Điện gió ngoài khơi sẽ là phép thử tiếp theo khi lưới điện đáp ứng kịp yêu cầu (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo công bố ngày 17/9, của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích tài chính (IEEFA), các nhà hoạch định chính sách về năng lượng tái tạo của Việt Nam nhờ sự kiên định của mình trong công tác quản lý chương trình biểu giá mua bán năng lượng sạch hòa lưới (FiT) áp dụng cho điện mặt trời, đã đạt được những thành tích ấn tượng về công suất năng lượng tái tạo.

Báo cáo phân tích thành công của Việt Nam trong lĩnh vực điện mặt trời cùng với các bước cần thiết nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả cho chương trình năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Chương trình FiT áp dụng cho điện mặt trời Việt Nam đã áp dụng mức giá 0,09 đô la Mỹ trên một kilowatt (kWh) cho các đơn vị phát triển điện mặt trời mới có công suất điện hòa lưới vào cuối tháng 6 năm 2019.

Điều này sẽ hỗ trợ nền kinh tế đang phát triển nhanh của Việt Nam tại một thời điểm khi các dự án nhiệt điện than phải đối mặt với các thách thức mới về môi trường và gây tổn hại về mặt kinh tế do những bước tiến nhanh chóng trong các giải pháp về năng lượng tái tạo tiết kiệm chi phí.

Giai đoạn tiếp theo của chương trình năng lượng tái tạo Việt Nam tập trung vào điện gió và Việt Nam rất có tiềm năng gió ngoài khơi.

Để thành công, cần ưu tiên các nguồn lực đầu tư mới vào lưới điện và các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải làm việc cẩn thận để đảm bảo các chính sách mới tiếp tục hỗ trợ giá cả cạnh tranh.

Tác giả của báo cáo Melissa Brown, cố vấn tài chính năng lượng của IEEFA, cho biết chương trình điện mặt trời thành công của chính phủ Việt Nam là 1 điểm nhấn nổi bật giữa các thị trường năng lượng phát triển nhanh ở khu vực Đông Nam Á.

“Việc hòa được vào lưới điện 4,46 gigawatt công suất điện mặt trời mới trong hai năm là một thành tựu to lớn. Điều này thực sự khẳng định được những tham vọng về năng lượng tái tạo của chính phủ Việt Nam,” Bà Brown cho biết. “Thách thức hiện tại là ưu tiên các chương trình có thể cung cấp đúng loại công suất lưới điện để phục vụ các giải pháp năng lượng tái tạo.

Với việc nâng cao công suất truyền tải hiện có, các chương trình đấu giá công suất mới và ưu đãi giá để có công suất linh hoạt hơn có thể đáp ứng một phần lớn hơn nhu cầu điện năng của Việt Nam.” Chính phủ đặt mục tiêu các nguồn điện năng lượng tái tạo sẽ chiếm 21% công suất lắp đặt vào năm 2030, với tỉ lệ điện mặt trời và điện gió chiếm khoảng 11%.

Quy hoạch tổng thể phát triển điện lực Quốc gia được điều chỉnh giai đoạn VII (Quy hoạch tổng thể VII) hiện dự báo tăng trưởng thương mại ở mức 10,3% hàng năm cho đến năm 2020.

Kế hoạch kêu gọi bổ sung công suất từ 6.000-7.000 megawatt mỗi năm để đáp ứng nhu cầu gia tăng và điện gió có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu này.

Báo cáo phát hiện một trong những trở ngại chính để Việt Nam khai thác triệt để việc bổ sung công suất điện từ nguồn năng lượng tái tạo trong hiện tại và tương lai là tình trạng của lưới điện.

“Việt Nam cần tài trợ xây dựng một lưới điện có khả năng sẵn sàng tiếp nhận điện từ nhiều nguồn sản xuất khác nhau,” bà Brown nhận xét./.

Mạnh Hùng