Ýkiến cho rằng, ban hành chính sách, pháp luật còn xa rời thực tiễn, làm cho những người thực thi có quyết tâm đến mấy cũng nản vì không thực hiện được, hay vừa làm vừa “nghe ngóng” sợ sai, sợ trách nhiệm.
Cán bộ BĐBP Điện Biên tích cực đưa chính sách của Đảng đi vào cuộc sống
(hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số kỹ thuật gieo trồng). Ảnh: Long Ngũ.
Cuộc sống luôn vận động không ngừng nghỉ đòi hỏi chính sách, pháp luật luôn bám sát cuộc sống, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đó là yêu cầu khách quan.
Hai ví dụ sau đây của 2 đại biểu Quốc hội cho thấy, thực tiễn đang đòi hỏi chúng ta phải đổi mới, bám sát cuộc sống để ban hành chính sách, pháp luật đảm bảo tính khả thi.
Ví dụ thứ nhất:
Ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Quốc hội Võ Trọng Việt phản ánh, nhiều lãnh đạo hay nói “trên nóng dưới lạnh”, nhưng nhiều “anh em dưới địa phương không đồng tình”.
Ông Võ Trọng Việt đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội thời gian vừa qua là ổn định, phát triển, quyết liệt, sáng tạo và tạo được lòng tin. Tuy nhiên, ông Võ Trọng Việt cũng cho rằng, bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước cũng còn một số tồn tại.
“Thứ nhất là tiêu cực và sức ì trong bộ máy công quyền quá lớn”, ông Võ Trọng Việt nhận xét và cho rằng, vấn đề này mà không sửa, không quyết liệt làm thì dứt khoát là ách tắc rất lớn.
“Nhân chuyện này, tôi muốn nói chuyện một số đồng chí lãnh đạo hay nói "trên nóng, dưới lạnh". Tôi đi địa phương thấy anh em không đồng tình đâu. Anh em nói ở trên có làm đâu mà sai, còn ở dưới làm nên nóng là chết”, ông Võ Trọng Việt nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh cũng nói thêm: “Anh em người ta nói, ở trên có làm đâu, chỉ nói. Ông nóng gì thì nóng nhưng ông chỉ nói thì không sai. Ở dưới người ta làm thì có sai sót, nên nóng lên là sai”. Từ đó, Võ Trọng ông Việt đề nghị không nên lạm dụng câu nói này…
Do đó, ông Võ Trọng Việt đề nghị thời gian tới, Chính phủ cần lưu ý vấn đề tăng cường phân cấp, vì nếu phân cấp dở chừng thế này thì địa phương sẽ rất khó khăn.
“Chính phủ thử đóng vai địa phương thì sẽ thấy là ách tắc và phân cấp chưa đến nơi, đến chốn, rất khó làm, khó giải quyết”, ông Võ Trọng Việt nói, và đề nghị cần phải phân cấp mạnh hơn. “Các đồng chí xem, anh em cũng nói, chuyện gì cũng Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo. Vậy Thủ tướng không chỉ đạo thì không làm à? Làm như vậy mất quyền tự chủ của địa phương”, sau nhận xét này, ông Võ Trọng Việt cho rằng nếu cứ “tư duy ăn đong, sự vụ sẽ làm lùi sự phát triển đất nước”, và đề nghị cả hệ thống chính trị cần tập trung tháo gỡ ách tắc cả về lập pháp, hành pháp đối với những vấn đề lớn, căn cơ của đất nước.
Ví dụ thứ hai:
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT), Nguyễn Văn Thể đề nghị Quốc hội cần thay đổi quy định về bố trí vốn các dự án đầu tư công để khắc phục tình trạng vốn đã bố trí nhưng không giải ngân được, như dự án sân bay Long Thành.
Theo Luật Đầu tư công, khi Quốc hội (QH) bố trí được nguồn vốn thì mới triển khai các công việc tiếp theo. Làm như thế này sẽ đảm bảo được có nguồn vốn để thực hiện đầy đủ nhưng dẫn đến bức xúc xã hội, cụ thể là ghi vốn rồi nhưng giải ngân rất khó. Dẫn ví dụ dự án sân bay quốc tế Long Thành, ông Nguyễn Văn Thể cho biết khi QH thống nhất về chủ trương, Chính phủ mới chỉ đạo Bộ triển khai. Lúc đó biết bố trí bao nhiêu tiền rồi nhưng do đây là dự án trọng điểm quốc gia nên phải thi tuyển mẫu kiến trúc theo trình tự quốc tế, mất rất nhiều thời gian.
“Toàn bộ hồ sơ mời thầu, xét thầu, chấm thầu, tổ chức công bố giải phải theo trình tự, không thể làm khác được, mất rất nhiều thời gian. Khi có được phương án kiến trúc nhà ga, chúng tôi mới có thể thực hiện đấu thầu quốc tế, xét thầu, công bố trúng thầu… “Những công việc này mất hơn 1 năm. Như vậy, chỉ thi kiến trúc và lập dự án mất gần 2 năm”, Bộ trưởng Bộ GTVT cho hay.
Cũng theo quy trình, đến tháng 10 tới, Bộ GTVT mới báo cáo Quốc hội dự án sân bay Long Thành. Sau khi Quốc hội đồng ý, Chính phủ mới phê duyệt dự án. Sau đó mới đến khâu quyết định giao đơn vị nào lập dự án đầu tư. Nhà đầu tư được chọn sau đó sẽ tiến hành mời thầu và lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán. Mất khoảng 6 - 9 tháng nữa mới có hồ sơ phê duyệt. Từ đó mới đấu thầu xây lắp, mới biết được ai làm cái gì. Điều này cũng đồng nghĩa với việc từ ngày QH cho chủ trương bố trí vốn làm sân bay Long Thành, qua hết các khâu thì mất 3 năm, theo đúng trình tự đầu tư công, không thể làm khác được”, ông Nguyễn Văn Thể nói và than rằng “bố trí tiền rồi mà 3 năm chỉ lo thủ tục, chưa nói đến công tác giải phóng mặt bằng”.
Từ thực tế trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị thay đổi cách bố trí vốn và trình tự thủ tục của Luật Đầu tư công cho phù hợp.“Rõ ràng tiến độ đang chậm nhưng nếu chiểu theo Luật Đầu tư công. Chúng tôi muốn làm nhanh lắm nhưng không thể khác được”, ông Nguyễn Văn Thể nói.
Như vậy là chính sách, pháp luật chưa đi vào cuộc sống, cấp dưới dù rất cố gắng để tổ chức triển khai thực hiện, nhưng rất khó khăn đến mức vừa làm vừa “nghe ngóng” bởi sợ sai vi phạm kỷ luật, với câu nói điển hình là “ở trên chỉ nói, có làm đâu mà sai, ở dưới làm nóng nên là chết”, để khẳng định chính sách còn nhiều bất cập. Thật sự cần phải chia sẻ với cơ sở bởi sự chậm trễ, sức ì quá lớn trong bộ máy công quyền. Chúng ta thường nói là phân cấp mạnh cho ngành, địa phương, cơ sở nhưng sao vẫn ách tắc, chậm chuyển biến?.
Đến Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã phải lên tiếng, tiến độ sân bay Long Thành đang chậm, muốn làm nhanh nhưng không thể khác được nếu chiểu theo Luật Đầu tư công. Thật xót xa khi bố trí được vốn, có tiền rồi mà 3 năm chỉ lo thủ tục chưa xong, đây là sự bất cập, một lãng phí lớn, trách nhiệm này thuộc về ai?
Sự bất cập khập khiễng của chính sách, pháp luật không phải bây giờ mới có mà nó “lẽo đẽo” đi theo sau cuộc sống đã quá lâu và rất chậm chạp để thay đổi qua hai dẫn chứng nói trên. Những quy định của chính sách, pháp luật không phù hợp thể hiện rõ sự thiếu thực tiễn của những người thiết kế, xây dựng. Nếu chính sách, pháp luật không phù hợp thì phải sửa để chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống.
Nguyễn Minh