|
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (thứ 2 từ trái qua) trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà tại khu vực công trình hồ chứa nước Đông Thanh (Ảnh: Báo Lâm Đồng) |
Báo cáo với Đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: rong 2 tháng 6 và 7/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra rất nhiều trận mưa lớn liên tục và kéo dài, kèm theo lốc xoáy, sạt lở đất, trong đó có 13 trận mưa lớn, 1 trận mưa đá, 6 trân lốc xoáy, 7 vụ sạt lở đất. Sạt trượt đất xảy ra chủ yếu trên 2 địa bàn Đà Lạt và Bảo Lộc.
Riêng với công trình hồ chứa nước Đông Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc cho biết, vốn đầu tư gần 500 tỉ đồng và đang trong giai đoạn thi công. Mục tiêu đầu tư cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu cho người dân. Đầu tháng 7 phát sinh 2 điểm sạt trượt, 9 hộ dân ảnh hưởng, trong đó có 6 hộ có nhà ở (4 hộ xây nhà không đúng quy định). Hiện cả 9 hộ dân đã được di dời đến chỗ ở tạm thời khác để đảm bảo an toàn.
Đoàn công tác sau khi khảo sát thực tế cũng đã gặp và trao đổi với một số người dân sống gần khu vực hồ chứa nước, bị ảnh hưởng khi nhà cửa bị nứt tường, sụt lún, phải di tản tới nơi an toàn.
Tại công trình này, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, các chuyên gia và đoàn công tác cũng xem các mẫu đất đá từ mũi khoan để nắm bắt thông tin về kết cấu địa tầng. Các kết quả thăm dò, nghiên cứu địa chất tại khu vực cũng được các đơn vị chức năng, chủ đầu tư, đơn vị thi công báo cáo chi tiết.
Ngay sau buổi thực tế, tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và UBND huyện Lâm Hà tại Đức Trọng, đoàn công tác đã có nhiều ý kiến góp ý, đề nghị hướng xử lý đối sự cố xảy ra ở khu vực hồ chứa nước Đông Thanh.
Về vấn đề sạt trượt, sạt lở đất tại công trình hồ chứa nước Đông Thanh, PGS.TS Nguyễn Châu Lân (chuyên gia trong đoàn công tác) nhận định khu vực xuất hiện 2 khung sạt trượt lớn. Ở những vị trí này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức di dời người dân đến nơi an toàn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Thuỷ lợi Nguyễn Tùng Phong đề nghị tư vấn, các chuyên gia cần nghiên cứu lại để đánh giá, rà soát lại toàn bộ nguy cơ ảnh hưởng đến hồ chứa nước và rộng ra là cả vùng này; cần rà soát lại thiết kế xem có đảm bảo an toàn công trình hay không. Đặc biệt là đánh giá về an toàn quy trình tích nước sau này như thế nào, đảm bảo hay không là vấn đề hết sức cần lưu ý.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao công tác ứng phó thiên tai của tỉnh Lâm Đồng trong thời gian qua.Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng: Lâm Đồng là tỉnh phát triển khá nhanh, cơ cấu nông nghiệp khá lớn, nên cần phải tính toán lồng ghép chiến lược phòng chống thiên tai một cách nghiêm túc vào đề án phát triển nông nghiệp của tỉnh.
|
Toàn cảnh khu vực dự án hồ chứa nước Đông Thanh nhìn từ trên cao (Ảnh: Báo Lâm Đồng) |
Đồng tình với những báo cáo về vấn đề sạt trượt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng do lãnh đạo tỉnh trình bày, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đồng tình với việc tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức hội thảo mời các chuyên gia nhằm tìm kiếm giải pháp tham vấn để tìm kiếm giải pháp đưa ra giải quyết cho vấn đề ngắn hạn và cả dài hạn về vấn đề sạt trượt đất. "Tỉnh cố gắng làm sao sớm xây dựng được bản đồ sạt trượt. Và bản đồ ấy phải chính xác đến điểm nhỏ nhất, chứ không thể dừng lại ở bản đồ cảnh báo vùng" - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Đối với hồ Đông Thanh, Thứ trưởng đồng ý với ý kiến của các chuyên gia là cần tổ chức khảo sát, khoan thăm dò lại ở diện rộng hơn ở cả 2 khối sạt trượt hiện nay ở vùng thượng lưu và hạ lưu và lưu ý, tỉnh cần chỉ đạo các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia.
Về giải pháp xử lý vấn đề sạt trượt ở hồ Đông Thanh, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, trước hết là phải hạ tải; sau đó xử lý thoát nước ngầm và thoát nước mặt; sau đó rà soát lại phương pháp thi công, có thể quá trình thi công tốt đảm bảo nhưng một khi đã xảy ra sự cố như hiện nay thì cần phải có biện pháp thi công để ứng phó sao cho phù hợp với tình huống.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cũng lưu ý và đề nghị UBND tỉnh, huyện Lâm Hà cần quan tâm tới đời sống của bà con, sớm bố trí điện, đường, đảm an toàn, tái định cư ổn định, phù hợp cho bà con.