Ngày 14/5, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với tổ chức Hanns Seidel, CHLB Đức tại Việt Nam tổ chức hội thảo Định hướng chiến lược lao động việc làm và phát triển kỹ năng giai đoạn 2021-2030.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh: Đến nay, hệ thống luật pháp, chính sách lao động, việc làm và phát triển kỹ năng đã được thiết kế, bổ sung, sửa đổi phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích của người lao động và thúc đẩy công bằng xã hội và thúc đẩy công bằng xã hội.
Các chính sách lao động – việc làm và phát triển kỹ năng đã phát huy tác dụng, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, giảm thất nghiệp, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống cho người dân và thúc đẩy thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại.
Hội thảo định hướng chiến lược lao động, việc làm và phát triển kỹ năng giai đoạn 2021-2030 (Ảnh: AT)
Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc xây dựng và thực thi các chính sách lao động, việc làm và phát triển kỹ năng trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là, hệ thống luật pháp chính sách chưa đầy đủ, một số không phù hợp với thực tiễn, song chậm được điều chỉnh. Bên cạnh đó, thị trường lao động hoạt động kém hiệu quả ở nhiều khâu: thông tin, dự báo, kết nối cung cầu, xác định tiền lương, dịch vụ việc làm... Cùng với đó, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, không như kỳ vọng, việc sử dụng còn nhiều bất cập; hiệu suất và năng suất thấp; chưa tận dụng được lợi thế thời kỳ dân số vàng...
Bên cạnh những hạn chế và yếu kém trên, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức mới, to lớn có tính thời đại như: Già hóa dân số sẽ làm thu hẹp quy mô lực lượng lao động, thay đổi cơ cấu việc làm. Đồng thời đặt ra yêu cầu về y tế và chăm sóc dài hạn, việc làm cho người cao tuổi, an ninh thu nhập cho người cao tuổi.
Đô thị hóa sẽ diễn ra nhanh, di cư lao động ồ ạt hơn trong khi phát triển hạ tầng xã hội không theo kịp; khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội của lao động di cư ngày càng bị hạn chế; quản lý xã hội và nhiều vấn đề xã hội phát sinh.
Mặt khác, việc tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới đặt ra những vấn đề mới về tiêu chuẩn lao động, tiêu chuẩn nghề nghiệp, quan hệ lao động, tự do dịch chuyển lao động; nguy cơ tụt lại phía sau của các nhóm yếu thế.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh, yêu cầu đặt ra cho 10 năm tới là chúng ta phải hoàn thiện thể chế thị trường lao động. Đảm bảo thị trường lao động được vận hành đầy đủ theo các nguyên tắc của kinh tế thị trường, theo quy luật cung cầu để lao động xã hội được phân bố và sử dụng hiệu quả. Muốn vậy, khung khổ luật pháp về lao động phải tạo ra sân chơi bình đẳng, loại bỏ các rào cản cho mọi hoạt động lao động, mọi doanh nghiệp và đối tác tham gia thị trường lao động.
Chính sách lao động việc làm và phát triển kỹ năng cũng phải được thiết kế theo hướng bao trùm, để không ai bị bỏ lại phía sau, tăng cường công bằng xã hội và phát triển bền vững. Quyền của người dân và của người lao động phải được tôn trọng và đảm bảo trong thực tế.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sâu về những thành tựu và những vấn đề đặt ra về chính sách lao động, việc làm và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2018; Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và các vấn đề đặt ra cho phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn 2021-2030; Định hướng ưu tiên phát triển con người trong giai đoạn 2021-2030.../.
Thanh Hà