ĐIỀU KHÔNG THỂ MẤT 

Cách đây hơn một thế kỷ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vic và V.I.Lênin, một cuộc cách mạng xã hội nổ ra ở Nga, lật đổ chế độ Nga hoàng, hiện thực hóa vị trí lãnh đạo xã hội của giai cấp công nhân, xây dựng Nhà nước Xô viết đầu tiên trên thế giới. Vai trò, ý nghĩa lịch sử và thời đại của cuộc cách mạng xã hội ở Nga, hệ thống lý luận cách mạng, khoa học và chính trị thực tiễn của Đảng lãnh đạo cuộc cách mạng đó, những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực mà Nhà nước ấy đem lại là một hiện thực sống động, tác động, ảnh hưởng rộng lớn, sâu sắc không chỉ đến trật tự thế giới, tính chất thời đại mà còn phản ánh xu hướng vận động khách quan của lịch sử loài người. Cuộc cách mạng xã hội đó được Đảng và Nhân ta gọi là Cách mạng Tháng Mười Nga.

Cách mạng Tháng Mười có ý nghĩa lịch sử và thời đại to lớn, là sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ XX, đánh dấu một mốc mới trong lịch sử phát triển của nhân loại, báo hiệu sự sụp đổ của chế độ người bóc lột người đã tồn tại hàng ngàn năm và mở ra một thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản (CNTB) lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) trên phạm vi toàn thế giới. Cách mạng Tháng Mười đã thức tỉnh các giai cấp, các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới và đã vạch ra con đường giải phóng cho các giai cấp, dân tộc bị áp bức trên hành tinh.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã làm nổi bật tinh thần cách mạng triệt để và tính khoa học sâu sắc là bản chất và nguồn sức mạnh vô địch của chủ nghĩa Mác – Lênin. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu trong dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người, chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.

Cách mạng Tháng Mười phá vỡ khâu yếu nhất của dây chuyền chủ nghĩa đế quốc, xây dựng và bảo vệ thành công nhà nước XHCN đầu tiên. Từ đây, trên thế giới dần hình thành hai hệ thống chế độ xã hội: xã hội XHCN và xã hội tư bản chủ nghĩa, chấm dứt thời kỳ độc quyền thống trị của CNTB và chế độ phong kiến. Tiếp sau Liên Xô, nhiều nước châu Âu, châu Á, châu Mỹ Latinh đã lựa chọn con đường XHCN cho sự phát triển, hình thành hệ thống XHCN thế giới.

Cách mạng Tháng Mười đã mở ra con đường giải phóng dân tộc cho các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới. Vào đầu thế kỷ XX, cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc khỏi ách nô dịch, bóc lột của các nước đế quốc là nhu cầu cấp thiết của các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới. Cuộc Cách mạng Tháng Mười và quan điểm của V.I. Lênin trong: “Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” đã chỉ cho các dân tộc bị áp bức con đường đấu tranh để đạt các mục tiêu của dân tộc. Dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười và sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của Liên Xô vĩ đại, phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới đã phát triển mạnh mẽ, trở thành dòng thác cách mạng của thời đại, xóa bỏ chủ nghĩa thực dân cũ, làm thất bại chủ nghĩa thực dân mới, cổ vũ các dân tộc bị áp bức vùng lên giành độc lập dân tộc, hướng tới CNXH.

Cách mạng Tháng Mười thành công, sự ra đời Nhà nước Xô viết và bước phát triển to lớn của Liên Xô sau cách mạng, thể hiện đầy đủ sức mạnh và tính ưu việt của CNXH. Cuộc Cách mạng Tháng Mười thành công đã ra đời Nhà nước Xô viết đầu tiên trên thế giới. Liên Xô đã là thành trì của CNXH, là chỗ dựa vững chắc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào đấu tranh vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội. Sức mạnh toàn diện và tính ưu việt của CNXH hiện thực ở Liên Xô bắt đầu từ Cách mạng Tháng Mười đã tác động to lớn đến sự phát triển của phong trào cách mạng trên thế giới trong thế kỷ XX. CNXH hiện thực đã có những cống hiến vô giá cho nhân loại, giải phóng 1,5 tỉ người thoát khỏi chế độ áp bức, bóc lột; tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, cứu nhân loại khỏi họa diệt chủng; đánh bại thực dân kiểu cũ, giải phóng hàng chục quốc gia thoát khỏi cảnh nô lệ và buộc CNTB phải điều chỉnh; là chỗ dựa vững chắc, là lực lượng tiên phong đẩy mạnh cuộc đấu tranh vì hòa bình, hợp tác và phát triển, giúp các dân tộc, quốc gia ngăn chặn các thế lực phản động quốc tế gây chiến tranh xâm lược, tạo thêm tiền đề cho các quốc gia, dân tộc tăng cường xây dựng mối quan hệ theo hướng bình đẳng, hợp tác, phát triển.

Cách mạng Tháng Mười thành công và sự kiện ra đời Nhà nước Xô viết là sự kết hợp giữa những nguyên lý cơ bản của học thuyết Mác – Lênin với việc vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nước Nga, đã cung cấp cho các cuộc cách mạng sau đó những bài học kinh nghiệm quý báu. Cách mạng Tháng Mười thành công là sự thể nghiệm thắng lợi của Chủ nghĩa Mác – Lênin trong thực tiễn, đã cung cấp những bài học lịch sử vô giá cho các cuộc cách mạng vì độc lập dân tộc và CNXH của các quốc gia, dân tộc. Đó là những bài học về xây dựng đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng, tổ chức lực lượng cách mạng, nắm vững thời cơ cách mạng, phát động khởi nghĩa vũ trang, giành chính quyền thực sự về tay Nhân dân; bảo vệ chính quyền non trẻ, chống thù trong, giặc ngoài; thiết lập hình thái kinh tế - xã hội mới…

Mặc dù tồn tại hơn 70 năm (1917 – 1991) nhưng Nhà nước Xô viết đã góp phần hết sức quan trọng vào lịch sử văn minh nhân loại. Những thành tựu mà CNXH hiện thực ở Liên Xô mang lại được các nhà khoa học, chính trị gia, tư tưởng gia, các chuyên gia kinh tế trên thế giới đánh giá rất cao và Nhân dân ở năm châu ngưỡng mộ, ngay cả các nhà lãnh đạo của CNTB cũng thừa nhận.

Thế mà hiện nay, một số nước phương Tây còn tiếp tục duy trì quyền bá chủ thế giới, bài trừ xu hướng đa cực trong quan hệ chính trị quốc tế đã chủ trương xuyên tạc sự thật lịch sử về Cách mạng Tháng Mười Nga, về những thành tựu trên các lĩnh vực mà cuộc cách mạng đó mang lại với những phương thức, thủ đoạn hết sức nguy hiểm, điển hình là đẩy mạnh chiến dịch biến Liên Xô từ quốc gia đóng vai trò quyết định tiêu diệt chủ nghĩa phát xít trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ II thành “quốc gia xâm lược” châu Âu. Cụ thể là trong Lễ tưởng niệm 80 năm Ngày nổ ra Chiến tranh thế giới lần thứ II (01/9/1939 - 01/9/2019) được tổ chức tại thủ đô Warszawa, Ba Lan với sự hiện diện của gần 250 nhà lãnh đạo và quan chức cao cấp của 40 nước, nhưng Liên bang Nga (quốc gia kế thừa vị thế của Liên Xô) lại không được nước chủ nhà mời tham dự. Giải thích về sự việc này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ba Lan, Shimon Shinkovsky Vel Senka cho biết, sở dĩ Nga không được mời là bởi các nước tham dự sự kiện này được chọn theo các tiêu chí dựa trên “sự thật lịch sử”. Tại lễ tưởng niệm này, tất cả đại biểu tham dự không hề nhắc đến vai trò và đóng góp có ý nghĩa quyết định của Liên Xô trong cuộc chiến tiêu diệt chủ nghĩa phát xít ở châu Âu và chủ nghĩa quân phiệt ở châu Á. “Sự thật lịch sử” mà ông Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ba Lan nhắc đến rõ ràng là khác với sự thật lịch sử của 75 năm Cách mạng Tháng Mười Nga đã được thế giới công nhận. Một số nước phương Tây cho rằng: Liên Xô cấu kết với Đức gây ra chiến tranh thế giới lần thứ II.

Thực tế thì  Liên Xô ký với Đức Hiệp ước Molotov-Ribbentrov vào ngày 23/8/1939 không tấn công lẫn nhau. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Đức cũng đã ký hiệp ước riêng với nhiều nước ở châu Âu: với Ba Lan Hiệp ước không tấn công lẫn nhau; với Anh Hiệp ước cho phép xây dựng Hạm đội hải quân mà quốc gia này bị cấm theo Hiệp ước Versailles; chung với Anh, Pháp và Italia Hiệp ước Munich buộc Tiệp Khắc phải cắt tỉnh Sudetenland cho nước Đức, v.v. Vậy mà, một số nước châu Âu cố tình “quên” lịch sử Chiến tranh thế giới lần thứ II, đập phá các tượng đài kỷ niệm chiến sĩ Hồng quân Liên Xô đã từng anh dũng chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quân phiệt. Thậm chí, có quốc gia châu Âu còn truy tặng các phần tử dân tộc cực đoan đã từng chiến đấu trong hàng ngũ phát xít Đức chống lại Hồng quân Liên Xô là “anh hùng dân tộc” và coi Liên Xô là “quốc gia xâm lược châu Âu” trong Chiến tranh thế giới lần thứ II.

Nguyên nhân gây ra chiến tranh thế giới lần thứ II không phải là do Hiệp ước Molotov-Ribbentrov. Theo Tổng thống V. Putin, nguyên nhân đầu tiên và cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn tới Chiến tranh thế giới lần thứ II xuất phát từ Hiệp ước Versailles được Anh, Pháp và Mỹ soạn thảo để chấm dứt Chiến tranh thế giới lần thứ I. Đối với người Đức, Hiệp ước này là biểu tượng về sự bất công. Theo các văn kiện lịch sử, Hiệp ước Versailles quy định, nước Đức bại trận phải nhường lại vùng đất Alsace - Lorraine cho nước Pháp. Về kinh tế, trong 03 năm (1919 - 1921), Đức phải bồi thường chiến tranh cho các nước thắng cuộc 20 tỷ DM (đồng tiền Deutsche Mark Đức) có giá trị bằng vàng; chuyển giao cho các nước thắng trận tất cả tàu thương mại có tải trọng trên 1.600 tấn và 1/5 hải đội đường sông; phải đóng cho họ các tàu thương mại với tổng tải trọng 200.000 tấn/năm trong vòng 5 năm. Trong 10 năm, Đức phải chuyển 140 triệu tấn than đá cho Pháp, 80 triệu tấn cho Bỉ và 77 triệu tấn cho Italia; đồng thời, phải chuyển giao cho họ một nửa tổng sản phẩm công nghiệp hóa chất dự trữ. Về quân sự, Đức không được phép trang bị tàu ngầm hoặc tàu nổi có trọng tải trên 10.000 tấn và phải giải tán Bộ Tổng Tham mưu, v.v. Chính nỗi “quốc nhục” này là động lực hồi sinh, nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc cực đoan và phục thù ở nước Đức. Các thành viên của Đảng Quốc xã lợi dụng điều này để kêu gọi người Đức rửa hận và xóa bỏ Hiệp ước Versailles.

Nguyên nhân thứ hai, theo Tổng thống V. Putin, chính là một nghịch lý từ Hiệp ước Versailles. Đó là, các tập đoàn tài chính và công nghiệp của các quốc gia phương Tây, trước hết là Anh và Mỹ đã lợi dụng ý chí phục thù của Đức Quốc xã để biến họ thành cỗ máy quân sự mạnh nhất châu Âu phát động cuộc chiến tranh thế giới mới nhằm tiêu diệt Liên Xô - nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Theo các tài liệu đã được giải mật, để thực hiện tham vọng này, các tập đoàn tài phiệt của Mỹ và Anh ủng hộ toàn diện về chính trị, kinh tế và quân sự cho Đức Quốc xã đứng đầu là Adolf Hitler. Đến thời điểm trước khi bùng nổ Chiến tranh thế giới lần thứ II, các tập đoàn tài phiệt của Mỹ và Anh đã kiểm soát gần 80% tiềm lực công nghiệp của Đức Quốc xã.

Nguyên nhân thứ ba, là sự bất lực của Hội Quốc Liên trong việc ngăn chặn hiểm họa Chiến tranh thế giới lần thứ II. Hội Quốc Liên được thành lập trên cơ sở Hiệp ước Versailles, nhằm mục tiêu chủ yếu là ngăn ngừa chiến tranh thông qua cơ chế an ninh tập thể và giải trừ quân bị, giải quyết các tranh chấp quốc tế thông qua đàm phán và trọng tài. Tuy nhiên, do Anh và Pháp là các cường quốc chiến thắng trong Chiến tranh thế giới lần thứ I thao túng hoạt động của Hội Quốc Liên nên tổ chức này đã không thực hiện được chức năng bảo đảm hòa bình và an ninh chung của thế giới. Biểu hiện rõ nhất là Hội Quốc Liên đã phớt lờ lời kêu gọi nhiều lần của Liên Xô về việc xây dựng hệ thống an ninh tập thể công bằng và bình đẳng trên thế giới. Vì thế, Hội Quốc Liên đã không thể ngăn chặn các cuộc chiến tranh và xung đột ở nhiều nơi trên thế giới, điển hình là cuộc xâm lược Ethiopia của Italia, nội chiến ở Tây Ban Nha và cuộc xâm lược của Nhật Bản ở Trung Quốc.

“Trên thực tế, Mỹ đứng đầu các nước phương Tây đã từng tiến hành chiến dịch xuyên tạc vai trò của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới lần thứ II ngay sau khi cuộc chiến này kết thúc vào năm 1945 và coi đó là một trong những biện pháp quan trọng của chiến lược “Diễn biến hòa bình” nhằm làm tan rã Liên Xô. Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ đẩy mạnh chiến dịch này với nhiều chiêu trò mới. Mục đích của chiến dịch xuyên tạc này là biến Liên Xô từ “quốc gia giải phóng” châu Âu thành “quốc gia xâm lược” châu lục này. Từ đó, lôi kéo các nước thuộc châu Âu, các nước hậu Xô viết và một số nước trên thế giới hình thành mặt trận rộng rãi chống lại Liên bang Nga. Bởi họ cho rằng, ngày nay Moscow là “cản trở lớn nhất” đối với tham vọng của một số thế lực muốn tiếp tục duy trì quyền bá chủ thế giới. Tại Hội nghị an ninh quốc tế Munich năm 2007, Tổng thống V. Putin - nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới chính thức tuyên bố phản đối tham vọng đó và nhấn mạnh chủ trương của Nga xây dựng một trật tự thế giới mới, trong đó các quốc gia dù “mạnh” hay “yếu”, “lớn” hay “nhỏ”, giàu hay nghèo,... đều phải được bình đẳng và tôn trọng như nhau” (Trích bài viết của tác giả Đinh Công Tuấn: Sự thật lịch sử về Chiến tranh thế giới lần thứ II cần được bảo vệ, đăng trên Tạp chí Quốc phòng toàn dân số tháng 10/2020).

Mục đích của Mỹ trong chiến dịch này là loại Nga ra khỏi thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc – một cơ chế có ý nghĩa quyết định tình trạng chiến tranh hay hòa bình trên thế giới.

Trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử theo những gì vốn có của nó, chúng ta  cần khẳng định, kiên quyết bác bỏ mọi mưu toan xem xét lại lịch sử Chiến tranh thế giới lần thứ II; nghi ngờ về vai trò quyết định của Liên Xô trong chiến thắng chủ nghĩa phát xít và quân phiệt.  Chính thắng lợi của Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh thế giới lần thứ II đã mở ra con đường giải phóng nhiều nước thoát khỏi hiểm họa chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa thực dân. Chúng ta cần phải thấy rằng, việc tuyên truyền xuyên tạc lịch sử Chiến tranh thế giới lần thứ II trong bối cảnh chủ nghĩa phát xít mới và chủ nghĩa cường quyền đang trỗi dậy ở một số nước là hiểm họa đối với hòa bình và an ninh quốc tế.

Đối với Việt Nam, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đã mở ra cho cách mạng nước ta con đường giải phóng dân tộc, tạo thời cơ thuận lợi để giành lấy chính quyền về tay Nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám, khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, chấm dứt hàng ngàn năm thống trị của chế độ thực dân, phong kiến, đưa nhân dân ta từ địa vị nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, xây dựng CNXH. Đối với Đảng ta, một Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam hành động, Cách mạng Tháng Mười đã chứng minh sự đúng đắn và sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác – Lênin. Mặt khác, ra đời trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng ta càng thấm thía giá trị của độc lập, tự do. Độc lập, tự do không thể đi xin mà có được mà phải đánh đổi hy sinh máu xương của bao thế hệ. Sự nghiệp cách mạng là của toàn dân. Nhân dân viết lên lịch sử. Điều đó đã chứng minh qua thực tế lịch sử đấu tranh chống xâm lược của dân tộc ta.

Đất nước ta có được độc lập, tư do và cơ đồ hôm nay không thể phủ nhận ý nghĩa lịch sử và thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga, cũng như sự ủng hộ, đóng góp vật chất, tinh thần của Liên Xô trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và xây dựng CNXH. Dù kẻ thù có dùng những thủ đoạn thâm độc nào để xóa đi sự thật đó, thì Nhân dân ta, Đảng ta không bao giới quên được ý nghĩa lịch sử và thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga, vẫn mãi mãi ghi ơn sự giúp đỡ tận tình của Nhà nước Xô viết đối với cách mạng Việt Nam; điều ấy không thể mất đi trong quan hệ tình cảm bạn bè quốc tế.

Kỷ niệm 103 năm Cách mạng Tháng Mười Nga thành công (7/11/1917 – 7/11/2020), về phương diện tư tưởng và công tác tư tưởng, không gì thiết thực hơn là tiếp tục khẳng định ý nghĩa lịch sử và thời đại của cuộc cách mạng vĩ đại ấy; khẳng định vai trò to lớn của quân đội và Nhà nước Xô Viết; khẳng định giá trị to lớn mà CNXH hiện thực mang lại đối với sự phát triển của nhân loại nói chung, nước Nga nói riêng. Đặc biệt tiếp tục đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc mang tính chất xét lại về Cách mạng Tháng Mười Nga, về vai trò của Liên Xô trong việc ngăn chặn chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa quân phiệt, bảo vệ sự thật lịch sử, bảo vệ chính nghĩa, góp phần xây dựng môi trường hòa bình thế giới, cùng với các quốc gia, dân tộc hướng đến sự bình đẳng, hợp tác và phát triển./. VL

659 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 869
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 869
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78214794