Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời cử tri như sau:
Luật Giáo dục nghề nghiệp đã quy định về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong đó: Doanh nghiệp được thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp của mình, được tổ chức đào tạo để cung cấp lao động cho chính doanh nghiệp và cho xã hội. Doanh nghiệp được liên kết đào tạo với các trường, nhận đơn đặt hàng hoặc đặt hàng các cơ sở dạy nghề. Được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp để tính thu nhập chịu thuế khi doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Chủ trương liên kết giữa các trường đào tạo nghề, đại học với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tạo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường và đẩy mạnh xuất khẩu lao động để giải quyết việc làm cho thanh thiếu niên đã được Chính phủ chỉ đạo tại nhiều văn bản như: Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021; Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước hàng năm.
Do đặc thù, người lao động đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu ở độ tuổi thanh niên nên các hoạt động mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện trong thời gian vừa qua như hoàn thiện thể chế tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tích cực đàm phán mở rộng thị trường tiếp nhận lao động, thực hiện các biện pháp duy trì các thị trường truyền thống để không ngừng gia tăng số lượng người lao động nói chung và số thanh niên nói riêng đi làm việc ở nước ngoài. Trong 4 năm liên tiếp trở lại đây, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài luôn ở mức trên 100.000 người mỗi năm.
Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, theo phân công của Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang trình Chính phủ phê duyệt Đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng Giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, một trong 3 nhóm giải pháp đột phá là gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, thị trường lao động, tạo việc làm bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.
Ngày 15/12/2017, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo. Thông tư quy định, nhà trường và doanh nghiệp có thể liên kết tổ chức đào tạo, trong đó doanh nghiệp có thể đảm nhận đến 40% chương trình đào tạo.
Với quy định này, các trường sẽ tập trung đào tạo các học phần cơ bản, các mô đun thực hành cơ bản, doanh nghiệp chịu trách nhiệm đào tạo các mô đun kỹ năng nghề tại doanh nghiệp cho học sinh, sinh viên. Giải pháp này giúp giảm chi phí đầu tư trang thiết bị cho các trường, huy động được đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo và cơ hội có việc làm đúng ngành, nghề cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường cao hơn.
Ngoài ra, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang chỉ đạo triển khai một số nội dung hợp tác thực chất, hiệu quả với doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp như:
- Triển khai ký kết chương trình phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, tập đoàn, doanh nghiệp lớn sử dụng nhiều nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp.
- Mời các chuyên gia từ các doanh nghiệp tham gia vào trong quá trình xây dựng chuẩn đầu ra cho từng ngành, nghề đào tạo, xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo và đánh giá kết quả đầu ra cho người học.
- Thành lập hội đồng kỹ năng ngành quốc gia đối với một số ngành, nghề, trước hết là ba ngành kinh tế mũi nhọn: Nông nghiệp - Du lịch - Kinh tế số (công nghệ thông tin) và dịch vụ logictics.
- Thành lập bộ phận hợp tác với doanh nghiệp ở các cấp cơ sở giáo dục nghề nghiệp, địa phương, trung ương. Qua đó kết nối, duy trì và thúc đẩy hợp tác kết nối cung, cầu lao động qua đào tạo nghề nghiệp, kết nối hệ thống giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp và thị trường lao động một cách có hiệu quả hơn.
Chinhphu.vn