Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) Lưu Trung Thái phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chia sẻ tại Hội nghị về kinh nghiệm tận dụng "làn sóng" chuyển đổi số, thúc đẩy tăng trưởng trên 8% đối với doanh nghiệp Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) Lưu Trung Thái cho biết, các doanh nghiệp cần có tư duy làm việc và áp dụng các phương pháp giống như các công ty công nghệ.
Trên cơ sở đó, để có quy mô khách hàng lớn nhất, mỗi năm MB đầu tư cho công nghệ khoảng 100 triệu USD liên tục trong vòng 7 năm, áp dụng công nghệ mới nhất để giải bài toán có khách hàng nhanh. Trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm MB có 5-7 triệu khách hàng mới, dẫn đầu thị trường về số lượng giao dịch và số lượng khách hàng mới vào hệ thống.
"Chúng tôi cũng dùng hệ thống của các công ty công nghệ đang làm, vận dụng vào MB, khiến doanh thu từ áp dụng chuyển đổi số của MB tăng gấp 3 lần so với thông thường", ông Lưu Trung Thái nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo MB, chúng ta cần ưu tiên các cơ hội về chuyển đổi số, các dự án lớn về công nghệ, dự án về nền tảng mới cho doanh nghiệp nhà nước, từ đó phát huy tính dẫn dắt của các đơn vị này.
Thứ hai, cho phép doanh nghiệp nhà nước có chế độ trả lương như doanh nghiệp tư nhân, từ đó các doanh nghiệp nhà nước sẽ dựa vào doanh thu, lợi nhuận để đầu tư cho chuyển đổi số.
Các đại biểu dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phải có đột phá về dữ liệu và hạ tầng
Là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông của cả nước, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội (Viettel) cho biết, trong quá trình hình thành và phát triển, Tập đoàn luôn xác định phải biến nguy thành cơ để vươn lên.
Tham mưu các giải pháp để DNNN tiên phong chuyển đổi số, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay, Thiếu tướng Tào Đức Thắng cho rằng, để chuyển đổi số nhanh, chúng ta cần quan tâm 6 nội dung trọng tâm.
Thứ nhất là xây dựng quy trình và thể chế khi chuyển sang môi trường số do có sự khác biệt, tức là phải xây dựng quy trình, văn bản quy phạm pháp lý và thể chế kèm theo.
Thứ hai là đột phá về mặt dữ liệu, tức là các bộ, ngành, địa phương phải chỉnh lý tài liệu, số lượng tài liệu cần chỉnh lý rất nhiều nên phải xác định tài liệu nào cần số hóa, tài liệu nào cần chỉnh lý, tài liệu nào cần lưu trữ.
Thứ ba là đột phá về hạ tầng, để kết nối trên môi trường số phải có sự kết nối, tốc độ tốt, có hệ thống lưu trữ, tính toán nhanh, hiệu quả, an toàn, có các thiết bị đầu cuối.
Thứ tư là các nền tảng số cần được đưa vào hoạt động, khai thác, điều này đòi hỏi không chỉ các doanh nghiệp chuyển đổi số mà cần sự tham gia tích cực của người đứng đầu, các cán bộ nghiệp vụ của cơ quan, đơn vị đó.
Thứ năm là phải bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng, bảo đảm không bị rò rỉ, thất thoát, lấy cắp thông tin.
Cuối cùng là vấn đề con người, khi giao diện trên môi trường số đã được thiết kế thân thiện thì bộ phận các công chức, viên chức cần nâng cao nhận thức đối với công tác chuyển đổi số.
Lãnh đạo Tập đoàn Viettel cũng bày tỏ mong muốn sớm thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung cập nhật Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đồng thời kiến nghị, sau khi các văn kiện được ký kết, chúng ta cần kết nối các doanh nghiệp, để từ đó có thể bước ra toàn cầu.
Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia Việt Nam -Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các doanh nghiệp cam kết phấn đấu tăng trưởng ít nhất 8%
Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) cho biết, Petrovietnam đặt mục tiêu theo chỉ đạo của Thủ tướng và của Bộ Tài chính là tăng trưởng ít nhất 8% trong năm nay.
Tính từ nay đến cuối năm, gần như tháng nào Petrovietnam cũng sẽ đưa 1 công trình vào vận hành thương mại, như tháng 5 có dự án Đại Hùng 3 vào vận hành, sẽ có thêm khoảng10 nghìn thùng dầu/ngày. Tháng 6 là dự án Nhân Trạch 3, tháng 7 là Kình Ngư Trắng, tháng 8 là Nhân Trạch 4…
Các giải pháp về công nghệ số đã góp phần giúp Petrovietnam đảm bảo được tốc độ tăng trưởng về doanh thu, khoảng 16,7%/ năm, nộp ngân sách khoảng 21,3%/năm cho giai đoạn 2021 - 2024.
Trong năm nay, Tập đoàn đã nâng mức đầu tư cho khoa học công nghệ để nâng mức chuyển đổi số của công ty mẹ đến mức 5, tức là mức dẫn dắt và của toàn tập đoàn lên mức 4 vào năm 2030. Phấn đấu đến năm 2030, Petrovietnam lọt vào top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới.
Cũng tại Hội nghị, Tập đoàn Viettel cam kết đặt mục tiêu tăng trưởng tối thiểu vượt 8%, phấn đấu tăng trưởng 2 con số, đóng góp chung vào sự tăng trưởng của cả nước.
Ông Ngô Hoàng Ngân, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công ngiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cũng nhấn mạnh, năm 2025, Tập đoàn phấn đấu than sạch sản xuất sẽ đạt 39,5 triệu tấn, tăng 1,5 triệu tấn so với năm 2024. Than tiêu thụ phấn đấu đạt 51,5 triệu tấn, tăng 2,5 triệu tấn so với năm 2024. Tổng doanh thu toàn ngành sẽ phấn đấu đạt 180.000 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2024.
Về nộp ngân sách, phấn đấu ở mức cao nhất. Giá trị đầu tư sẽ phấn đấu đạt trên 11.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2024 theo đúng chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ.
Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)
Sẵn sàng cho các kịch bản tăng trưởng 2 con số
Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng khẳng định, nhiệm vụ đầu tiên và trên hết của ngành là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc đảm bảo cung ứng đủ điện cho tăng trưởng kinh tế với tốc độ 8% hoặc cao hơn, sẵn sàng cho các kịch bản tăng trưởng hai con số.
Với sự điều hành của Bộ Công Thương, chúng tôi đã xây dựng kịch bản năm nay là tăng trưởng từ 11% đến 13%. Với các tính toán hiện nay, sau 1 quý, chúng ta có thể yên tâm về cung ứng điện, nếu không có các yếu tố quá bất thường, rủi ro.
Thứ hai, EVN tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng điện, bao gồm các công trình nguồn được giao trong Quy hoạch điện VIII và các công trình lưới điện. Năm 2023, EVN đã đầu tư 84.000 tỷ đồng; năm 2024, đã giải ngân 112.892 tỷ đồng, đã hoàn thành Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng 360 MW và đóng điện 216 công trình, khởi công 102 công trình cấp từ 110 kV đến 500 kV.
"Năm nay EVN tiếp tục duy trì mục tiêu cao, tổng khối lượng đầu tư khoảng 110.000 tỷ đồng. Báo cáo của Bộ Tài chính đã nêu, năm ngoái, 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư 160.000 tỷ đồng, riêng EVN là 112.892 tỷ đồng. Chúng tôi coi đây là nhiệm vụ rất quan trọng để đảm bảo cung ứng điện cho các địa phương", đại diện EVN nhấn mạnh.
Về ứng dụng chuyển đổi số, EVN đã triển khai chương trình chuyển đổi số từ nhiều năm nay, với thuận lợi về hệ thống cáp quang rộng khắp, kết nối đến tất cả các đơn vị cấp huyện trên cả nước. Hiện nay, tất cả các trạm biến áp từ 110 kV và 220 kV đã chuyển sang không người trực hoàn toàn, đạt trên 97%.
Năm nay, sẽ hoàn thành 100% trạm biến áp 220 kV và 110 kV không người trực hoàn toàn. Tập đoàn cũng đang chuyển các trạm 500 kV (35 trạm) sang chế độ không người trực.
Tất cả các nhà máy điện đều có hệ thống tự động hóa điều khiển từ xa, các công ty điện lực tỉnh đều có trung tâm điều khiển xa. Công tác điều độ vận hành đang được hiện đại hóa.
"Quan trọng là chúng tôi đang tiến hành làm chủ công nghệ, không phải mua sản phẩm nước ngoài trong lĩnh vực điều khiển, tự động hóa", Ông Đặng Hoàng An cho biết.
Tuy nhiên, lãnh đạo Tập đoàn EVN cũng nhìn nhận, phần khó nhất hiện nay trong chuyển đổi số là cải tiến quy trình nội bộ. Hiện, EVN đang tự phát triển các giải pháp là chính và rất mong muốn các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ thông tin có nhiều sản phẩm, giải pháp hơn nữa phục vụ quản trị của các doanh nghiệp.
Hiền Minh