Điều hành lạm phát: Nhiều áp lực nhưng vẫn phải đạt các mục tiêu 

(Chinhphu.vn) – Niềm tin của thị trường vào kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô của Chính phủ và các cơ quan chức năng là cao. Nhưng các cơ quan điều hành chính sách cần thận trọng trong việc kiểm soát lạm phát, trong đó, đặc biệt chú ý sự tăng giá cục bộ của một cách không hợp lý của các mặt hàng như thịt lợn, sách giáo khoa… mới có thể hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4%.

 

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh:VGP.

Đây là một trong những nội dung được các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo “Diễn biến thị trường giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2020” do Học viện Tài chính tổ chức ngày 2/7, tại Hà Nội.

 

Ông Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) lưu ý, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng tới 0,66% so với tháng trước , đây là mức tăng cao nhất của tháng 6 trong các năm từ 2012 đến nay.

 

CPI bình quân 6 tháng đầu năm nay cũng tăng tới 4,19%, cũng là mức rất cao của cùng kỳ các năm gần đây.

 

Phân tích về tác động của một số mặt hàng, ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cho rằng, có 2 diễn biến bất ngờ ảnh hưởng mạnh đến tốc độ tăng của CPI đó là giá thịt lợn tăng và giá dầu giảm.

 

Việc giá thịt lợn đã tăng hơn 100.000 đồng/kg trong 6 tháng đầu năm nay, là nguyên nhân chính khiến giá thực phẩm trong kỳ tăng tới 14,28% so với cùng kỳ năm ngoái, từ đó gây áp lực lên chỉ số giá CPI chung.

 

Tổng cục Thống kê trong đợt công bố số liệu cuối tháng 6 đã chỉ rõ “thủ phạm” đẩy chỉ số CPI lên cao. Vì tính riêng giá thịt lợn tăng 68,2% trong 6 tháng đầu năm nay đã làm CPI chung tăng 2,86%.

 

Ở chiều ngược lại, việc giá xăng dầu kịp thời giảm mạnh đã khiến chỉ số giá nhóm giao thông giảm trung bình 9,26% trong 6 tháng đầu năm nay, cân bằng phần lớn tác động tiêu cực từ việc giá thịt lợn bị neo ở mức cao.

 

“Cả hệ thống chính trị của Việt Nam luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đã đề ra. Đây chính là yếu tố tích cực ổn định CPI” - ông Nguyễn Bá Minh nói.

 

Ông Nguyễn Đức Độ phân tích, với việc CPI tháng 6/2020 tăng 3,17% so với cùng kỳ năm trước, mục tiêu kiềm chế lạm phát khoảng 4% trong năm 2020 có thể đạt được nếu CPI trong các tháng còn lại của năm tăng dưới 0,6%/tháng.

 

Điều này hoàn toàn khả thi nếu Chính phủ cho phép nhập khẩu thịt lợn hơi, lợn giống, đồng thời người nông dân đẩy mạnh tái đàn và làm tốt các biện pháp để giữ không cho giá lợn tăng cao.

 

Có cùng quan điểm, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng trong kịch bản giá xăng dầu không tăng ở biên độ lớn, nếu hạ nhiệt được giá thịt lợn thì sẽ đạt mục tiêu lạm phát khoảng 4%.

 

“Khâu cung ứng lợn và khâu trung gian là hai tác nhân chính đẩy giá thịt lợn lên cao một cách vô lý, vì vậy theo ông, cần có sự chỉ đạo quyết liệt và hành động nghiêm túc để xử lý vấn đề này” ,ông Vũ Vinh Phú nói.

 

Chuyên gia Ngô Trí Long lưu ý việc điều hành giá và kiểm soát lạm phát trong năm nay sẽ phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều so với mấy năm gần đây, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 làm cho nền kinh tế bị trì trệ.

 

Một loạt rủi ro ở phía trước, COVID-19 có thể bùng phát mạnh trở lại, khi đó các quốc gia phải đóng cửa, kinh tế toàn cầu chắc chắn rơi vào suy thoái, thị trường tài chính chao đảo và những nước dễ bị tổn thương, thậm chí có nguy cơ rơi vào khủng hoảng nợ…

 

“Cần tiếp tục khẳng định niềm tin của thị trường vào kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô của Chính phủ và các cơ quan chức năng, áp lực là có nhưng có thể vượt qua khi các cơ quan điều hành chính sách thận trọng trong việc quản lý giá của một số mặt hàng như giá thịt lợn… như thế mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% có thể đạt được”, PGS-TS. Ngô Trí Long lưu ý.

 

Trong bối cảnh hiện nay khi tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới còn phức tạp, việc kiểm soát lạm phát là quan trọng, nhưng chỉ một khía cạnh.

 

Ngoài áp lực lạm phát, Chính phủ cũng đang phải chịu sức ép về việc mở cửa, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khẩn trương khôi phục tăng trưởng cho nền kinh tế.

 

Do vậy, trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá vào ngày 1/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, kiểm soát lạm phát nhưng không thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ. Chính sách kiểm soát giá phải góp phần ổn định, thúc đẩy phát triển kinh doanh, kích thích tăng trưởng.

 

Sức ép tăng giá, lạm phát vẫn còn lớn, đặc biệt là giá dầu thô, lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng, nhiều nước đã giảm giá đồng tiền.

 

“Trong bối cảnh ấy, cần kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%, chúng ta sẽ rất linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, nhất là thời điểm, mức độ can thiệp các công cụ chính sách để không ảnh hưởng đến mục tiêu phục hồi và phát triển nền kinh tế”, Thủ tướng khẳng định.

 
Anh Minh
217 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 775
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 775
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87191040