DN Việt thắng lớn thử thách sáng tạo cùng công nghệ Fintech 

(Chinhphu.vn) - Ngày 8/11, trong khuôn khổ Chương trình thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính Việt Nam (Fintech Challenge Vietnam – FCV), Diễn đàn Công nghệ tài chính Việt Nam (FVF) đã được tổ chức tại Hà Nội. Chương trình FCV do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức.

 

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, trong đó bao gồm chủ trương có liên quan trực tiếp tới quá trình chuyển đổi số của hoạt động ngân hàng. Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đã xác định công nghệ sẽ là giải pháp hàng đầu đối với sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

 

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh . Ảnh:VGP.
 

Diễn đàn Fintech (FVF) 2019 đã trở thành một sự kiện lớn, có tầm cỡ và được các cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế, các thành viên thị trường tài chính đánh giá cao và mong muốn được tham gia, chia sẻ những kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm tốt nhất về Fintech.

 

Thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa NHNN, ADB và Chính phủ Australia trong việc tổ chức Chương trình thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính Việt Nam và Diễn đàn Công nghệ tài chính Việt Nam lần thứ 2, tiếp tục hỗ trợ cho sự phát triển của Hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam. Trải qua 2 mùa tổ chức, sự kiện đã đón nhận sự tham gia và ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng Fintech trong và ngoài nước.

 

“Diễn đàn cũng là cơ hội để cộng đồng Fintech và ngân hàng trao đổi về khả năng hợp tác tốt hơn trong tương lai. Diễn đàn Fintech 2019 sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của Hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam. Đây là thời điểm thích hợp, thuận lợi giúp hệ thống tài chính – ngân hàng Việt Nam có bước chuyển mình, nhanh chóng bắt kịp với tốc độ và trình độ phát triển của các hệ thống tiên tiến trên thế giới”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

 

Nếu năm 2018 số lượng hồ sơ đăng ký tham gia là 141 công ty thì năm nay con số này tăng tới 208 công ty đến từ 28 quốc gia trên thế giới. Đây là minh chứng cho một sân chơi hiệu quả và ngày càng uy tín, thu hút được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng.

 

“Chúng ta hy vọng rằng, đây có thể trở thành cái nôi và bệ đỡ cho những 'Kỳ lân Fintech' ở Việt Nam trong tương lai không xa”, ông Nguyễn Kim Anh nói.

 

Trong khuôn khổ Chương trình Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính Việt Nam (Fintech Challenge Vietnam – FCV), Diễn đàn Công nghệ tài chính Việt Nam (FVF) đã trao giải Startup cho các hồ sơ được đánh giá cao.

 

Ban tổ chức cho hay, các hồ sơ tham dự năm nay đều tập trung vào dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu sử dụng trí tuệ nhân tạo, tiếp cận dịch vụ tài chính, và an ninh mạng, những lĩnh vực ưu tiên của NHNN. Các Fintech startup được lựa chọn đã trình bày giải pháp của mình trước một hội đồng thẩm định độc lập tại Ngày Thuyết trình được tổ chức vào ngày 7/11. Kết quả có 3 công ty ở giai đoạn đầu và 3 công ty ở giai đoạn phát triển đã giành được số tiền thưởng trị giá 55.000 USD. 

 

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh trao giải cho Đội đoạt Giải Nhất – Trusting Social (Việt Nam).Ảnh:VGP.
 

Cụ thể, hạng mục Startup ở giai đoạn phát triển: Giải Nhất – Trusting Social – Việt Nam – Trusting Social sử dụng khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo để cung cấp các dịch vụ tài chính cho tất cả mọi người, bao gồm những người ít có điều kiện tiếp cận dich vụ ngân hàng. Trusting Social hiện sở hữu nguồn dữ liệu điểm tín dụng lớn nhất tại khu vực châu Á.

Giải Nhì – Tookitaki – Singapore – Tookitaki là một công ty an ninh mạng cung cấp giải pháp giúp giám sát giao dịch và quản lý việc tuân thủ quy định dựa trên công nghệ học máy (machine learning) cho các khách hàng trong ngành tài chính.

Giải Ba – Interloan – Viet Nam – Nền tảng cho vay ngang hàng P2P (Peer to Peer lending) của Interloan cung cấp cho người sử dụng những giải pháp cho việc tạm ứng lương và cơ hội đầu tư vi mô. 
Hạng mục Startup ở giai đoạn đầu: Giải Nhất – Kilimo – Việt Nam – Kilimo Finance cho phép các ngân hàng hỗ trợ tài chính cho ngành nông nghiệp bằng cách biến kiến thức tài chính nông nghiệp thành những sản phẩm cho vay hấp dẫn.
 

Giải Nhì – Staple – Singapore – Công nghệ nhận thức của Staple có khả năng đọc, diễn giải và trích xuất những dữ liệu có cấu trúc từ các tài liệu kinh doanh.

 

Giải Ba – Touchless ID – India –Touchless ID sử dụng công nghệ sinh trắc học cảm ứng để xác minh danh tính của người dùng thông qua dấu vân tay hoặc ảnh.

 
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).Ảnh:VGP.
 

Đánh giá về FCV 2019, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định: FCV là dấu hiệu tích cực cho việc phổ cập tài chính và tài chính số tại Việt Nam.

 

“Những công nghệ mới có tiềm năng rất lớn trong việc tăng cường tiếp cận tài chính cho các nhóm đối tượng chưa có hoặc ít có điều kiện tiếp cận dich vụ ngân hàng, đồng thời tăng cường tính hiệu quả và an ninh tài chính tại một thị trường đang phát triển nhanh chóng như Việt Nam”, đại diện ADB đánh giá.

 

Được biết, thời gian qua, đồng hành cùng với hệ thống tài chính - ngân hàng truyền thống trong tiến trình trên là các công ty Fintech khi mang lại làn gió đổi mới với nhiều lợi ích cho lĩnh vực này, đồng thời góp phần giúp Chính phủ các quốc gia đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó bao gồm mục tiêu phổ cập tài chính cho người dân. Ở Việt Nam, lĩnh vực Fintech chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ số lượng các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo mới được thành lập. Chỉ trong vòng gần 4 năm, số lượng công ty Fintech đã tăng từ 40 lên khoảng 150 như hiện nay.

Huy Thắng

315 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 388
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 388
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77090001