Định giá đất đai không chính xác sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp 

(ĐCSVN) – Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phân tích, nếu định giá đất đai không chính xác sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ phức tạp do nguyên nhân chủ quan, duy ý chí.

 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: KT)

 Ngày 8/3, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Bảng giá đất là căn cứ thực hiện thu hồi, đền bù, sử dụng đất đai

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, là không gian phát triển và nguồn lực to lớn của đất nước. Thời gian qua, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức thi hành luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững. Việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp, khiếu nại và tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp… Những tồn tại, bất cập nêu trên có nguyên nhân do hệ thống pháp luật đất đai thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu phát triển của đất nước.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo Luật Đất đai lấy ý kiến lần này không chỉ là của cơ quan soạn thảo mà đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo rất sâu sát của lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ; các uỷ ban của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; các bộ, ngành; chính quyền các cấp; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội… Đây là sản phẩm tập hợp trí tuệ của hệ thống chính trị, trong đó có sự tham gia rất tích cực của cộng đồng doanh nghiệp.

Cho ý kiến về vấn đề kinh tế đất đai, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng mấu chốt là phương pháp tính toán, định giá đất đai. Phó Thủ tướng phân tích, nếu định giá đất đai không chính xác sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ phức tạp do nguyên nhân chủ quan, duy ý chí. Hiện nay có 5 phương pháp định giá đất đai nhưng rất khó chính xác nếu không xây dựng được cơ sở dữ liệu rõ ràng, phản ánh, thống kê đầy đủ giá trị đất đai, hoạt động kinh doanh đất đai. Đây là cơ sở để xây dựng bảng giá đất sát với giá trị thị trường trong điều kiện bình thường, ổn định, có sự điều tiết của Nhà nước, được cập nhật khi có biến động.

Bảng giá đất là căn cứ thực hiện các hoạt động thu hồi, đền bù, sử dụng đất đai một cách công bằng, minh bạch. Đồng thời, điều hoà giá trị gia tăng từ đất đai, bảo đảm công bằng giữa người dân, nhà nước, doanh nghiệp; cũng như giữa các khu vực, vùng miền, địa phương, thậm chí giữa các dự án có tính chất khác nhau.

Đề cập đến các hình thức thu hồi đất đai hiện nay, Phó Thủ tướng cho biết dự thảo luật dự kiến mở rộng thêm một số khái niệm như Nhà nước thu hồi đất để tạo quỹ đất phát triển cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường…

Phó Thủ tướng cũng khẳng định: Nhà nước với tư cách là cơ quan quản lý, chịu trách nhiệm trước người dân, phải định giá, quyết định việc chuyển dịch đất đai, định hướng để trong quá trình chuyển dịch những doanh nghiệp phát triển dự án và những người dân bị thu hồi đất, đều có lợi. Vì vậy, phải lượng hoá, có tiêu chí cụ thể về cơ sở hạ tầng, chỗ ở, sinh kế, an sinh xã hội, thiết chế văn hoá… để người dân tái định cư có điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ.

 Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: KT)

Thực hiện tốt công tác truyền thông về dự án Luật

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận các ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm, chất lượng của các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học; nhiều ý kiến góp ý chuyên sâu, có tính thực tiễn và phản biện cao đặc biệt là các quy định của Luật Đất đai liên quan đến sản xuất, kinh doanh đến hoạt động của các doanh nghiệp. Các ý kiến này là những đóng góp quan trọng để Chính phủ hoàn thiện dự thảo luật, các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện báo cáo thẩm tra và các đại biểu Quốc hội nghiên cứu để xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý chỉ Luật hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ; những vấn đề trung ương đã thảo luận nhưng chưa có kết luận thì không đưa vào dự án Luật.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu tham gia góp ý cần lưu ý kế thừa các quy định mang tính ổn định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng; luật hóa, cụ thể hóa tối đa những nội dung trong các văn bản quy định chi tiết đã được áp dụng hiệu quả qua các thời kỳ. Tuy nhiên, phải bảo đảm tính tổng thể, chiến lược, lâu dài; tuyệt đối không hợp thức hóa những vướng mắc có tính chất vi phạm.

Đối với VCCI, Phó Chủ tịch  Quốc hội đề nghị cần  tiếp tục tổ chức lấy ý kiến nhân dân, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm chuyên sâu về dự án Luật; đặc biệt là các nội dung liên quan đến đấu giá đất, đấu thầu dự án sử dụng đất, khung giá đất, tài chính về đất đai, thu hồi, đền bù, hỗ trợ tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất...

Bên cạnh đó, VCCI cần thực hiện tốt công tác truyền thông về dự án Luật này, bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ, trung thực về các nội dung, chính sách lớn trong dự án Luật, nhất là những vấn đề mới, vấn đề sửa đổi, bổ sung, nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội; đồng thời, tăng cường tiếp nhận các thông tin, ý kiến phản biện từ cộng đồng, xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị đại diện cơ quan soạn thảo lắng nghe, báo cáo đầy đủ với cấp có thẩm quyền, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật. Các bộ, ngành hữu quan, các đại biểu tiếp tục đồng hành với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để đóng góp ý kiến  cho việc hoàn thiện dự thảo Luật.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan tới giá đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và mong muốn các ý kiến đóng góp sẽ được Cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét, cân nhắc, tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo Luật một cách tốt nhất, góp phần đưa chính sách, pháp luật đất đai đi vào thực tiễn cuộc sống, nhất là trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, người dân, phục vụ phát triển kinh tế xã hội./.

 
Bích Liên
334 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 948
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 948
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87077954