiện nhiệm vụ liên lạc giữa các nghị viện thành viên của AIPO và thay mặt AIPO điều phối các hoạt động của tổ chức trong thời gian giữa các kỳ đại hội đồng.

Năm 2007, Ban Thư ký AIPO đổi tên thành Ban Thư ký AIPA (nhằm phù hợp với việc AIPO chính thức đổi tên thành AIPA). Kể từ thời điểm đó đến tháng 12/2020, Ban Thư ký AIPA tiếp nhận trụ sở từ Nghị viện Indonesia. Tại thời điểm Ban Thư ký AIPO thành lập, AIPO chỉ có 5 thành viên (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan) và 5 quan sát viên.

Hiện nay, AIPA đã phát triển thành một tổ chức gồm 10 nghị viện thành viên và 14 quan sát viên, với khối lượng công việc ngày càng tăng. Sự phát triển này đặt ra yêu cầu cải tổ Ban Thư ký AIPA nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

AIPA là một tổ chức liên nghị viện trong cộng đồng quốc tế, để duy trì sự tin cậy và uy tín, đại diện đúng mức cho AIPA trong cộng đồng quốc tế, Ban Thư ký AIPA đã bắt đầu tuyển dụng nhân viên có trình độ chuyên môn cao hơn để đảm nhiệm các vị trí quan trọng. Do đó, một số nhân viên Ban Thư ký AIPA có trình độ tương xứng với trình độ của Ban Thư ký ASEAN.

Hiện tại, các hoạt động của AIPA ngày càng gia tăng, khối lượng công việc của Ban Thư ký AIPA cũng nhiều lên. Vấn đề đặt ra là với mức lương và khối lượng công việc ngày càng tăng như hiện tại, tỷ lệ nhân viên của Ban Thư ký nghỉ việc là điều không thể tránh khỏi.

Theo báo cáo của Ban Thư ký AIPA, trong 5 năm qua, đã có 11 lần chia cắt việc làm, tương đương với tỷ lệ luân chuyển nhân viên là 64,7%. Ít nhất 44% nhân viên nghỉ việc để tìm kiếm công việc có mức lương cao hơn. Để giải quyết vấn đề này, Ban Thư ký AIPA đã thực hiện điều chỉnh tiền lương trong các năm 2014, 2016 và 2019. Tuy nhiên, mức tăng không đáng kể.

Nêu lên những thách thức mà Ban Thư ký AIPA đang phải đối mặt, Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân cho biết, Ban Thư ký AIPA đang gặp phải những hạn chế về thẩm quyền và các nguồn lực. Cụ thể, kể từ khi các nghị viện thành viên AIPA nhận thức ngày càng rõ về mục tiêu thúc đẩy Quy chế AIPA, Ban Thư ký AIPA nhận được nhiều nhiệm vụ từ các nghị viện thành viên AIPA vượt quá thẩm quyền của Ban Thư ký được nêu trong Quy chế. Đơn cử, trong những năm gần đây, Ban Thư ký AIPA phải thành lập thêm bộ phận đặc biệt phụ trách việc phát triển kế hoạch làm việc của Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy (AIPACODD), chuẩn bị báo cáo tiến độ thực hiện Nghị quyết về tiêu chuẩn hoá và tự do hóa dịch vụ hàng không theo thỏa thuận chung về xây dựng và khai thác thị trường hàng không ASEAN thống nhất. Mặc dù vậy, các chức năng, nhiệm vụ của Ban Thư ký AIPA bị giới hạn ở phạm vị cơ quan hành chính.

Đặc biệt, sau khi Ban Thư ký AIPA chuyển địa điểm làm việc tới Tòa nhà di sản của Ban Thư ký ASEAN, chi phí hoạt động của Ban đã tăng lên. Do đó, ngân sách hàng năm không còn đủ khả năng chi trả cho các chi phí chung của Ban để tiếp tục hoạt động bình thường.

Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân cho biết, với ngân sách hiện tại, Ban Thư ký AIPA chỉ có thể tuyển dụng 15 nhân viên, trong đó chỉ 4 nhân viên chuyên trách xử lý các công việc về tổ chức các các cuộc họp thường niên của AIPA và các hoạt động liên quan, cả về đối nội và đối ngoại. Các nhân viên Ban Thư ký AIPA còn phải đảm nhiệm các công việc khác, như tham gia các cuộc họp của Ban Thư ký ASEAN, các đại sứ quán, duy trì mối quan hệ với các đối tác tiềm năng; nghiên cứu và đưa ra các đề xuất, kiến nghị cho Chủ tịch AIPA trong các vấn đề cụ thể. Số lượng nhân viên hiện tại của Ban Thư ký AIPA không đủ để đáp ứng khối lượng và yêu cầu công việc, do vậy, Ban Thư ký AIPA đề xuất kế hoạch tăng số lượng nhân viên tuyển dụng từ 15 lên 21 nhân viên và tăng lương cho nhân viên nhằm đáp ứng nhu cầu tối thiểu và bảo đảm phù hợp trong ASEAN.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng cường đóng góp hàng năm của các nghị viện thành viên AIPA để Ban Thư ký AIPA tiếp tục hoạt động là cấp thiết. Việc chuyển đổi Ban Thư ký AIPA nhằm mục đích cung cấp các dịch vụ nghị viện tốt hơn cho các nghị viện thành viên AIPA. Hơn nữa, việc chuyển đổi này cũng nhằm điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký AIPA phù hợp với cả môi trường bên trong và bên ngoài không ngừng thay đổi, tối đa hóa năng lực của tổ chức trong theo đuổi các mục tiêu căn bản của AIPA.

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Đoàn ĐBQH Việt Nam, bà Lê Thu Hà đánh giá cao sự đóng góp của Ban Thư ký AIPA trong hoạt động của AIPA và nhất trí trên nguyên tắc về sự cần thiết chuyển đổi Ban Thư ký AIPA; cho rằng công việc của Ban Thư ký AIPA rất nhiều và phức tạp, do đó, những hạn chế về thẩm quyền, tài chính và nhân lực đặt ra nhiều thách thức đối với hoạt động của Ban Thư ký.

Góp ý vào các kế hoạch chuyển đổi Ban Thư ký trong ngắn hạn và dài hạn, Việt Nam đồng tình với đề xuất tăng lương cho nhân viên Ban Thư ký và lưu ý rằng, mức tăng lương cần được tính toán phù hợp với tình hình lạm phát và có sự so sánh với mức lương nhân viên Ban Thư ký ASEAN.

Về kế hoạch tăng nhân sự cho Ban Thư ký AIPA, Đoàn Việt Nam đề xuất, trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tại thời điểm hiện tại, Ban Thư ký nên bổ sung từ 2-3 nhân viên cho những vị trí thiết yếu. Trong 2-3 năm tới, với sự cải thiện tình hình kinh tế, nếu tình hình đại dịch COVID-19 được kiểm soát tốt ở các nước thành viên ASEAN, Ban Thư ký AIPA có thể tuyển dụng thêm nhân sự vào từng vị trí cụ thể. Về bảo đảm ngân sách cho hoạt động của Ban Thư ký AIPA, Đoàn ĐBQH Việt Nam đề xuất việc tăng ngay số tiền mà mỗi nghị viện thành viên phải đóng góp cần được thực hiện theo giai đoạn và Ban Thư ký AIPA cần tính toán, làm rõ mức đóng góp cụ thể./.

Nguyễn Hoàng
179 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 942
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 942
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87076756