Điều trị ‘hậu COVID-19’: Kết hợp Đông y và Tây y để phục hồi toàn diện 

(Chinhphu.vn) - Sau điều trị COVID-19, đa số bệnh nhân đều suy nhược cơ thể. Chính vì vậy, việc xây dựng phác đồ điều trị cho bệnh nhân sau khi khỏi bệnh là rất cần thiết. Đặc biệt, việc điều trị “hậu COVID-19” kết hợp giữa Đông y và Tây y đang thể hiện rõ hiệu quả ở BV Thống Nhất (TPHCM).

 

Chăm sóc bệnh nhân hậu COVID-19 ở BV Thống Nhất. Ảnh: Hà Đạo
Theo PGS.TS. Lê Đình Thanh, Giám đốc BV Thống Nhất, để kịp thời ngăn chặn các di chứng “hậu COVID-19”, BV đã thành lập Khoa Hồi sức và phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau điều trị COVID-19. Quy mô ban đầu của khoa là 20 giường, nhưng đến nay bệnh nhân luôn nhiều hơn gấp 2 lần số giường.

PGS.TS. Lê Đình Thanh cũng chia sẻ, việc phục hồi tinh thần, tâm lý người bệnh sau khi khỏi COVID-19 được BV rất quan tâm. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, cần có phác đồ điều trị “hậu COVID-19” không chỉ cho bệnh nhân, mà cả những người từng tham gia điều trị, hoặc ở tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch. Họ cần được chăm sóc toàn diện sau những ngày làm nhiệm vụ căng thẳng.

Bệnh nhân muốn vào điều trị “hậu COVID-19” cần được xét nghiệm lại. Nếu có kết quả âm tính, BV sẽ mời các chuyên khoa như tim mạch, hô hấp, thận, xương khớp… đến thăm khám và lên phương án điều trị cho bệnh nhân. Sau điều trị COVID-19, đa số bệnh nhân đều suy nhược cơ thể, nên điều trị kết hợp giữa Đông y và Tây y đang thể hiện rõ hiệu quả tại BV Thống Nhất.

“Điều trị 'hậu COVID-19' chính là mô hình tiếp nối các giai đoạn đầu để phục hồi bệnh nhân một cách toàn diện. Đến nay, BV Thống Nhất có khá đầy đủ máy móc và trang thiết bị, thuốc men phục vụ cho việc điều trị này”, Giám đốc BV Thống Nhất nhấn mạnh.

Hướng dẫn sử dụng y dược cổ truyền để phòng, chống COVID-19

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký quyết định ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng, chống dịch COVID-19”. Tài liệu này được áp dụng cho tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc.

Theo quyết định, Bộ Y tế yêu cầu giám đốc các BV, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thủ trưởng y tế các bộ, ngành, căn cứ vào nguồn lực và tình hình thực tiễn tại địa phương, đơn vị để chủ động ứng dụng y dược cổ truyền trong phòng, chống dịch COVID-19.

Đồng thời, tổ chức triển khai “Hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng, chống dịch COVID-19", kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại trong phòng và điều trị.

Cụ thể, nguyên tắc chung sử dụng y dược cổ truyền để phòng và điều trị bệnh COVID-19 như sau:

Về phòng bệnh, dùng các phương pháp y dược cổ truyền để bồi bổ chính khí, nâng cao thể trạng; chú ý tuân thủ quy định về phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế. 

Về điều trị, phải căn cứ vào chẩn đoán, biện chứng luận trị và thể chất, tình trạng cụ thể của người bệnh; điều trị càng sớm càng tốt; chú trọng vị trí bệnh và chứng hậu chủ yếu đối với từng giai đoạn của bệnh. 

Bên cạnh đó, theo sát các diễn biến bất thường của bệnh. Tùy tình trạng bệnh lý và giai đoạn của người bệnh, thầy thuốc kê đơn gia giảm thành phần, khối lượng các vị thuốc cổ truyền phù hợp với lý, pháp, phương, dược và tính chất truyền bệnh của y học cổ truyền.

Trường hợp kết hợp với y học hiện đại, tham khảo “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bằng y học hiện đại” của Bộ Y tế, đồng thời có kế hoạch điều trị, theo dõi và dự phòng hợp lý. 

Bộ Y tế cũng lưu ý, hướng dẫn này không áp dụng đối với trẻ em. Với phụ nữ mang thai, trong quá trình điều trị cần chú ý tới những thay đổi sinh lý khi mang thai.

Tiêu chuẩn xuất viện và theo dõi sau xuất viện theo hướng dẫn 3416/QĐ-BYT ngày 14/7/2021 của Bộ Y tế (giống các tiêu chuẩn y học hiện đại đang áp dụng).

Hiền Minh

214 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1072
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1072
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87184013