Các đơn vị tham gia diễn tập thông qua cầu truyền hình.
Sáng 26/12, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai phối hợp với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam tổ chức buổi diễn tập vận hành hệ thống cảnh báo thiên tai đa mục tiêu tại khu vực ven biển của TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Tham gia diễn tập có đại diện các đơn vị: Tổng cục Phòng chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương; Viện Vật lý Địa cầu; Ban chỉ huy PCTT&TKCN TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Theo kịch bản về tình huống giả định: Một trận động đất xảy ra ngoài khơi tại khu vực máng biển sau Manila, Phillipines vào lúc 8h30’ ngày 26/12. Trận động đất này được xác định có độ lớn M=9.0 và có tâm chấn nằm ở toạ độ 119.0 độ Kinh Đông 17.0 độ Vĩ Bắc và độ sâu chấn tiêu 23,2 km. Trận động đất gây nên sóng thần, ảnh hưởng đến TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Khi xảy ra động đất, tín hiệu báo động tự xuất hiện trên màn hình các phần mền xử lý số liệu động đất. Ngay sau đó, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu phát thông báo động đất số 1, đồng thời kích hoạt hệ thống trực canh cảnh báo thiên tai đa mục tiêu đến tất cả các trạm trực canh ven biển Quảng Nam và Đà Nẵng nhằm cảnh báo hướng dẫn cho bà con biết; cùng lúc thông báo qua SMS, fax, điện thoại, các website. Lúc này, các trạm sẽ phát tin cảnh báo thông qua hệ thống loa dọc biển, hệ thống đèn cảnh báo cũng liên tục phát sáng nhằm cảnh báo, hướng dẫn cho người dân biết thông tin.
Sau đó, các cơ quan chức năng tiếp tục cập nhật các kết quả xử lý tự động số liệu động đất từ các băng ghi sóng, cán bộ trực ca xử lý, phân tích, chính xác độ lớn, toạ độ tâm chấn và độ sâu chấn tiêu động đất để ra thông báo số 2 và tiếp tục cảnh báo thông qua hệ thống trực canh và các phương tiện khác.
Khoảng 10 phút sau khi xảy ra động đất, Viện Vật lý Địa cầu đánh giá khả năng phát sinh sóng thần và xác định thời gian lan truyền tới vùng biển, xác định vùng biển bị ảnh hưởng và mức độ gây thiệt hại cho các vùng bờ biển có khả năng bị sóng thần tấn công.
Viện Vật lý Địa cầu phát thông báo sóng thần số 1, đồng thời kích hoạt hệ thống trực canh cảnh báo thiên tai đa mục tiêu đến tất cả các trạm trực canh của Đà Nẵng và Quảng Nam nhằm cảnh báo hướng dẫn cho bà con biết; thông báo qua SMS, fax, điện thoại, các website.
Cán bộ trực canh tiếp tục đánh giá lại độ nguy hiểm của sóng thần và ra các cảnh báo sóng thần, chỉ rõ thời điểm tới của sóng thần và độ cao của sóng thần khi tới bờ. Các trạm phát tin cảnh báo thông qua hệ thống loa, đèn dọc biển nhằm cảnh báo, hướng dẫn cho người dân biết thông tin.
Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho biết, đây là buổi diễn tập vận hành cơ chế để cho các cán bộ liên quan tại các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động vận hành hệ thống cảnh báo bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời, chính xác ứng phó với động đất, sóng thần trong thực tế, hạn chế thiệt hại tối đa về người và tài sản. Khi xảy ra tình huống trong thực tế các cán bộ trực canh sẽ chủ động nắm bắt, xử lý thông tin và tham mưu kịp thời cho lãnh đạo các cấp và các cơ quan chức năng có những chỉ đạo ứng phó với thiên tai.
Tín hiệu báo động tự xuất hiện trên màn hình các phần mềm xử lý số liệu động đất.
Sau diễn tập, Tổng cục Phòng chống thiên tai sẽ tiếp tục có đánh giá, cập nhật hoàn thiện hệ thống cảnh báo thiên tai đa mục tiêu, đồng thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế khẩn cấp ứng phó với động đất, sóng thần.
Cũng theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, hệ thống cảnh báo thiên tai đa mục tiêu đang được triển khai tại các tỉnh, thành ven biển nhằm thiết lập hệ thống truyền tin cảnh báo động đất và sóng thần trực tiếp đến người dân, đồng thời nâng cao khả năng chỉ đạo, chỉ huy ứng phó của các cấp khi có thiên tai.
Hệ thống này trực canh cảnh báo thiên tai đa mục tiêu gồm 4 thành phần chính: Máy chủ, máy tính trạm, trạm trực canh và hệ thống nhắn tin. Bên cạnh đó còn hệ thống cầu truyền hình kết nối ban chỉ huy các cấp và các cơ quan chức năng ở Trung ương tổ chức họp trực tuyến khi cần. Hệ thống kết nối với nhau bằng đường truyền riêng và cả kết nối Internet nhằm thuận tiện quản lý, vận hành, phát tin thông báo về tình hình thiên tai cũng như gửi thông tin hướng dẫn ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo kế hoạch, hệ thống trực canh cảnh báo thiên tai đa mục tiêu sẽ được triển khai tại 13 tỉnh, thành phố ven biển từ Hà Tĩnh đến Bà Rịa - Vũng Tàu với 532 trạm cảnh báo. Đà Nẵng và Quảng Nam là 2 địa phương đầu tiên thí điểm xây dựng các trạm cảnh báo thiên tai, trong đó tại Đà Nẵng có 31 trạm, Quảng Nam 21 trạm. Các thiết bị trên trạm trực canh bao gồm tủ thiết bị, loa, còi và đèn tín hiệu đặt tại khu dân cư ven biển thuận lợi cho người dân nhận được tín hiệu bằng các hình thức nghe, nhìn.
Được biết, thành phố Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thí điểm lắp đặt các hệ thống loa, đèn cảnh báo sóng thần. Đến nay đã có hơn 30 trạm loa, đèn cảnh báo sóng thần được lắp đặt tại các phường ven biển Đà Nẵng. Riêng tại 2 điểm thuộc P.Mân Thái (Sơn Trà) và Trạm thông tin 575 (Liên Chiểu) là trạm có ăng-ten thu sóng cao nhất, từ 30-35m, bên cạnh hệ thống còi hú công suất lớn. Buổi diễn tập là dịp để các cơ quan chức năng kiểm tra lại toàn bộ hệ thống loa, đèn cảnh báo sóng thần cũng như phương thức vận hành để có hướng xử lý, khắc phục khi xảy ra sự cố.
Theo các kịch bản đã tính toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu một trận động đất cường độ 8,3 độ Richter xảy ra ở khu vực rãnh nước sâu Manila thì có thể tạo nên sóng thần cao 5,2 mét ở Quảng Ngãi và 2,1 mét ở Nha Trang. Một trận động đất có cường độ 9,2 độ Richter ở cùng khu vực có thể tạo ra sóng thần cao 10,6 mét ở Quảng Ngãi và 5 mét ở Nha Trang, và thời gian sóng thần đi từ vùng rãnh nước sâu Manila tới vùng bờ biển Việt Nam sau khoảng 2 tiếng đồng hồ.
Về mặt khoa học các trận động đất có cường độ lớn hơn 6,5 độ Richter ở các vùng biển có khả năng gây ra sóng thần, như vậy nguy cơ sóng thần ở vùng bờ biển Việt Nam là hiện hữu và cần phải được quan tâm./.
Tin, ảnh: Đình Tăng