ĐỊNH HƯỚNG TƯ TƯỞNG, DẪN DẮT DƯ LUẬN XÃ HỘI TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG BẰNG ĐỘI NGŨ CHUYÊN GIA, HỌC GIẢ LÀ XU HƯỚNG TẤT YẾU 

Hơn hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm, thù địch trong tình hình mới”, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, thể hiện ý chí quyết tâm bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, góp phần bảo đảm an ninh tư tưởng, giữ vững ổn định chính trị, trật tự và an toàn xã hội.

Tuy nhiên, quá trình đấu tranh, phản bác cũng bộc lộ một số hạn chế cả về mục tiêu, phương pháp lẫn xác định lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong việc định hướng tư tưởng, dẫn dắt dư luận nhằm bảo đảm thực hiện tốt các yêu cầu của Nghị quyết đề ra. 

Theo quan sát thực tế của chúng tôi, hiện nay lượng thông tin của hệ thống truyền thông chính thống trên địa bàn cả nước chiếm tỷ lệ trên không gian mạng không nhiều so với dòng thông tin của các trang mạng xã hội, internet và các đài phát thanh của nước ngoài. Các phương tiện truyền thông truyền thống của chúng ta (truyền hình, phát thanh, sách, báo, tạp chí, phim ảnh, bảng tin, khẩu hiệu cổ động…) đã tỏ ra chậm và phần nào hạn chế về tính hiệu quả. Các phương thức truyền thông về tư tưởng, lý luận chủ yếu vẫn là phổ biến nghị quyết, vận động học tập, nghe báo cáo,… trong một không gian và thời gian nhất định, với tính tập trung và thống nhất, chủ yếu vẫn mang tính một chiều từ trên xuống và số lượng đối tượng tiếp nhận thông tin hạn chế. Trong khi đó, không gian mạng với tính chất đa dạng, phi tập trung, tự chủ và tương tác đã tác động mạnh mẽ và thách thức to lớn đến cách giáo dục tư tưởng truyền thống. Trên địa bàn tỉnh ta, lượng thông tin đó càng quá ít, chủ yếu qua Báo Quảng Trị (trong đó có chuyển một phần nội dung qua báo điện tử), Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và một số phương tiện chuyển tải khác.

Hơn nữa, mục đích của kẻ thù tư tưởng của Đảng ta nói chung, lực lượng thù địch nói riêng là muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta. Mục đích đó vẫn không thay đổi, chỉ thay đổi về phương thức tiến hành với tính chất ngày càng tinh vi hơn, da dạng hơn và do đó ngày càng nguy hiểm hơn. Vì vậy, đây là cuộc đấu tranh vừa cấp bách, vừa lâu dài, phức tạp đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội.

Thực tế từ cuộc đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc trên mạng xã hội của các cơ quan chức năng trong hơn 2 năm qua đã đặt ra một số vấn đề, nhưng theo chúng tôi vấn đề quan trọng nhất là tập trung định hướng tư tưởng và dư luận xã hội, bởi lẽ hiện nay các luồng thông tin chính thống và không chính thống đan xen tác động đến tư tưởng, nhận thức, niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trên không gian mạng, người đọc tùy thích lựa chọn nội dung thông tin, ở đó cơ chế quyền lực không thể chạm tay đến.

Đi tìm hệ thống giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có thể là bằng hình thức bút chiến, có thể là đối thoại, trao đổi trực tiếp, có thể kết hợp nhiều phương pháp, huy động nhiều lực lượng và đặt toàn bộ hoạt động này dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhưng dù tổ chức đấu tranh theo hình thức, phương pháp nào thì tính thuyết phục, định hướng vẫn là phương châm xuyên suốt: Thuyết phục, định hướng trong đối thoại, trao đổi với những người có quan điểm sai trái, nhận thức lệch lạc về đường lối chính trị, nền tảng tư tưởng của Đảng, về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực; Vận dụng nguyên lý (hệ thống các luận điểm, luận cứ, quan điểm) của chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh để tuyên truyền, giải thích, vận động bảo đảm nâng cao tính thuyết phục, sắc bén trong đấu tranh, phản bác.

Xác định bảo vệ nền tảng tư tưởng là nhiệm vụ lâu dài của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta và do tính chất phức tạp của cuộc đấu tranh, chúng tôi cho rằng cần tổ chức những người nghiên cứu sâu, nắm vững lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, am hiểu thực tiễn đấu tranh, phản bác và âm mưu của kẻ thù tư tưởng của Đảng ta hiện nay trở thành lực lượng nòng cốt. Đây là vấn đề tổ chức lực lượng, xác định vai trò của từng binh chủng, từng lực lượng trong cuộc đấu tranh, phản bác của mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể. Mác đã từng nói rằng: “Trong một hoàn cảnh cụ thể, cần có một phương pháp cụ thể”. Nói như vậy không có nghĩa là vai trò của hệ thống cấp ủy, hệ thống chính trị, vai trò của truyền thông chính thống buông lỏng hay hạn chế trong việc định hướng tư tưởng, dẫn dắt dư luận. Ở đây muốn chứng minh rằng, trong lực lượng nòng cốt tham gia đấu tranh trên không gian mạng hiện nay ở nước ta, khi triển khai các hình thức, phương pháp đấu tranh, phản bác cần thấy được lực lượng cụ thể nào thực hiện để đảm bảo định hướng tư tưởng, dẫn dắt dư luận xã hội và cần đến công cụ, phương tiện nào để đảm bảo hiệu quả đấu tranh.

Khi đặt vấn đề định hướng tư tưởng, dẫn dắt dư luận xã hội bằng chuyên gia, học giả là xu thế tất yếu có nghĩa là nói đến tính lâu dài, phức tạp của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, xác định vị trí, vai trò của đội ngũ chuyên gia, học giả trong việc triển khai công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Hay nói cách khác, do tính chất, mức độ, quy mô, phương thức, thủ đoạn của các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc ngày càng tiềm ẩn mối nguy hiểm lớn đối với an ninh tư tưởng, thách thức lớn đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, đòi hỏi định hướng tư tưởng, dẫn dắt dư luận phải bằng lý luận khoa học thực sự chứ không phải bằng lý thuyết suông. Mặt khác, lý do định hướng tư tưởng, dẫn dắt dư luận xã hội bằng chuyên gia, học giả là xuất phát từ yêu cầu giải quyết hiệu quả mối liên hệ biện chứng giữa “xây” và “chống”, bảo đảm mục tiêu của Nghị quyết 35. Chúng ta triển khai bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng bằng cách tiến hành đồng thời 2 nhiệm vụ “xây” và “chống”, trong đó yếu tố “xây” giữ vai trò quyết định. Bởi lẽ, dù không có lực lượng nào phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng thì chúng ta vẫn tiếp tục tuyên truyền, giáo dục hệ tư tưởng của Đảng ta thông qua nhiều hình thức, phương pháp khác nhau. Một học thuyết, một hệ tư tưởng mà không được phổ biến, giáo dục, củng cố và phát triển thì hệ tư tưởng đó sẽ chết. Rõ ràng, đấu tranh, phản bác hay tuyên truyên truyền, phổ biến, giáo dục đều nhằm bảo vệ và truyền bá hệ tư tưởng, làm cho hệ tư tưởng đó trở thành tư tưởng chủ đạo của toàn xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân phải thấm nhuần tinh thần của hệ tư tưởng đó, tạo sự thống nhất toàn xã hội về tư tưởng. Bên cạnh đó, truyền bá lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng góp phần đắc lực trong việc xây dựng và củng cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào Đảng, vào chế độ. Như vậy, yếu tố “xây” giữ vai trò quyết định. Đó là xây dựng, củng cố lòng tin của Nhân dân vào Đảng, tạo sức đề kháng mạnh mẽ, tạo thành sức mạnh tổng hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Về bản chất, đấu tranh, phản bác các quan điểm, sai trái, thù địch trên không gian mạng là góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng.

Thiết nghĩ, khi xác định đội ngũ chuyên gia, học giả đóng vai trò quan trọng, coi đây là xu hướng tất yếu trong việc định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội trên không gian mạng thì không thể tách rời công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận cho đội ngũ này, đồng thời phải phát triển số lượng, nâng cao chất lượng của đội ngũ trực tiếp định hướng tư tưởng, dẫn dắt dư luận xã hội (có thể sử dụng cả chuyên gia, học giả đang công tác và nghỉ hưu). Bên cạnh đó cần có chế độ đãi ngộ phù hợp, thiết thực nhằm động viên tinh thần làm việc.

Triển khai định hướng tư tưởng, dẫn dắt dư luận xã hội trên không gian mạng, thực chất là làm công tác tư tưởng trực tuyến; Trong đó, đối tượng của công tác tuyên truyền rất đa dạng, đòi hỏi ngày càng nâng cao tính thuyết phục, tính định hướng, phải bằng lý luận khoa học mới dẫn dắt thực tiễn đấu tranh giành thắng lợi. Đội ngũ chuyên gia, học giả là lực lượng đảm bảo đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của việc định hướng tư tưởng và dư luận xã hội trong tình hình mới./. Văn Lãn

         

 

2316 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1257
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1257
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87110282