Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT 

(QT) - Ngày 13/4/2017, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh do đồng chí Hoàng Đức Thắng, UVTVTU, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thực hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị do Tập đoàn Trường Thịnh và Công ty TNHH BOT Quảng Trị làm chủ đầu tư.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT

Tham gia đoàn giám sát có các đồng chí: Hà Sỹ Đồng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; các đồng chí đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Dự án Mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ thành phố Đông Hà đến thị xã Quảng Trị do Tập đoàn Trường Thịnh làm chủ đầu tư theo hình thức BOT trong nước với tổng mức đầu tư ban đầu là 536 tỷ đồng, qua 2 lần điều chỉnh do trượt giá đã tăng lên hơn 1.030 tỷ đồng. Công trình có tổng chiều dài 12,986 km, điểm đầu từ Km 756+705 tại phía Nam cầu Đông Hà và điểm cuối Km 769+947 tại phía Bắc cầu Thạch Hãn. Đường có thiết kế bề rộng mặt đường 37m.

 

Công trình được khởi công từ cuối năm 2008 và hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, thu phí hoàn vốn giữa năm 2014. Dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ Km 741+170 tại Dốc Miếu, huyện Gio Linh đến Km 756+705 tại phía Bắc cầu Đông Hà. Công trình có tổng mức đầu tư 1.067 tỷ đồng do Liên danh BOT Quảng Trị, gồm Tập đoàn Trường Thịnh và Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn làm chủ đầu tư. Công trình khởi công từ năm 2013 và hoàn thành năm 2015.

 

Sau khi 2 dự án hoàn thành, các chủ đầu tư đã tiến hành lập trạm thu phí chung để hoàn vốn công trình tại Km 763+800 trên địa bàn huyện Triệu Phong. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến là 21 năm 3 tháng; mức phí được áp dụng theo Thông tư số 135/2016/TT-BTC ngày 8/9/2016 của Bộ Tài chính và Thông tư số 35/2016/TTBGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ Giao thông vận tải với các mức từ 35.000 đồng đến 180.000 đồng tùy theo loại phương tiện. Nhìn chung hai dự án giao thông BOT kể trên đều thực hiện đúng các quy định pháp luật từ việc lập, thẩm định, phê duyệt công bố dự án; đàm phán, ký kết hợp đồng; triển khai dự án; vận hành khai thác, bảo trì, bảo dưỡng và chuyển giao.

 

Kết quả bước đầu cho thấy, sau khi hai công trình được đưa vào sử dụng đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, giảm ùn tắc giao thông. Tạo được công ăn việc làm cho người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Bên cạnh đó, vẫn còn những khó khăn, tồn tại như công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ dự án; đoạn qua địa bàn huyện Gio Linh còn tồn tại đường gom dân sinh chưa được giải quyết, 2 vị trí chưa lắp đặt giải phân cách; đoạn qua thành phố Đông Hà vướng 2 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng; một số nút giao thông chưa được xử lý; hệ thống thoát nước qua địa bàn thị trấn Ái Tử chưa đảm bảo…

 

Điều kiện thi công khắc nghiệt, vừa thi công vừa sử dụng khiến chất lượng công trình không đảm bảo, đặc biệt là đoạn từ thành phố Đông Hà đi thị xã Quảng Trị khiến chi phí duy tu, sửa chữa cao. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng việc đặt vị trí trạm thu phí chưa phù hợp, giá phí còn cao ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn… Từ đó nhà đầu tư kiến nghị chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần phố hợp chặt chẽ trong quản lý, khai thác công trình an toàn, hiệu quả. Giải quyết dứt điểm những vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư tiếp tục hoàn thiện công trình, hạng mục, đảm bảo khai thác hiệu quả, an toàn.

 

Có những chính sách phù hợp nhằm bảo đảm hài hòa trách nhiệm và quyền lợi giữa nhà nước với nhà đầu tư trong quá trình quản lý và khai thác công trình. Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Đức Thắng, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, trưởng đoàn giám sát cho rằng chủ trương đầu tư các công trình hạ tầng giao thông theo hình thức BOT trong nước là cần thiết nhằm đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng các hình thức đầu tư nhằm hoàn thiện và nâng cao hạ tầng giao thông trong quá trình phát triển đất nước nói chung và địa phương nói riêng. Đồng chí ghi nhận những kết quả đạt được đồng thời nhìn nhận những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư, khai thác, sử dụng các công trình BOT, đồng thời tiếp nhận những kiến nghị để tổng hợp, nghiên cứu, xem xét kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương để có những điều chỉnh phù hợp nhằm phát huy hiệu quả việc đầu tư, khai thác, sử dụng các công trình giao thông theo hình thức đầu tư BOT trong thời gian tới.

690 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 461
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 461
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87651047