Điều hành quản lý quỹ ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, an toàn 

(ĐCSVN) - Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn yêu cầu Kho bạc Nhà nước cần bám sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan kịp thời báo cáo và đề xuất, kiến nghị với Bộ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến huy động vốn.

 

Hình ảnh tại Hội nghị (Ảnh: M.P) 

Ngày 15/12,  Kho bạc Nhà nước tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, nhiệm vụ và giải pháp năm 2023 của hệ thống Kho bạc Nhà nước.

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước (KBNN), năm 2022, KBNN đã xác định 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2022 theo mục tiêu và phương châm hành động là: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách và quy trình nghiệp vụ theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào các hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ; tiếp tục tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng dịch vụ của hệ thống KBNN; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị”. Đồng thời, bám sát chủ trương, biện pháp điều hành của Chính phủ, chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tài chính trong năm để cụ thể hóa các nhiệm vụ thuộc phạm vi trách nhiệm của hệ thống KBNN phải tổ chức triển khai thực hiện.

Trong công tác quản lý quỹ ngân sách nhà nước, bám sát dự toán thu NSNN năm 2022, KBNN các tỉnh, thành phố đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu trên địa bàn để tập trung, hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu cho các cấp ngân sách; cung cấp thông tin số liệu thu ngân sách thường xuyên cho các cấp có thẩm quyền, phục vụ công tác điều hành thu ngân sách. 

Đồng thời mở rộng công tác phối hợp thu NSNN và thanh toán song phương điện tử với các ngân hàng thương mại, góp phần tập trung nhanh nguồn thu NSNN, hỗ trợ người nộp thuế và hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt trong hoạt động giao dịch với KBNN. Trong năm 2022, KBNN đã triển khai mở tài khoản chuyên thu NSNN và ký thỏa thuận hợp tác phối hợp thu NSNN, thanh toán song phương điện tử với 5 ngân hàng thương mại, nâng tổng số ngân hàng thương mại mà KBNN mở tài khoản chuyên thu lên thành 20 ngân hàng thương mại. 

Còn đối với công tác kiểm soát chi, trong năm 2022, hệ thống KBNN đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực để góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách, song vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng chế độ và trong phạm vi dự toán được giao; tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khoản chi thường xuyên NSNN, nhất là các khoản chi như: chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài...; ưu tiên kiểm soát thanh toán nhanh, kịp thời kinh phí mua vắc-xin, kinh phí cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, kinh phí hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch, bệnh COVID-19.

Đáng chú ý, thời gian qua KBNN đã chủ động phối hợp với các đơn vị triển khai các công việc liên quan đến công tác tổng hợp, lập Báo cáo quyết toán NSNN và Báo cáo tài chính nhà nước năm 2020 đảm bảo chất lượng và tiến độ. Báo cáo quyết toán NSNN và Báo cáo tài chính nhà nước năm 2020 đã được gửi đến các vị Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV; trong đó, Báo cáo quyết toán NSNN năm 2020 đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 90,96%. 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, những kết quả đạt được của hệ thống Kho bạc Nhà nước góp phần quan trọng vào thành tích chung của ngành tài chính trong lĩnh vực quản lý điều hành tài chính – ngân sách năm 2022. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như tiến độ xây dựng một số đề án, chính sách còn chậm, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính trong thực thi công vụ của một số công chức, viên chức Kho bạc Nhà nước có lúc, có nơi còn chưa nghiêm. 

Do đó, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn đề nghị, năm 2023 hệ thống Kho bạc Nhà nước cần tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai đảm bảo kiểm soát, giải ngân vốn ngân sách nhà nước kịp thời nhưng phải chặt chẽ, an toàn, đúng chế độ; hoàn thành khóa sổ, quyết toán cuối năm 2022. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong ngành tài chính tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước; chấp hành nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương trong quản lý tài chính, kiểm soát chi ngân sách nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương kịp thời giải quyết vướng mắc, khó khăn thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. 

Cùng với đó, điều hành ngân quỹ chặt chẽ, linh hoạt đảm bảo khả năng thanh toán của ngân sách nhà nước tại mọi thời điểm ở tất cả các đơn vị Kho bạc Nhà nước trong toàn hệ thống.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, Kho bạc Nhà nước cần bám sát tình hình thị trường, tình hình thu chi ngân sách nhà nước, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, kế hoạch trả nợ gốc của ngân sách trung ương để chủ động xây dựng phương án, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan kịp thời báo cáo và đề xuất, kiến nghị với Bộ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến huy động vốn để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển năm 2023.

Năm 2023, hệ thống Kho bạc Nhà nước, xác định mục tiêu và phương châm hành động là tập trung nguồn lực triển khai thực hiện Chiến lược phát triển đến năm 2030; đẩy mạnh chuyển đổi số vào các hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ; tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát; nâng cao chất lượng phục vụ khách giao dịch.

Ông Trần Quân, Giám đốc Kho bạc Nhà nước cho biết, Kho bạc Nhà nước sẽ tổ chức điều hành quản lý quỹ ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, an toàn, nâng cao vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách, tăng cường quản lý chi tiêu công. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu tổ chức tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023; tiếp tục mở rộng tài khoản chuyên thu tại các ngân hàng thương mại; mở rộng phạm vi địa bàn bắt buộc chi trả thanh toán cá nhân qua tài khoản tại ngân hàng.  

Kho bạc Nhà nước cũng đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch huy động vốn năm 2023 do Bộ Tài chính giao, đảm bảo tuân thủ quy định giới hạn tỷ lệ kỳ hạn theo Nghị quyết của Quốc hội. Bám sát diễn biến thị trường, tình hình thu, chi ngân sách nhà nước để điều hành công tác huy động vốn linh hoạt, vừa đảm bảo huy động đủ cho nhu cầu của ngân sách trung ương, vừa duy trì lãi suất phát hành hợp lý, phù hợp với định hướng điều hành chính sách tiền tệ, tiết kiệm chi phí vay cho ngân sách nhà nước.  Ngoài ra, phát hành đa dạng các loại kỳ hạn trái phiếu, phù hợp với các nhu cầu đầu tư và tạo lãi suất tham chiếu cho thị trường, thanh toán trái phiếu chính phủ đến hạn đảm bảo an toàn, chính xác và thuận lợi cho chủ sở hữu trái phiếu.

Đặc biệt, một nhiệm vụ khác sẽ được Kho bạc Nhà nước chú trọng trong năm 2023 đó là tổ chức điều hành ngân quỹ nhà nước tập trung, thống nhất trong toàn hệ thống, gắn kết giữa quản lý ngân quỹ với quản lý ngân sách và quản lý nợ; nâng cao chất lượng dự báo dòng tiền; tiếp tục triển khai hiệu quả các nghiệp vụ sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi theo phương án được Bộ Tài chính phê duyệt; triển khai thực hiện tốt quy trình quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý ngân quỹ./.

 
 
Minh Phương
473 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1151
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1151
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87103675