|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Sáng nay, ngày 23/10, Quốc hội khoá XIV đã khai mạc kỳ họp thứ 4 - kỳ họp quan trọng của năm 2017, nghe báo cáo của Chính phủ về kinh tế-xã hội do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày.
Trong bản báo cáo dài 20 trang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ trong điều kiện tình hình quốc tế và trong nước có nhiều biến động, Chính phủ đã chỉ đạo theo dõi sát, điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.
Giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 3,79%, ước cả năm khoảng 4%, lạm phát cơ bản khoảng 1,6%. Ước cả năm tổng thu NSNN tăng 2,3% so với dự toán và tăng 10,1% so với năm 2016; bội chi 3,5% GDP, bằng mức Quốc hội thông qua. Đặc biệt, nợ công trong giới hạn cho phép và có xu hướng giảm khi dư nợ công khoảng 62,6% trong đó, nợ Chính phủ là 51,8%, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 45,2% GDP.
Ngược lại với mức lạm phát tăng ít và trong tầm kiểm soát thì tăng trưởng GDP trong 9 tháng đầu năm đạt 6,41%, ước cả năm đạt 6,7%. Đạt được kết quả này là nhờ cả 3 khu vực tăng trưởng khá đồng đều: Nông nghiệp tăng 2,78% (gấp hơn 4 lần cùng kỳ), trong đó thủy sản tăng cao 5,42%; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước cả năm đạt 35 tỷ USD. Công nghiệp và xây dựng tăng 7,17%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,8%. Khu vực dịch vụ tăng 7,25%, cao nhất kể từ năm 2008. Thu hút khách du lịch đạt kỷ lục, khách quốc tế đạt 9,45 triệu lượt, ước cả năm 13 triệu lượt, tăng 30%; khách trong nước đạt 57,9 triệu lượt, ước cả năm 75 triệu lượt, tăng 12%.
Thị trường chứng khoán vượt 800 điểm, cao nhất kể từ năm 2008 (ngày 20/10/2017 đạt 826,84 điểm); mức vốn hóa của thị trường chứng khoán đạt trên 93% GDP; đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước cả năm khoảng 33,4% GDP, tăng 12,6%.
Trong 9 tháng có gần 94.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 15,4%; tổng vốn đăng ký tăng 43,5%; có trên 21.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tổng vốn đăng ký mới và bổ sung đạt 2,1 triệu tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2017-2018 tăng 5 bậc, lên thứ 55/137 quốc gia, vùng lãnh thổ.
“Qua thực tiễn chỉ đạo điều hành 9 tháng đầu năm, việc đạt kết quả tăng trưởng khả quan cho thấy, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bước đầu phát huy hiệu quả, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu khí”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, chất lượng tăng trưởng có bước chuyển biến, đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) năm 2017 ước đạt 44,1%, cao hơn năm 2016 (40,7%) và giai đoạn 2011-2015 (33,6%). Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 9/2017 đạt 53,3 điểm, cao nhất trong ASEAN.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng: "Nhìn tổng thể tình hình năm 2017 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đa số ý kiến nhất trí với đánh giá của Chính phủ về việc bảo đảm thực hiện mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội".
Ông Thanh cũng cho biết đa số ý kiến của Uỷ ban Kinh tế cho rằng, với tình hình tăng trưởng kinh tế khả quan, chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát và các cân đối vĩ mô cơ bản ổn định, cần xem xét, điều chỉnh lại các giải pháp, chính sách đã đề ra. Đây là cơ hội để đẩy mạnh thực hiện các chính sách với tầm nhìn trung và dài hạn như chương trình cơ cấu lại nền kinh tế, tạo nền tảng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ các ngành có giá trị gia tăng thấp sang ngành có giá trị gia tăng cao hơn, tiếp tục tạo ra thay đổi tích cực về thể chế, môi trường kinh doanh, chủ động điều chỉnh giá các hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước quản lý.
|
Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân (đại biểu Quối hội đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng Chính phủ đã đạt đa mục tiêu trong điều hành kinh tế năm 2017 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trong khi đó, bên lề Quốc hội, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân (đại biểu Quốc hội của đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) nêu rõ thành quả lớn nhất của Chính phủ là đạt được mức tăng trưởng kinh tế năm 2017 ở mức 6,7% trong bối cảnh trước đó nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị điều chỉnh mức tăng trưởng này tại kỳ họp thứ 3. “Ngoài ra, nhìn tổng thể, hơn 10 năm qua Chính phủ mới hoàn thành đầy đủ các chỉ tiêu mà Quốc hội phê chuẩn, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu đạt kế hoạch”, ông Ngân nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng bày tỏ phấn khởi khi năm 2017 nền kinh tế không chỉ đạt mức tăng 6,7% mà còn vẫn bảo đảm ổn định vĩ mô và kiếm soát tốt lạm phát, giảm bội chi ngân sách 4.000 tỷ đồng, bảo đảm bội chi dưới 3,5% GDP. Trước đó, các đại biểu Quốc hội cũng lo lắng nợ công cao ở mức 63,6% vào cuối năm 2016 và có xu hướng tăng thì tới nay chỉ đạt 62,6% (mức trần Quốc hội cho phép là 65% - PV).
“Như vậy chúng ta đạt đa mục tiêu vừa bảo đảm tăng trưởng, vừa bảo đảm kiểm soát lạm phát, bảo đảm nợ công trong ngưỡng Quốc hội cho phép” đại biểu nhấn mạnh.
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm; năng suất lao động chưa cao. Quy định pháp luật còn bất cập, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công chậm. Nợ công cao; xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn; cổ phần hóa DNNN, thoái vốn đạt thấp…
Do đó, Thủ tướng khẳng định Chính phủ tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; không chủ quan trong chỉ đạo điều hành, nhất quán mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC; chú trọng bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Dựa trên các kết quả và tình hình trong nước, quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ đặt mục tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5-6,7%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%; tỉ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP.
Nhìn nhận về mức tăng GDP năm 2018 thấp hơn so với năm 2017, đại biểu Trần Hoàng Ngân đồng tình khi cho rằng các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận, cùng phê duyệt mức chỉ tiêu này. “Tổng đầu tư xã hội từ 33- 34% thì phải đạt tăng trưởng 6,7% trên tinh thần để giảm chỉ số ICOR, nâng chỉ số TFP từ 40- 45% để bảo đảm chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Với mức tăng trưởng như vậy (6,5-6,7% - PV) là để bảo đảm chất lượng tăng trưởng”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.