Đối với tỉnh Quảng Trị, trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm thúc đẩy phát triển công nghiệp chiếm tỷ trọng quan trọng trong GRDP của tỉnh. Từ việc kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương cho đến chú trọng công tác quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm công nghiệp phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh. Các chính sách về phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, phát triển làng nghề, ngành nghề truyền thống, chính sách về khuyến công… đã được quan tâm ban hành, tạo hành lang pháp lý để hỗ trợ phát triển công nghiệp. Hạ tầng công nghiệp nông thôn từng bước được đầu tư. Các quy hoạch có tính chiến lược như: quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Đông Nam, Trung tâm điện lực, quy hoạch sử dụng khí, quy hoạch điện gió… đã hoàn thành làm cơ sở cho việc kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án động lực vào các khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh. Kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Nam Đông Hà, Khu công nghiệp Quán Ngang, các cụm công nghiệp được quan tâm hoàn thiện. Mỗi huyện, thành phố, thị xã đã hình thành ít nhất một cụm, điểm công nghiệp - làng nghề để thu hút đầu tư, đưa các cơ sở sản xuất tại các khu dân cư vào sản xuất tập trung.
Nhiều dự án trọng điểm về công nghiệp đã hoàn thành, đưa vào hoạt động như: Nhà máy bia Hà Nội Quảng Trị, Nhà máy nghiền Clinke Bỉm Sơn (Đông Hà), các nhà máy tinh bột sắn, Nhà máy sản xuất phân bón Bình Điền, các nhà máy thủy điện nhỏ, điện gió, nhà máy gỗ MDF 2, sản xuất gạch không nung… góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp. Tại Khu kinh tế Đông Nam tỉnh, dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị 1 công suất 1.320MW, tổng mức đầu tư trên 2,5 tỷ USD đang tích cực chuẩn bị đầu tư; dự án nhà máy điện khí đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục hồ sơ xin chủ trương đầu tư của Chính phủ. Tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh giai đoạn 2007 - 2017 đạt bình quân 15,2%. Sản xuất công nghiệp đã đóng góp quan trọng vào thu ngân sách của tỉnh, chiếm tỷ trọng khoảng 70% tổng nguồn thu nội địa trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, nhìn lại những kết quả mà ngành công nghiệp đóng góp trong thời gian vừa qua, vẫn thấy rằng, mặc dù tăng trưởng ngành công nghiệp Quảng Trị đã và đang phát triển đúng hướng nhưng tốc độ tăng trưởng chưa cao, thiếu bền vững. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển dịch chưa mạnh, lĩnh vực tự động hóa chưa rõ nét. Doanh nghiệp công nghiệp sản xuất hiện đại và các sản phẩm có sức cạnh tranh cao chưa nhiều; công nghệ, máy móc thiết bị chậm đổi mới. Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp có mặt chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, nhất là hạ tầng sân ga, bến cảng. Chưa có nhiều dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn mang tính động lực. Các dự án được triển khai thực hiện có quy mô nhỏ. Một số dự án lớn, trọng điểm tiến độ triển khai thực hiện còn chậm.
Những hạn chế trên là thách thức của ngành công nghiệp tỉnh trong thời gian tới, trong khi sự cạnh tranh trong phát triển công nghiệp sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt theo xu hướng công nghệ ngày càng cao, ngày càng tự động hóa, sản xuất công nghiệp ngày càng ít dùng lao động. Chính vì vậy, việc đặt ra mục tiêu, giải pháp phát triển công nghiệp là một yêu cầu tất yếu khách quan.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã xác định, phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Quảng Trị cơ bản trở thành trung tâm lớn về công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, điện năng của vùng Trung bộ; hình thành một số sản phẩm công nghiệp chế biến có sức cạnh tranh quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị trong nước và từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Phấn đấu đạt tỷ trọng công nghiệp trong GRDP trên 25%. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 14%/năm.
Để đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra cho thời gian tới, trong Chương trình hành động số 131-CTHĐ/TU, ngày 24/9/2018 về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra 08 nhiệm vụ, giải pháp:
Thứ nhất, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp về vai trò và nội dung của chính sách phát triển công nghiệp quốc gia và địa phương trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kịp thời quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện các chính sách phát triển công nghiệp. Phát hiện, cổ vũ, biểu dương nhân tố mới và nhân rộng mô hình mới, cách làm hay, điển hình tiên tiến trong lĩnh vực phát triển công nghiệp.
Thứ hai, rà soát bổ sung và tổ chức quản lý, triển khai thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch phát triển công nghiệp vùng Bắc Trung bộ, miền Trung Tây Nguyên. Tổ chức tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị gia tăng. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp tự động hóa trong sản xuất, tạo ra các quy trình sản xuất thông minh. Lựa chọn một số ngành công nghiệp có khả năng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị để ưu tiên phát triển; sử dụng các công nghệ sạch, thân thiện môi trường; giảm dần các ngành sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản. Ưu tiên phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị gắn với phát triển kinh tế biển, các ngành công nghiệp chủ chốt như: nhiệt điện, điện khí, vật liệu xây dựng, sản phẩm cao cấp từ nguồn cát Thạch anh và vật liệu mới... cùng với các ngành công nghiệp phụ trợ khác. Từ nay đến 2030, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế như: năng lượng tái tạo (thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời), công nghiệp siliccat, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy hải sản và một số ngành sản xuất công nghiệp sử dụng nhiều lao động (dệt may, da giày).
Thứ ba, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực phục vụ của các cơ quan dịch vụ công; khuyến khích và nhân rộng các mô hình cải cách hành chính sáng tạo nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực công nghiệp. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghiệp, đảm bảo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh. Phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống hiện có. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng Khu Kinh tế Đông Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư các dự án phát triển công nghiệp phù hợp với quy hoạch.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp công nghiệp. Triển khai tốt các chính sách nâng cao năng lực công nghệ, quản trị cho các doanh nghiệp công nghiệp; khuyến khích, hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, các tập đoàn kinh tế thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, điện tử, năng lượng, khai khoáng, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ “cao, mới, sạch, tiết kiệm”, sử dụng nguyên liệu của tỉnh, phụ kiện trong nước, sử dụng nhiều lao động địa phương.
Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển nhân lực công nghiệp, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo với hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động công nghiệp. Thu hút nhân tài có trình độ kỹ thuật chuyên môn cao, có năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp. Có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu các dự án đầu tư, nhất là các dự án được triển khai tại Khu Kinh tế Đông Nam tỉnh.
Thứ sáu, phát triển hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong phát triển công nghiệp, nhất là hạ tầng kết nối số đảm bảo an toàn, đồng bộ đáp ứng nhu cầu phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất kinh doanh và tăng cường hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, mua bán chuyển giao công nghệ. Thực hiện cơ chế hợp tác công - tư trong việc triển khai các dự án đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển; áp dụng hình thức nhà nước đặt hàng nhiệm vụ khoa học - công nghệ. Khuyến khích các doanh nghiệp hình thành quỹ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ để đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ.
Thứ bảy, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và chính sách bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển công nghiệp. Xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch, kế hoạch quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản. Chỉ cho phép áp dụng các công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản hiện đại, tiết kiệm, bảo vệ môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững. Ưu tiên, khuyến khích các dự án đầu tư sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường, cương quyết không đánh đổi môi trường với tăng trưởng công nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.
Thứ tám, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng và triển khai thực hiện chính sách phát triển công nghiệp. TL