Doanh nghiệp Việt Nam cần định giá tài sản thương hiệu (Ảnh: K.D)
Đây là sự kiện trong khuôn khổ các hoạt động của Chương trình Thương hiệu Quốc gia 2017, nhằm mang đến cái nhìn toàn cảnh về bức tranh thương hiệu Việt Nam hiện nay, qua đó quảng bá và xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam ngày càng vững mạnh trên trường quốc tế. Đó cũng là mục đích chính của Chương trình Thương hiệu Quốc gia - Chương trình duy nhất của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại) là cơ quan thường trực triển khai.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc Tiến thương mại khẳng định, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài diễn ra khốc liệt hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển thương hiệu, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Theo đó, một trong những vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước hết sức quan tâm là hoạt động định giá tài sản thương hiệu. Đây cũng là nhu cầu thiết thực đối với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế ở Việt Nam.
Chia sẻ quan điểm của mình, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Thương hiệu và Quan hệ công chúng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho rằng kênh truyền thông tác động mạnh tới giá trị thương hiệu. Theo ông Hà, kênh truyền thông dẫn dắt dư luận, ảnh hưởng đến thương hiệu. Doanh nghiệp thường hướng tới truyền thông theo phương thức chủ động. Đó là chủ động đưa ra thông tin phù hợp tới khách hàng, đưa ra tin bài thường xuyên. Đặc biệt, đưa lượng thông tin tích cực đảm bảo tần suất truyền thông trên “ngưỡng nhận thức” qua đó nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tối ưu hóa nội dung và ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm tăng cường tiếp cận với độc giả ở mọi lứa tuổi, mọi khoảng cách địa lý.
Ông Samir Dixit, Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á-Thái Bình Dương cũng cho rằng, thương hiệu là tài sản có giá trị nhất trong hoạt động kinh doanh, nhưng ít được quan tâm bởi các nhà quản lý và những người bận rộn với việc thúc đẩy sản xuất bán hàng.
Đó không phải thứ căn bản khiến các cổ đông quay trở lại. Quản lý thương hiệu cũng là điều quan trọng để thúc đẩy việc định giá cổ phiếu, sáp nhập và mua bán cũng như tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực cũng như toàn cầu. Vì vậy, phương pháp tiếp cận quản lý thương hiệu cơ bản phải thay đổi với việc tập trung mạnh hơn vào đo lường giá trị kinh tế và sự trở lại của cổ đông mà thương hiệu có thể mang đến.
Cũng tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2017, Công ty Brand Finance đã chính thức công bố Bảng xếp hạng Top 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2017 cho các thương hiệu dẫn đầu Việt Nam - chứng nhận về thứ hạng, giá trị thương hiệu và chỉ số sức khỏe thương hiệu tại thị trường trong nước. Bảng xếp hạng Top 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam được coi là căn cứ duy nhất có phương pháp định giá thương hiệu đáp ứng các tiêu chuẩn của ISO (ISO 10668 về tiêu chuẩn định giá)./.
Kim Dung