Cánh tay robot có chất liệu vỏ bằng nhựa, nặng 0,7 kg, dài 0,4 mét, rộng 0,15 mét với nguyên lý hoạt động khá đơn giản. Thiết bị có sử dụng các bộ cảm biến làm mạch phát tín hiệu gửi đến mạch điện tử gắn trên cánh tay robot bằng sóng điện từ; có trang bị cảm biến chuyển động để xem người sử dụng đang đứng yên hay di chuyển; cảm biến nhiệt để báo động khi các đồ cầm vào quá nóng, gây nguy hiểm... Điều đặc biệt, sản phẩm chỉ ở mức giá khoảng 3 triệu đồng, một khoản chi phí phù hợp với hoàn cảnh và kinh tế của người khuyết tật nghèo. “Sản phẩm của bạn ấy mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cảm thông và giúp những người khuyết tật nghèo tìm lại chính mình, hữu ích cho đời”, em Hồ Thanh Hiếu, học sinh Trường THPT Chế Lan Viên (H. Cam Lộ) bày tỏ sự khâm phục, tin tưởng khi nói về sự nỗ lực của Huy trước ngày sang xứ cờ hoa tranh tài. Sở GD – ĐT Quảng Trị cũng tham mưu UBND tỉnh cấp một khoản kinh phí hơn 200 triệu đồng để em và thầy giáo hướng dẫn sang Mỹ. Nhiều người tin tưởng tác phẩm của cậu học trò Thành Cổ Quảng Trị anh hùng sẽ để lại ấn tượng sâu sắc.
|
Phan Huy đã sang Mỹ tham gia Hội thi Khoa học - Kỹ thuật quốc tế 2017 và mọi người đang chờ tin kết quả từ “cánh tay robot” của em. |
Thế nên, việc Huy phỏng vấn để được cấp Visa vào Mỹ thất bại lần 1 đã khiến nhiều người lo lắng, thấp thỏm. Ngay sau khi có kết quả ngoài ý muốn này, Sở GD-ĐT Quảng Trị đã khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Trị và Sở Ngoại vụ có văn bản đặc biệt gửi Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội về trường hợp của Huy. Đến ngày 9-5, Huy cùng thầy giáo tiếp tục ra Hà Nội để phỏng vấn lần 2. Mọi người nóng ruột đợi tin bởi thời điểm khai mạc Hội thi tại Mỹ cũng không còn xa nữa. Theo Huy, tại buổi phỏng vấn này, em đã trả lời gãy gọn mọi câu hỏi dù tiếng Anh chưa xuất sắc lắm. Tuy nhiên, Huy vẫn bị Đại sứ quán Mỹ từ chối cấp Visa. Trở về Quảng Trị, trong thâm tâm Huy coi như đã lỡ sân chơi trí tuệ lớn này. Thầy cô, bạn bè và cả Quảng Trị tỏ rõ sự tiếc nuối vì có thể cậu học trò con người thợ sửa xe máy nghèo không còn cơ hội.
“Biết đâu, có thể Huy sang Mỹ muộn sau ngày khai mạc một tí”, nhiều người vẫn hy vọng. Và đúng như vậy. Chiều 12-5, Huy mừng vui báo vừa nhận được liên lạc từ Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đồng ý phỏng vấn lần 3 vào ngay sáng 13-5. “Họ còn cho biết nếu em vượt qua được thì sẽ tạo điều kiện để cấp Visa ngay trong ngày”, giọng Huy đầy xúc động. Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị cũng vui mừng cho biết Sở ngay lập tức liên lạc với gia đình, chủ động đặt vé máy bay và liên hệ với đoàn Bộ GD-ĐT đã có mặt tại Mỹ để đón Huy nếu mọi việc suôn sẻ. Mọi người nín thở chờ tin Huy từ Hà Nội. Và kỳ vọng đã thành hiện thực. Buổi phỏng vấn thành công.
Gần khuya 13-5, tại sân bay Nội Bài, Huy lên chuyến bay sang Mỹ. Trên hành trình dài ấy, em sẽ quá cảnh tại Seoul (Hàn Quốc) rồi đến Mỹ vào tối 14-5 với quyết tâm cao nhất. Ở quê nhà, bà con, thầy cô, bạn bè đợi mong Huy với tất cả niềm tự hào và hy vọng qua cuộc thi em sẽ học hỏi thêm kinh nghiệm, kiến thức bổ ích từ bạn bè quốc tế. Đây cũng là động lực để nhiều bạn trẻ đam mê sáng tạo tiếp tục với hành trình chinh phục Khoa học - Kỹ thuật đang lôi cuốn học sinh Quảng Trị.
Cuộc thi Sáng tạo trẻ tại Quảng Trị được khởi động hơn 3 năm, hằng năm thu hút hàng trăm tác phẩm, mô hình của học sinh tham gia có tính thực tiễn và ứng dụng cao. Qua đó cho thấy sự tiến bộ và nỗ lực không ngừng của học trò Quảng Trị, vượt lên chính mình, khẳng định bản thân và trí tuệ với mong muốn từng bước đóng góp vào xây dựng và phát triển KT – XH địa phương trong tương lai.
Bảo Hà