DN kiến nghị về quy định tăng cường vi chất trong chế biến thực phẩm 

(Chinhphu.vn) - Các doanh nghiệp (DN) thực phẩm kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định số 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm theo nội dung được nêu trong Nghị quyết 19-2018/NQ-CP.
Ảnh: VGP/Lê Anh

Ngày 25/6, tại TPHCM, Hội Lương thực thực phẩm TPHCM phối hợp với Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và một số hiệp hội tổ chức hội thảo “Trao đổi một số thông tin và đánh giá tác động của việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào trong chế biến thực phẩm” theo quy định tại Nghị định 09/2016/NĐ-CP.

Theo đó, các hiệp hội ngành nghề và nhiều DN kiến nghị chỉ nên khuyến khích chế biến thực phẩm bổ sung thêm vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm

Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/1/2016 (Nghị định 09) quy định “Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I ốt” (có hiệu lực từ ngày 28/1/2017). Tuy nhiên, thực tế khi áp dụng quy định này, theo phản ánh của nhiều DN, một số loại thực phẩm không thể sử dụng muối I ốt làm nguồn nguyên liệu để chế biến do tạo ra trạng thái cảm quan, màu sắc, mùi vị không bằng so với việc sử dụng muối thường (không bổ sung I ốt).

Theo phản ánh của Hiệp hội Lương thực, thực phẩm TPHCM và nhiều DN chế biến thực phẩm, đối với sản phẩm thủy sản, nước mắm, nước chấm; rau củ quả sấy khô, thịt gia cầm sấy, các sản phẩm từ ngũ cốc sấy; các loại bột gia vị, bột chế biến sẵn để làm các loại bánh ngọt và dùng trong chế biến các loại thực phẩm; các sản phẩm ăn ngay, ăn liền... sử dụng muối I ốt sẽ làm các sản phẩm có nguy cơ bị biến mùi, vị, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm.

Ông Lâm Bá Nhĩ, Giám đốc Quản lý chất lượng Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN), một DN lớn trong ngành chế biến thực phẩm cho rằng, đối với muối dùng trong chế biến thực phẩm không nên bắt buộc phải sử dụng muối có bổ sung I ốt, bởi khi quá trình gia nhiệt trong chế biến thực phẩm sẽ làm phân hủy hết lượng I ốt trong sản phẩm nên thành phẩm cuối cùng đã không còn I ốt tồn tại và không đáp ứng được kỳ vọng của Nghị định 09 về bổ sung I ốt cho người dân, gây lãng phí.

Vấn đề này cũng được Tổ công tác của Thủ tướng đề cập khi làm việc tại Bộ Y tế ngày 20/9/2017. Tới ngày 4/10/2017, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 849/TB-TCTTTg thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra tháng 9/2017 của Tổ công tác, trong đó nêu rõ: Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn chỉ kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất muối I ốt, không kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có sử dụng muối I ốt theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để không gây bức xúc cho doanh nghiệp và các Hiệp hội chế biến thực phẩm.
Sau khi có ý kiến của Thủ tướng, ngày 27/10/2017, Bộ Y tế đã ban hành công văn 6134, trong đó nêu rõ "chỉ kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất muối I ốt, không kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có sử dụng muối I ốt".

Bên cạnh đó, Nghị định 09 cũng quy định khi thực hiện quy định bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm (có hiệu lực từ ngày 28/1/2018), DN cũng gặp rất nhiều khó khăn từ khâu nhập nguyên liệu, vì Việt Nam phải nhập khẩu số lượng lớn bột mỳ từ các quốc gia khác.

Ở các nước xuất khẩu bột mỳ không có quy định phải bổ sung sắt, kẽm vào bột nên khi các DN nhập khẩu đề nghị bổ sung thêm vi chất sắt và kẽm, thì không được nhà cung cấp chấp thuận. DN phải nhập bột mỳ và bổ sung vi chất sắt, kẽm trước khi đưa vào sản xuất, đã làm gia tăng chi phí và giá thành của sản phẩm. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất một số sản phẩm từ bột mỳ có bổ sung sắt và kẽm, thành phẩm sẽ bị biến màu, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng của sản phẩm.

Đại diện Công ty Cổ phần Aecook Việt Nam cho biết, việc bổ sung thêm vi chất sắt và kẽm trong bột mì làm cho mì có nguy cơ bị xỉn màu, không được bắt mắt. Trong khi đó, Công ty Acecook xuất khẩu 40 nước trên thế giới, rất nhiều nước cấm cho bỏ sắt hoặc kẽm trong sản phẩm, một số nước muốn bổ sung thêm vi chất sắt và kẽm vào sản phẩm thì phải đăng ký, xin giấy phép vô cùng khó khăn.

Mới đây, ngày 15/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP (Nghị quyết 19) về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo. Trong đó, tại điểm b khoản 15 mục III, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế “Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28 tháng 1 năm 2016 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm theo hướng: (i) bãi bỏ quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I ốt” tại điểm a khoản 1 Điều 6; (ii) bãi bỏ quy định “Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm” tại điểm b khoản 1 Điều 6. Thay vào đó, chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng”.

Chính vì vậy, các hội ngành nghề thống nhất kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định 09 theo đúng tinh thần Nghị quyết 19 Chính phủ vừa ban hành, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN yên tâm sản xuất và phát triển.

Lê Anh

425 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 625
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 625
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76731364