Định vị thương hiệu doanh nghiệp Việt trên truyền thông toàn cầu 

(ĐCSVN) - Tọa đàm “Định vị thương hiệu doanh nghiệp Việt trên truyền thông toàn cầu” nhằm kết nối giữa doanh nghiệp, báo chí truyền thông, cơ quan quản lý và các nhà khoa học để cùng nhau chia sẻ, bàn luận về thực trạng việc xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp trên báo chí truyền thông. Từ đó, đề xuất các giải pháp chiến lược để định vị thương hiệu doanh nghiệp Việt trên môi trường thực tiễn và môi trường báo chí truyền thông của Việt Nam và toàn cầu.

 

 TS Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Viêt Nam chia sẻ tại diễn đàn.

Chiều 27/01, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) chủ trì phối hợp với Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Bảo tàng Hồ Chí Minh (Chi nhánh TP Hồ Chí Minh) tổ chức buổi tọa đàm “Định vị thương hiệu Doanh nghiệp Việt trên truyền thông toàn cầu”.

Tọa đàm “Định vị thương hiệu doanh nghiệp Việt trên truyền thông toàn cầu” nhằm kết nối giữa doanh nghiệp, báo chí truyền thông, cơ quan quản lý và các nhà khoa học để cùng nhau chia sẻ, bàn luận về thực trạng việc xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp trên báo chí truyền thông. Từ đó, đề xuất các giải pháp chiến lược để định vị thương hiệu doanh nghiệp Việt trên môi trường thực tiễn và môi trường báo chí truyền thông của Việt Nam và toàn cầu.

Với sự tham dự của các diễn giả trong và ngoài nước, tọa đàm mở ra hướng hợp tác, liên kết, nghiên cứu, phát triển mới giữa Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) với các cơ quan chức năng, cùng các cơ quan học thuật của Việt Nam và quốc tế. Phạm vi không chỉ trong vấn đề xây dựng, định vị thương hiệu cho doanh nghiệp Việt kiều, mà cao hơn cả, đó là việc góp phần cùng các cơ quan ban ngành của Việt Nam trong việc định vị thương hiệu quốc gia dân tộc trên truyền thông toàn cầu. 

Với hai phiên, tại Tọa đàm các đại biểu, diễn giả đã nêu lên thực trạng vấn đề định vị thương hiệu doanh nghiệp Việt trên báo chí truyền thông trong và ngoài nước. Từ đó đưa ra giải pháp và chiến lược định vị thương hiệu doanh nghiệp Việt trên truyền thông toàn cầu.

Tại Tọa đàm, với tham luận: “Hồ Chí Minh với vấn đề định vị Việt Nam trên trường quốc tế thông qua báo chí, truyền thông quốc tế”, PGS,TS Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng, Vụ hợp tác quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ: Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ kiệt xuất, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, mà còn là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam và là nhà báo lỗi lạc của nền báo chí cách mạng, hiện đại và hội nhập của Việt Nam trên trường quốc tế. Người đã sử dụng ngòi bút của mình như một vũ khí sắc bén trong cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh cách mạng giành độc lập cho dân tộc, tự do cho đồng bào và hạnh phúc cho nhân dân.

PGS,TS Hoàng Văn Nghĩa chia sẻ: Trong suốt cuộc đời làm báo, Người trực tiếp sáng lập ra 9 tờ báo. Hầu hết những bài báo của mình, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đều thể hiện tư tưởng chủ đạo là khát vọng Việt Nam hùng cường, sánh vai các cường quốc năm châu. Chủ tịch Hồ Chí Minh, sử dụng sức mạnh của báo chí, truyền thông quốc tế để định vị giá trị, phẩm hạnh dân tộc, quốc gia Việt Nam trong thông qua ngòi bút sắc bén của một chiến sỹ cộng sản lỗi lạc, nhà yêu nước vĩ đại và lãnh tụ thiên tài của dân tộc và nhân dân cần lao, yêu chuộng hoà bình trên thế giới.

PGS,TS Hoàng Văn Nghĩa khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là một nhà báo vĩ đại với di sản báo chí đồ sộ; sử dụng báo chí để phụng sự quốc gia, dân tộc, vì độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào và hạnh phúc cho nhân dân.

Điều này cho thấy vai trò đặc biệt của báo chí, truyền thông quốc tế, được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng như là một công cụ sắc bén để định vị giá trị, phẩm hạnh dân tộc thông qua việc đấu tranh trực diện với chủ nghĩa thực dân, ách áp bức, tái khẳng định các quyền và tự do, bình đẳng vốn có của các dân tộc bị nô dịch, trong đó có dân tộc Việt Nam dưới thời Pháp thuộc.

PGS,TS Hoàng Văn Nghĩa khẳng định, cuộc đời và sự nghiệp báo chí cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, mãi mãi là một ngọn đuốc soi sáng, dẫn đường cho việc định vị thương hiệu của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của Việt Nam hiện nay. Khát vọng vì một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu của Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước, sẽ tiếp tục được hiện thực hoá trong thời đại mới bằng cách phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, với sự đóng góp quan trọng và ý nghĩa của cộng đồng kiều bào nói chung và doanh nhân kiều bào nói riêng.

Các diễn giả chia sẻ về giải pháp và chiến lược định vị thương hiệu doanh nghiệp Việt trên truyền thông toàn cầu.

TS Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam chia sẻ: Trong kinh doanh vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó chính là lấy tiêu chí phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc để lan tỏa thương hiệu.

Theo TS Nguyễn Công Dũng, doanh nghiệp cần phải kiên định với đạo đức kinh doanh; có trách nhiệm với sản phẩm và khẳng định được thương hiệu và làm thương hiệu. Cùng với đó, cần ứng dụng công nghệ, đổi mới sản phẩm để đáp ứng nhu cầu; quảng bá hình ảnh để mọi người biết đến mình; có sự phối hợp giữa doanh nghiệp, các tổ chức doanh nghiệp với chính quyền địa phương để có các hoạt động quảng bá sản phẩm…

“Hiện nay công nghệ phát triển, xu hướng điện tử đã đưa các sản phẩm của doanh nghiệp đến với người dân trong và ngoài nước. Tuy nhiên đưa các sản phẩm ra nước ngoài còn nhiều khó khăn. Tôi cho rằng các doanh nghiệp cần đẩy mạnh truyền thông thương hiệu rộng lớn hơn trên các phương tiện thông tin truyền thông. Hiệp hội Doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài là cầu nối giữa doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài với doanh nghiệp trong nước; đồng thời gắn kết cộng đồng doanh nghiệp với các địa phương, đơn vị trong và ngoài nước…”, TS Nguyễn Công Dũng cho hay.

TS Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan, kiều bào Canada, người đã có hơn 300 bằng sáng chế của Mỹ và các quốc gia phát triển, người đã có tên tuổi trên thị trường mực in thế giới cho rằng: Vai trò của truyền thông rất quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp có thể quảng bá sản phẩm của mình. “Chúng tôi nhận thấy thị trường Việt Nam là thị trường lí tưởng để thử nghiệm sản phẩm của mình và khi thị trường Việt Nam đón nhận thì việc đưa sản phẩm ra các thị trường thế giới dường như dễ dàng hơn”, TS Thanh Mỹ cho hay.

Cũng theo TS Nguyễn Thanh Mỹ, môi trường báo chí, truyền thông của Việt Nam khá thiện chí trong việc hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu của mình. Nếu doanh nghiệp biết nắm bắt có thể sử dụng kênh truyền thông trong nước để quảng bá thương hiệu ra nước ngoài. Tuy vậy, việc quan trọng trước tiên doanh nghiệp cần phải làm, đó là có sản phẩm tốt, chất lượng cao, mô hình kinh doanh đúng và biết cách truyền thông hiệu quả.

Ngoài ra, với yêu cầu, đòi hỏi cao của người tiêu dùng, doanh nghiệp cần phải làm khác, bắt kịp với xu thế…

 Ban tổ chức tặng hoa cho các diễn giả.

Chia sẻ về giải pháp và chiến lược định vị thương hiệu doanh nghiệp Việt trên truyền thông toàn cầu, Tiến sĩ  Wolfgang Renner, Giám đốc Trung tâm khoa học truyền thông, xã hội thành phố Vienna, nguyên Viện trưởng Viện hàn lâm Wiener Zeitung, Cộng hoà Áo cho rằng: Có nhiều thách thức lớn trên toàn cầu, đòi hỏi các doanh nghiệp cần có định vị tư duy quốc tế. Để thành công trước những thách thức như hiện nay, đòi hỏi những cuộc thảo luận trên một cấp độ xã hội rộng lớn. Theo ông, hiện những doanh nghiệp, doanh nhân ở châu Âu đang làm và đạt hiệu quả trong thời điểm thế giới gặp nhiều vấn đề khó khăn, đó là chuyển đổi song song. Có hai thứ cùng phải làm đó là chuyển đổi số, đồng thời là chiến lược về bền vững, trong đó mục tiêu gắn liền là bảo vệ môi trường đi liền với đảm bảo tài chính.

Tiến sĩ Wolfgang Renner khẳng định: Tầm nhìn, sứ mệnh và chất lượng là những yếu tố quan trọng và cốt lõi tạo nên thành công.

Chia sẻ thêm về vấn đề nội dung của diễn đàn, các diễn giả cho rằng hiện nay câu chuyện định vị thương hiệu càng trở nên quan trọng; doanh nghiệp có chiến lược và sự sáng tạo, đột phá trong tư duy, cách làm, nhưng cũng cần có sự hỗ trợ của Chính phủ.

Ông Nguyễn Hồng Huệ (Peter Hồng), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho rằng: Muốn doanh nghiệp Việt Nam vươn ra toàn cầu thì cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc tìm cơ hội đi đầu tư; đồng thời cần phải có sự bảo trợ của Chính phủ. Thực tế hiện nay, doanh nghiệp Việt khi đưa sản phẩm của mình ra nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, hiện doanh nghiệp Việt còn thiếu tính hệ thống, muốn làm ăn toàn cầu, muốn định vị mình thì cần có tư duy hệ thống./.

 
Hoàng Mẫn
182 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 904
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 904
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87215236