Điều ước cuối cùng của một thương binh 

TTTĐ - Chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, bị mất một bàn tay, mù một mắt, 18 năm chữa bệnh vô sinh vì nhiễm chất độc da cam, hai lần nhận con nuôi nhưng đều bị ngớ ngẩn, con bỏ đi lại thay con nuôi cháu từ khi lọt lòng... Đó là câu chuyện của thương binh hạng 1/4 Nguyễn Văn Bình và bà Dương Thị Thái ở xã Huống Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

Mơ ước được làm mẹ

Sinh ra trong thời chiến, năm 18 tuổi, ông Bình lên đường nhập ngũ rồi được điều vào đơn vị thông tin 2W chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị. Đêm 27/1/1973, ông Bình bị thương. Sau đó, ông trở về quê với một cánh tay nguyên vẹn, một con mắt lành lặn. Cảm mến anh thương binh trở về từ chiến trường, cô gái Dương Thị Thái động lòng trắc ẩn nên đồng ý về ở chung. Tuy nhiên, suốt 18 năm chung sống, hai người vẫn không có con. Hai ông bà đã đi hết các bệnh viện từ cấp tỉnh đến cấp Trung ương vẫn không biết nguyên nhân. Cuối cùng họ có kết luận, ông Bình bị nhiễm chất độc da cam nên không thể sinh con.

Năm 1978, khi nghe tin một đứa trẻ với bộ dạng quái dị, bị gia đình chối bỏ, ông bà lặn lội đến xin về nuôi. Bà Thái kể lại: “Nghe bà con nói thế, tôi cùng ông nhà lên xem sao rồi nhận nuôi. Lúc đầu nhìn thấy cháu, tôi nghĩ không biết có nuôi nổi không, tay chân quắp lại vào thân, người đen thui, hai mắt không mở, nằm co quắp, không mảnh vải che thân”. Khát khao được làm mẹ, bà Thái động lòng trắc ẩn… Ông bà xin về nuôi nhưng hai ba hôm sau, chồng và bà nội đứa bé lại tới tận nhà đòi tiền. Ông bà phải trả một số tiền kha khá thì cha và bà nội của đứa bé mới chịu về. 

Những ngày tiếp theo mới là những ngày khủng khiếp. Bà Thái không sinh đẻ nên không có sữa để cho con bú, sang nhờ hàng xóm thì hình thù đó không ai dám cho bú. Bà Thái kể lại: “Giờ nghĩ lại không hiểu sao lúc đó vợ chồng tôi lại kiên trì thế. Đứa trẻ khóc ngằn ngặt cả ngày lẫn đêm, phải cho ăn từng giọt sữa ngày này qua ngày khác. Chồng tôi thì cụt một tay không lao động nặng được, kinh tế lại không có. Mỗi lần ra đường bà con lại khuyên nên từ bỏ vì nó không sống được đâu mà nuôi”. 

Bằng sự kiên trì và lòng thiện lương, gia đình ông bà đã nhận được những tín hiệu tích cực. Tay chân đứa trẻ bắt đầu thẳng ra, cử động được, rồi biết đi, mắt bắt đầu mở nhưng lại bị mù.

Vậy là cứ làm được đồng nào ông bà tích góp lại, không dám ăn mặc, chỉ với mục đích tìm ánh sáng cho con. Những cố gắng đó cũng được đền đáp khi các bác sĩ thông báo mắt của đứa trẻ vẫn có thể cứu chữa được. Chi phí cho cuộc phẫu thuật đó khá đắt. Thế là ông bà lại vừa làm vừa tích góp, đến khi dồn được kha khá lại đưa con xuống Hà Nội chữa trị. Cuối cùng đôi mắt của đứa con gái nuôi bắt đầu nhìn thấy ánh sáng. 

Khi đôi mắt đứa trẻ vừa chữa được thì ông bà nhận thông báo, không thể tiếp tục nuôi vì ngày trước không làm giấy xin nhận con nuôi. Ông Bình kể: “Ngày đó, thấy người ta vứt thì mình nhận về nuôi chứ có để ý gì đến thủ tục đâu. Luật đã thế rồi thì mình đành phải chấp nhận”. Vậy là ông bà đành đưa con vào trại trẻ mồ côi. Không được bao lâu, trại trẻ mồ côi lại thông báo, đứa con gái đêm đêm bỏ đi, không biết đường về. Thương và nhớ con, ông bà làm thủ tục đầy đủ để đưa con về nhà.

Rồi cô con gái đó cũng đến tuổi lấy chồng, quen một thanh niên quê tận Nghệ An. “Con nó ưa, nó đưa về nhà giới thiệu thì chúng tôi đành đồng ý thôi dù chưa biết chàng rể tương lai đó là người như thế nào”, bà Thái tâm sự. Cưới xong, vợ chồng đòi mở quán hàng buôn bán. Bằng tiền chắt góp, cả tiền vay mượn, vợ chồng ông cũng xây cho con một quán tạp hóa ngay gần chợ huyện. Được chừng nửa tháng, người chồng đòi chuyển về quê sống, cả hai vợ chồng mang theo toàn bộ hàng hóa, vốn liếng. 

Mười lăm hôm sau, cô con gái trở về tay không. Ông bà nhận lại con nhưng mất luôn chàng rể và số vốn đã đầu tư cho chúng. Những ngày tháng sau đó là khoảng thời gian ông bà chứng kiến sự nổi loạn không kiểm soát của cô con gái. Cứ vài hôm cô lại bỏ nhà ra đi, dăm ba hôm lại về và không biết đã đi đâu.

Lại nhận tiếp con nuôi

Năm 2000, trong một lần đi chợ, bà Thái nhìn thấy một cậu thanh niên đang cúi đầu chịu những trận đòn của một đám thanh niên. Hỏi xung quanh, bà mới biết người bị đánh kia không cha, con chữ không biết mặt, cái tên không biết gọi. Thấy thương, bà Thái đưa về nhà, cho ăn uống, sắm quần áo rồi nhận làm con. Chung nhà lại không có quan hệ máu mủ, đứa con gái và con trai vừa nhận nuôi lại phải lòng nhau. Nghĩ cũng thuận nên ông bà xin chính quyền cho tổ chức đám cưới.

Sinh đứa cháu đầu được mấy hôm thì đứa con gái lại bỏ nhà ra đi, người chồng thì bảo gì làm nấy, cũng chẳng biết chăm con. Vậy là ông bà lại phải chăm cháu thay con. Ít lâu sau khi bỏ nhà ra đi, đứa con gái trở về và lần này lại thêm một đứa cháu nữa ra đời. Đẻ xong, cô con gái lại tiếp tục bỏ nhà ra đi. Biết kêu ai, trách ai, ông bà lại tiếp tục thay cha mẹ nó nuôi chúng. Bà Thái kể: “Giờ cũng không biết mẹ chúng ở đâu nữa. Có lần nó về ăn mặc trang điểm lòe loẹt, ở được mấy hôm lại bỏ đi. Từ khi sinh hai đứa con, nó chưa chăm ngày nào. Bố của chúng thì chỉ biết ai sai gì làm nấy”.

Thương cháu thiếu tình thương, ông bà tìm cách cho con gần mẹ, nếu còn tình mẫu tử thì may ra cô con gái ở lại chăm con thế nhưng người mẹ vẫn dửng dưng. Cả hai đứa cháu sinh ra đều có mặt mũi bình thường nhưng nuôi mãi cũng không thấy lớn. Đứa cháu trai đầu 16 tuổi mà chưa đầy 20kg, đứa cháu gái cũng không hơn thằng anh là mấy.

Hôm ngồi xem chương trình truyền hình Điều ước thứ 7, hai ông bà không kìm được nước mắt. Ông Bình bảo: “Nếu nay mai cả tôi và bà ấy không còn nữa thì không biết ai sẽ lo cho chúng nó. Chúng tôi chỉ ước một điều là được sống lâu hơn để lo cho chúng đến khi trưởng thành”.

 DUY LONG
300 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 765
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 765
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87030251