Ông Trần Quang Hà, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, cho rằng hiện nay, năng lực và khả năng cung ứng của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (DN CNHT) Việt Nam còn hạn chế, rõ nhất là mức độ tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN FDI và chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, phần lớn các DN trong nước chỉ là DN cấp 3, cấp 4 và chỉ một số ít trở thành nhà cung ứng cấp 1, cấp 2. Sản phẩm chủ yếu là linh kiện, chi tiết đơn giản, hàm lượng công nghệ và giá trị thấp.
Cũng theo thông tin từ Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) hiện nay, năng lực cung ứng của các DN CNHT tại Việt Nam cho các DN Nhật Bản chỉ khoảng 30-35%, trong khi nhu cầu nội địa hóa của các DN Nhật Bản đạt tới 60%.
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển CNHT TPHCM cho rằng để tận dụng được cơ hội tham gia cung ứng sản phẩm cho các DN Nhật Bản nói riêng và các DN FDI nói chung, cần có sự chủ động dài hạn của DN sản xuất CNHT của Việt Nam. Kế hoạch dài hạn đó phải xuất phát từ tư duy của người lãnh đạo. DN phải xác định được rằng khi chúng ta tham gia vào chuỗi cung ứng, quá trình tham gia phải có sự chuẩn bị trước về năng lực cung ứng bao gồm chất lượng sản phẩm và cả những kế hoạch nhân sự để sẵn sàng tham gia vào chuỗi cung ứng này.
Theo bà Oanh, hiện nay khả năng cung ứng của các DN Việt Nam rất nhỏ, chi tiết đơn giản. Do đó, để nâng cao được năng lực cung ứng, sự kiên kết của các DN CNHT nhỏ và vừa Việt Nam là điều đương nhiên phải thực hiện. Tuy nhiên, để thực hiện điều này đòi hỏi phải có một lộ trình chuẩn bị nhất định. Các DN muốn liên kết được chúng ta phải minh bạch hóa các hoạt động tài chính tới chiến lược kinh doanh để có thể liên kết được. Cùng với đó, các DN liên kết cũng phải nâng cao chất lượng sản phẩm theo quy chuẩn và yêu cầu từ phía các DN FDI.
Để hỗ trợ các DN CNHT trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng được các yêu cầu từ phía nhà mua hàng, phía Sở Công Thương TPHCM giao cho Trung tâm Phát triển CNHT phối hợp với Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza), Ban Quản lý Khu Công nghệ cao cùng các tổ chức nước ngoài như JICA, JETRO tổ chức nhiều hoạt động kết nối trực tiếp, hỗ trợ cải tiến cho các DN.
Về phía Bộ Công Thương, nhằm hỗ trợ các DN CNHT trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, ông Hà cho biết, hiện nay, Bộ đang triển khai thực hiện các đề án thuộc Chương trình phát triển CNHT năm 2018 trong đó có các nội dung nhằm tăng cường kết nối giữa DN CNHT trong nước với các DN FDI và các tập đoàn đa quốc gia.
Cụ thể, Bộ Công Thương hợp tác với Samsung trong việc phát triển nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng cho Samsung và triển khai Chương trình hợp tác đào tạo 200 chuyên gia tư vấn Việt Nam trong lĩnh vực cải tiến sản xuất và chất lượng, từ đó tạo tính lan tỏa nâng cao năng lực của các DN CNHT trong nước để có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia; hợp tác với Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đào tạo cán bộ xây dựng chính sách và cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực CNHT.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng hợp tác với Ngân hàng Thế giới triển khai thực hiện Chương trình thí điểm phát triển nhà cung cấp của Việt Nam với mục tiêu nâng cao năng lực của các DN Việt Nam để có thể đáp ứng yêu cầu và tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN FDI. Chương trình có 45 DN CNHT Việt Nam và 8 DN FDI là các tập đoàn đang hoạt động sản xuất tại Việt Nam là Bosch, Canon, Datalogic, Denso, Ford, General Electronic, Panasonic, Toyota.
Lê Anh