Theo Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 244,72 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 69,20 tỷ USD, tăng 15,9%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 175,52 tỷ USD, tăng 12,9%, chiếm 71,7% (giảm 0,6 điểm phần trăm so với năm 2017).
Năm 2018, khu vực kinh tế trong nước chuyển biến tích cực khi đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng lên so với năm 2017.
Trong năm 2018 có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó 9 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD,
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm 2018, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 123,7 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm trước; chiếm 50,5% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (tăng 0,9 điểm phần trăm so với năm 2017), trong đó mặt hàng điện thoại và linh kiện đạt 50 tỷ USD, tăng 10,5% và chiếm 20,4%. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 90,2 tỷ USD, tăng 12,6% và chiếm 36,9% (giảm 0,3 điểm phần trăm). Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 22 tỷ USD, tăng 10% và chiếm 9% (giảm 0,3 điểm phần trăm). Nhóm hàng thủy sản đạt 8,8 tỷ USD, tăng 6,3% và chiếm 3,6% (giảm 0,3 điểm phần trăm).
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu năm 2018, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 47,5 tỷ USD, tăng 14,2%, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 46,7%; giầy dép tăng 15,3%; hàng dệt may tăng 13,7%. Tiếp đến là EU đạt 42,5 tỷ USD, tăng 11%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 23,2%; điện thoại và linh kiện tăng 16,2%; hàng dệt may tăng 10,5%. Trung Quốc đạt 41,9 tỷ USD, tăng 18,5%, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 52,8%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 25,8%; rau quả tăng 10,2%. Thị trường ASEAN đạt 24,7 tỷ USD, tăng 13,7%, trong đó gạo tăng 105,5%; sắt thép tăng 39,1%; hàng dệt may tăng 37,4%...
Về nhập khẩu hàng hóa, năm 2018, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 237,51 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 94,80 tỷ USD, tăng 11,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 142,71 tỷ USD, tăng 11,6%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu cả năm tăng 9,5% so với năm 2017.
Trong năm 2018 có 36 mặt hàng ước tính kim ngạch nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 90,4% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó có 4 mặt hàng trên 10 tỷ USD, chiếm 44,3%.
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu năm 2018, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 217 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2017 và chiếm 91,4% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu (tăng 0,4 điểm phần trăm so với năm 2017), trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 101 tỷ USD, tăng 4,1% và chiếm 42,5% (giảm 3 điểm phần trăm); nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 116 tỷ USD, tăng 19,8% và chiếm 48,9% (tăng 3,4 điểm phần trăm). Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 20,5 tỷ USD, tăng 6,8% và chiếm 8,6% (giảm 0,4 điểm phần trăm).
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu năm 2018, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 65,8 tỷ USD, tăng 12,3% so với năm 2017, trong đó xăng dầu tăng 89,4%; vải tăng 18%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 11,4%. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc với kim ngạch nhập khẩu đạt 47,9 tỷ USD, tăng 2%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 14,3%; vải tăng 6,6%; điện thoại và linh kiện tăng 1,6%. ASEAN đạt 32 tỷ USD, tăng 13%, trong đó ô tô nguyên chiếc tăng 40,2%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 14,1%; xăng dầu tăng 6,8%...
Tính chung cả năm 2018, nước ta tiếp tục xuất siêu 7,2 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,6 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 32,8 tỷ USD.
Hương Thảo