Sáng mùng 1 Tết Kỷ Hợi tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).
( Ảnh: vtc.vn).
Có thể nói, do kinh tế phát triển, Tết ngày nay phong phú, no đủ hơn xưa rất nhiều. Xa xưa, phải “Ba mươi tết có thịt treo trong nhà” thì bây giờ, nhà nhà quanh năm có thịt. Ngày xưa, Tết chủ yếu là “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo bánh chưng xanh” thì nay, ngoài những thực phẩm truyền thống còn có nhiều thực phẩm khác như: Hải sản, thịt cá ngoại nhập; về đời sống tinh thần thì trang trí nhà cửa cũng phong phú hơn xưa, đặc biệt là vô tuyến truyền hình với các kênh đa dạng, mang hương vị mùa xuân khắp nơi đến muôn nhà. Do đó, về phương diện vật chất, có lẽ Tết nay vui hơn Tết xưa.
Điều dễ thấy như vậy nhưng dường như ký ức Tết xưa của mỗi người đều đẹp hơn, vui hơn Tết nay. Không biết có phải thế không?
Cảm giác đó là có thật, do tuổi thơ của ai cũng là tuổi đẹp, tuổi thần tiên của đời người, trong đó những kỷ niệm về Tết được mặc quần áo mới, ăn ngon hơn, được rong chơi, được mừng tuổi, được yêu chiều… quả là rất đẹp. Do đó, dù bây giờ có đầy đủ hơn đến đâu thì với người trưởng thành, không mấy ai có được cảm xúc Tết tương tự tuổi ấu thơ.
Cảm giác được ăn Tết ngày nay cũng khác xưa. Bây giờ quanh năm ăn như ngày Tết thì cỗ bàn không còn hấp dẫn đặc biệt nữa. Do đó, người ta nói đến chơi Tết nhiều hơn.
Nhờ tiến bộ của khoa học và công nghệ, điện thoại và internet đã kéo gần khoảng cách giữa những người xa quê, xa gia đình. Có gia đình, bà mẹ già được trang bị ipad, kết nối thường xuyên với người con ở nước ngoài, vậy là ngày nào mẹ con cũng trò chuyện, thấy hình, thấy khung cảnh xung quanh. Do đó, cảm giác trở về quê ăn Tết của người đi xa ngày nay rất khác mới những người xa quê ngày trước, biền biệt quanh năm không gặp người thân, ít có thông tin về người thân.
Như vậy tựu chung lại, những thiếu thốn về vật chất, tinh thần xưa kia bây giờ dư thừa, dư thừa đến nhàm chán. Vậy thì giá trị đích thực cần lưu giữ của Tết như một nét bản sắc văn hóa dân tộc là gì?
Trước hết, Tết là dịp mỗi người trở về với nguồn cội của mình. Sau một năm làm việc, ai nấy đều thu xếp về quê, ăn Tết với gia đình nơi quê hương, bản quán. Mỗi người đều để lại con người xã hội của mình nơi đô thị để trở về với con người của gia đình, của thơ ấu. Người không có điều kiện trở về thì bằng cách này hay cách khác, họ cũng gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình về với gia đình, họ mạc, làng quê mình. Sự trở về nguồn cội đó, trước hết là sự bày tỏ lòng tri ân tổ tiên, cha mẹ, tri ân quê hương. Lòng biết ơn là một hằng số, là một giá trị bền vững, cần được vun đắp.
Sự trở về nguồn cội cũng là dịp đoàn viên, đoàn tụ của mỗi gia đình. Sự sum họp đó gắn kết các thành viên trong gia đình, anh chị em, con cháu trong nhà chia sẻ, thông cảm để yêu thương nhau hơn. Ngày nay, các phương tiện hiện đại khiến người ta dễ dàng liên lạc với nhau, nhưng mặt trái của nó cũng rất rõ, đó là sự cô đơn, sống ảo, con người ít có nhu cầu gặp gỡ nhau như xưa. Ngày Tết là sự bù đắp cho khoảng thiếu hụt ấy. Ngồi bên nhau, nắm lấy tay nhau, nhìn vào mắt nhau hay chỉ đơn sơ ngồi ăn những bữa cơm gia đình thân mật có giá trị sẻ chia, cộng cảm khác xa những tin nhắn qua mạng.
Ngày Tết, cũng là dịp mỗi người làm mới lại chính mình, để hướng tới những giá trị tốt đẹp, nhân ái hơn, hướng thiện hơn. Ngày Tết, mỗi người cúi đầu trước bàn thờ gia tiên, gặp gỡ người thân trong nhà, trong họ, gặp gỡ bô lão của quê hương, không ai không tự nhắc mình phải giữ mình cẩn thận, cố gắng sống có ích cho gia đình, cho xã hội, giữ lấy thanh danh của bản thân, để không hổ thẹn mỗi khi trở về.
Với những giá trị đó, Tết mang đến cho mỗi người một năng lượng mới, tốt đẹp hơn, nồng ấm hơn./.
Thái Vũ