DN Nhật Bản muốn nâng tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam 

(Chinhphu.vn) - Nhằm nâng tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại Việt Nam, thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Nhật thường xuyên phối hợp tổ chức hội thảo, triển lãm chuyên ngành về công nghiệp hỗ trợ (CNHT), các buổi kết nối trực tiếp, giúp DN CNHT Việt Nam giới thiệu sản phẩm và đàm phán hợp tác kinh doanh với công ty thu mua Nhật Bản.

 

Một công ty Việt Nam giới thiệu sản phẩm tới các nhà mua hàng Nhật Bản tại Supporting Industry Show 2018. Ảnh: VGP/Lê Anh


Ông Idei Ippei, nghiên cứu cấp cao của Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cho biết, kết quả khảo sát của JETRO trong năm 2017 cho thấy, tỷ lệ cung ứng nội địa ở Việt Nam là 33,2%, thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan. Trong đó, tỷ lệ cung ứng từ DN nội địa Việt Nam chỉ đạt trên 13%, trong khi Trung Quốc là 40%, Thái Lan gần 24%...

Trong khi đó, nhu cầu tìm kiếm nguồn cung ứng tại chỗ của DN Nhật Bản là rất lớn. Khoảng 80%  DN được khảo sát gần đây cho biết, sẽ nâng cao tỷ lệ nội địa hóa lên, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DN cũng như giảm chi phí; đồng thời 64% DN Nhật Bản cũng mong muốn tăng tỷ lệ cung ứng nội địa để rút ngắn thời gian giao hàng.

Do vậy, JETRO đang triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ DN CNHT Việt Nam phát triển như lập danh sách các nhà cung cấp của Việt Nam thuộc các lĩnh vực CNHT như gia công kim loại, khuôn đúc, khuôn nhựa, linh kiện điện tử, xử lý bề mặt. Đồng thời cung cấp thông tin tổ chức nhiều hoạt động kết nối kinh doanh giữa các DN Việt-Nhật...

JETRO thường xuyên phối hợp với Trung tâm Phát triển CNHT TPHCM, ITPC tổ chức hội thảo, triển lãm chuyên ngành về CNHT; các buổi kết nối trực tiếp, giúp DN CNHT Việt Nam giới thiệu sản phẩm và đàm phán hợp tác kinh doanh với các công ty thu mua Nhật Bản.

Mới đây nhất, từ 11-13/10, tại TPHCM, 33 DN Nhật Bản là người mua hàng và 30 công ty Việt Nam là nhà cung cấp đã tham gia giới thiệu sản phẩm và tìm hiểu kết nối tìm kiếm cơ hội hợp tác tại triển lãm về CNHT “Supporting Industry Show 2018”.

Cùng với sự hỗ trợ, hợp tác từ JETRO, hiện nay, Cơ quan Hợp tác quốc tế của Nhật Bản (JICA) cũng đang triển khai các dự án thí điểm hỗ trợ ngành CNHT của Việt Nam. Theo đó sẽ có 5 DN tại phía Bắc và 5 DN tại phía Nam trong lĩnh vực CNHT về ô tô và điện, điện tử như linh kiện ô tô, phụ tùng xe hai bánh, thiết bị chiếu sáng và đang hợp tác kinh doanh với các DN FDI sẽ được hỗ trợ tư vấn về quản lý sản xuất, bán hàng tiếp thị, đào tạo nguồn nhân lực và quản lý tài chính...

Ông Takao Fujii, chuyên gia cao cấp JICA cho biết, mặc dù các công ty Việt Nam rất nỗ lực cải tiến, nhưng vấn đề nguồn nhân lực, chất lượng sản phẩm cũng như quản trị công ty chưa hiệu quả, cần phải cải tiến nhiều. Sau hơn một năm hỗ trợ cải tiến, chuyên gia của JICA đã “sát sườn” với lãnh đạo các công ty và công nhân sản xuất cùng đề ra chương trình cải tiến. Đến nay, các DN Việt Nam được hỗ trợ đã có nhiều cải tiến, quản lý chất lượng, sản phẩm ngày càng được nâng cao, có thể tự tin hơn khi tham gia đàm phán hợp tác với DN FDI.

Chuyên gia từ JICA cho biết, thời gian tới, với mong muốn hỗ trợ DN Việt Nam nâng cao tỷ lệ nội địa lên, những DN Việt Nam có mục tiêu, có nguyện vọng hợp tác với DN Nhật Bản sẽ tiếp tục được JICA hỗ trợ cải tiến.

Ông Yoshihide Osuga, đại diện phía nhà mua hàng (Công ty Mitshubishi) cho biết: Sau khi khảo sát và tham quan gian hàng của DN Việt Nam được JICA hỗ trợ cải tiến tại Supporting Industry Show 2018, ông thấy tay nghề của các DN ngày càng được nâng cao, có thể đáp ứng được yêu cầu của Mitshubishi. Tuy nhiên, vị chuyên gia này lưu ý, độ chính xác và chất lượng đồng đều của các đơn hàng là rất quan trọng và các công ty việt Nam có thể làm được. Mitshubishi kỳ vọng có thể hợp tác cùng với các DN Việt Nam trong các đơn hàng tới đây

Nhận định về tiềm năng hợp tác giữa DN Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực CNHT, bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển CNHT TPHCM cho biết, DN Việt Nam có nhiều cơ hội cung ứng các sản phẩm cho DN Nhật Bản, tuy nhiên để tận dụng được cơ hội này các DN phải nâng cao năng lực của mình, làm sao để đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của DN Nhật Bản là đảm bảo uy tín về chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng.

Theo bà Oanh, vừa qua Trung tâm Phát triển CNHT TPHCM đã kết nối cho Công ty Mishubishi với các nhà cung ứng tiềm năng của Việt Nam. Đồng thời JETRO cũng đã kết nối các nhà mua hàng Nhật Bản đến Việt Nam để tìm nhà cung ứng tại Supporting Industry Show 2018 với 60 gian hàng. DN Việt sẽ có cơ hội tiếp cận với DN Nhật Bản lớn, từ đó có thể định hình được nhu cầu của các DN Nhật Bản và có những điều chỉnh phương thức sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường.

Lê Anh

315 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1115
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1115
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87201140