DN và báo chí, cơ hội hợp tác phát triển từ “khủng hoảng COVID-19” 

(Chinhphu.vn) – Để phát triển doanh nghiệp, bên cạnh giữ vững kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường thì cần từng bước cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là biện pháp quan trọng nhất, và báo chí đang góp phần mạnh mẽ vào quá trình này.

 

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh:VGP.

Đây là ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tại Diễn đàn "Doanh nghiệp và Báo chí 2020: Cơ hội hợp tác phát triển từ Khủng hoảng COVID-19” do VCCI tổ chức chiều ngày 14/7 tại Hà Nội.

 

Báo chí - "ngọn hải đăng" đồng hành cùng doanh nghiệp

 

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết chúng ta vừa trải qua những ngày tháng khó khăn đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch, kể cả “COVID y tế” và “COVID kinh tế”, các tổ chức đã đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam, các thị trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng và doanh nghiệp (DN) đang “thấm đòn” COVID-19. 

 

Khả năng thanh khoản của DN đang giảm, công ăn việc làm của công nhân bị ảnh hưởng, đặc biệt 80% DN dệt may bị ảnh hưởng của đại dịch.

 

Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, Chính phủ đưa ra các gói để hỗ trợ DN vượt qua đại dịch là nỗ lực rất lớn. Cùng với đó, việc Thủ tướng đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 3-4% thể hiện quyết tâm cao trong việc bảo đảm sinh kế cho người dân.

 

“Niềm tin chính là một trong những nguyên nhân bậc nhất tạo nên thành công của chúng ta. Để có được thành công về niềm tin đó, báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

 

Dù dịch bệnh đã được đẩy lùi ở Việt Nam nhưng tỉ lệ thất nghiệp cao, do đó, phục hồi DN và xây dựng gói hỗ trợ lần thứ hai cần được đẩy mạnh. Các nỗ lực cắt giảm thủ tục, thúc đẩy cải cách thể chế là yêu cầu tiên quyết.

 

Khẳng định báo chí tiếp tục là “ngọn hải đăng” đồng hành cùng DN, ông Vũ Tiến Lộc kỳ vọng báo chí góp phần vào cải cách môi trường kinh doanh. 

 

Thông qua thông tin trên các cơ quan thông tấn, báo chí, giúp Chính phủ và các cơ quan Nhà nước lắng nghe ý kiến của DN, từ việc thực hiện chủ trương, chính sách để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý điều hành...

 

Theo ông Vũ Tiến Lộc nói, thông tin chính xác hay không là vấn đề sinh tử với DN, nguồn tin hay sẽ có thể giúp hồi sinh một DN, nhưng một tin dở có thể đẩy DN vào vực thẳm. 

 

“Đừng vô tình khi viết về DN dù chỉ là DN nhỏ vì sau đó là công ăn việc làm của người lao động, là sinh kế của các gia đình, là nguồn thu ngân sách và là chủ quyền kinh tế quốc gia”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

 

Ở chiều ngược lại, chính các DN cũng soi mình trong tấm gương báo chí để có trách nhiệm với hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

 

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu. Ảnh:VGP.
 

Trong cộng đồng DN cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh”, cần phê phán nhưng khi phê phán cũng cần có chữ tình, không phải vì trục lợi.

 

Làm mới mình, xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh

 

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Ban Tuyên Giáo Trung ương, cho rằng trong thời kỳ xã hội thông tin như hiện nay, thông tin là nguồn lực đồng thời cũng là động lực. 

 

Việt Nam trong thời gian qua được nước ngoài đánh giá đáng tin cậy trên thế giới trong cuộc chiến chống COVID-19. Vinh dự này có sự đóng góp của những người làm báo và trực tiếp là các cơ quan truyền thông.

 

"Báo chí là kênh cung cấp thông tin, truyền tải đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với doanh nhân, DN và người dân trong xã hội. Đồng thời, báo chí có vai trò lớn trong giới thiệu, quảng bá hình ảnh thương hiệu cho DN", ông Lê Mạnh Hùng nói.

 

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan báo chí, với các chuyên trang, chuyên mục về kinh tế hãy đào tạo đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên am hiểu sâu sắc về kinh tế, có nghiệp vụ báo chí để viết và kiến giải những vấn đề đặt ra, truyền những thông điệp sát với DN, từ đó, cổ vũ DN, đề xuất với Đảng và Nhà nước những chính sách tháo gỡ để DN phát triển.

 

Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng Diễn đàn đang bàn về một việc quan trọng nhất của thế giới bây giờ, cũng là việc nghiêm trọng nhất của thế giới bây giờ, đó là “thế giới sống như thế nào trong thời khủng hoảng COVID-19”? 

 

Dẫn lại hình ảnh "lò xo bị nén" như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói về nền kinh tế trong mấy tháng chống dịch, ông Hồ Quang Lợi cho rằng khi chúng ta bắt đầu đưa nền kinh tế trở lại hoạt động bình thường thì cái “lò xo” đó phải bật ra để có một năng lượng mới, để vươn lên bù đắp lại những tháng đình trệ.

 

Việt Nam thoát khỏi COVID-19 sớm, phục hồi sớm là một cơ hội lớn, từ đó nguồn vốn đầu tư từ các nước đã bắt đầu có sự chuyển dịch sang Việt Nam – một địa chỉ tin cậy để thu hút đầu tư. 

 

"Chúng ta đã và đang tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng hơn, thuận lợi hơn cho các DN. Có thể thấy, người dân ngày càng tin tưởng vào Đảng, Nhà nước. Chính phủ hành động quyết liệt để đưa ra giải pháp phục hồi kinh tế", ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.

 

 

Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu. Ảnh:VGP.

Trao đổi với các DN, ông Hồ Quang Lợi bày tỏ mong muốn các DN hãy mở lòng hơn với báo chí. 

 

"Tôi tin rằng, số đông người làm báo tử tế không bao giờ làm khó DN mà sẽ đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn", ông Hồ Quang Lợi nói.

 

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh hiện nay, báo chí cũng gặp nhiều khó khăn dưới sức ép của mạng xã hội.

 

"Sự phát triển của báo chí bắt buộc phải đuổi kịp và cạnh trạnh với truyền thông mạng xã hội khi sự phát triển của công nghệ đang rất nhanh chóng", ông Huỳnh nhấn mạnh.

 

Ông Trần Hữu Huỳnh đúc kết ngắn gọn, để định vị được mình trong bối cảnh mới, báo chí cần 4S gồm: “Sung”, “Sáng”, “Sạch” và “Sắc”. Báo chí phải “sung mãn”, dũng cảm khi đấu tranh chống tiêu cực, ngăn cản những DN sai trái, trở thành diễn đàn tin cậy của DN và công chúng, góp phần cổ vũ mạnh mẽ lòng yêu  nước, vì sự phát triển của một nước Việt Nam “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

 

Đại diện một cơ quan báo chí, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Biên tập tạp chí Nhà đầu tư cho rằng, báo chí không được làm tổn thất DN chân chính và không để DN bất chính hoành hành.

 

“Bằng thực tế nhiều năm làm báo, tôi thấy rằng các thương hiệu chân chính không bao giờ sợ báo chí”, ông Nguyễn Anh Tuấn phân tích.

 

Ngược lại, những DN sân sau, DN lợi dụng kẻ hỡ của pháp luật để làm ăn bất chính thì rất sợ báo chí.

 

“Muốn có nền kinh tế mạnh phải có DN mạnh. Về lâu dài, để hỗ trợ DN, báo chí phải dũng cảm đương đầu với tiêu cực để hỗ trợ các DN làm ăn chân chính”, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

 

Đại diện báo ngành ngân hàng, là đơn vị liên quan nhiều tới "sức khoẻ" doanh nghiệp, nhà báo Nguyễn Lan Anh – Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng cho biết, từ lâu nay DN và ngân hàng luôn có sự gắn bó chặt chẽ, bởi DN có thành công thì ngân hàng mới thành công.

 

"Trong phạm vi hoạt động của mình, chúng tôi sẽ phản ánh những vướng mắc của DN đến các ngân hàng để hai bên cùng tháo gỡ. Trên thực tế, Thời báo Ngân hàng cũng đã phản ánh sự chủ động hợp tác của DN và ngân hàng trong kinh doanh", bà Nguyễn Lan Anh nói.

 

Anh Minh

263 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 800
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 800
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87207065