Việc ban hành Nghị quyết đã khẳng định quyết tâm chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thể hiện rõ tính chiến đấu của Đảng, góp phần tiếp thêm ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng trong hàng triệu cán bộ, đảng viên và đáp ứng đúng kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân về xây dựng dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh. Thực tế vừa qua cho thấy, Trung ương đang rất quyết liệt trong việc hiện thực hóa Nghị quyết, “nói đi đôi với làm”, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, dù đó là cán bộ cấp cao của Đảng, tạo niềm tin tưởng, sức lan tỏa của Nghị quyết trong xã hội.
Chúng ta nhận thức rằng, cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là cuộc đấu tranh với chính bản thân mình, cam go, quyết liệt, nhưng không vì thế mà không làm, vì nó liên quan đến vận mệnh của Đảng, của chế độ như Nghị quyết đã chỉ rõ. Việc thực hiện cần phải kiên quyết, kiên trì, khó mấy cũng phải thực hiện, thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, tiến hành thường xuyên, liên tục ở các cấp, các ngành, đồng bộ cả ở Trung ương và cơ sở.
Trong thời gian qua, để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, các cấp ủy Đảng trong tỉnh Quảng Trị đã tổ chức học tập, quán triệt một cách nghiêm túc, đồng thời xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết một cách cụ thể, phù hợp, tập trung thực hiện 4 nhóm giải pháp trọng tâm của Nghị quyết: Công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; cơ chế chính sách; kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng; phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Các cấp ủy, tổ chức Đảng đã đề ra các biện pháp thực hiện đồng bộ, toàn diện 4 đột phá: Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng và công tác dân vận; tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa cấp ủy với lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác cán bộ. Thông qua những mô hình, cách làm mới trong sinh hoạt Đảng, nhiều cấp ủy Đảng đã mở rộng các hình thức thảo luận, bàn bạc, trao đổi các vấn đề thuộc phạm vi lãnh đạo của chi bộ mình, trước khi đưa ra kế hoạch, nghị quyết triển khai thực hiện.
Đặt lên hàng đầu nhóm giải pháp “Công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình”, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể (tổ chức đảng, đảng viên), các tổ chức đảng đã và đang tập trung đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình; phát huy vai trò trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị...
Để phát huy trí tuệ và dân chủ hóa trong sinh hoạt Đảng, đưa nội dung thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vào sinh hoạt chi bộ một cách thiết thực và có hiệu quả, ngày 22/3/2017 Tỉnh ủy Quảng Trị ban hành kế hoạch số 47-KH/TU, về tổ chức diễn đàn với chủ đề: “Vai trò của chi bộ Đảng trong việc giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” trong nội bộ”. Diễn đàn là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong Đảng bộ, thông qua đó, mỗi cán bộ, đảng viên nghiên cứu, trao đổi, thảo luận và tự liên hệ, hướng đến chi bộ thống nhất đề ra các giải pháp thực hiện nhằm tăng cường giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên, góp phần phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo tinh thần Nghị quyết TW4, khóa XII. Đây là một cách làm mới của Tỉnh ủy Quảng Trị trong thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết TW4, khóa XII.
Trong 5 nội dung thực hiện tại diễn đàn sinh hoạt, nội dung mấu chốt, quan trọng và cũng có thể là khó nhất là nội dung đảng viên thảo luận, liên hệ với 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống, 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà Nghị quyết TW4 đã chỉ rõ. Vì nếu có liên hệ sát đúng với thực trạng tình hình của tổ chức Đảng, của mỗi đảng viên, chi bộ mới có thể đề ra các giải pháp, biện pháp khắc phục một cách có hiệu quả trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” trong nội bộ.
Muốn vậy, mỗi chi bộ phải tạo cơ sở cho mỗi đảng viên suy ngẫm và hành động; tự soi, tự sửa, tự phê bình và phê bình, kiểm điểm đánh giá cá nhân, góp ý cho người khác, đưa việc phê bình và tự phê bình vào việc làm thường xuyên. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tự phê bình và phê bình trong Đảng như việc “rửa mặt hằng ngày”. Tự phê bình là tự giác soi mình trong cuộc sống, trong công việc hàng ngày. Từng đảng viên tự chiêm nghiệm xem trong 27 biểu hiện mà Nghị quyết đã chỉ ra có rơi vào trường hợp của mình trong đó không. Đối với góp ý, phê bình là không nể nang, né tránh, sợ sệt và không có vùng cấm. Thái độ phê bình phải thẳng thắn, chân thành, như Bác Hồ đã dạy: “Hiểu chủ nghĩa Mác – Lê-nin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác – Lê-nin được”. Nhớ lại thời trước đây, đảng viên ai cũng mong cho đến kỳ sinh hoạt chi bộ, đến đó vui như về với nhà của mình, ấm áp, thân tình, sinh hoạt sẽ được lắng nghe, ghi chép từng lời đồng chí mình góp ý, phê bình, giúp đỡ cho mình mau tiến bộ. Sinh hoạt chi bộ thực sự bổ ích cho đảng viên.
Để Diễn đàn sinh hoạt có chất lượng, phần thảo luận, liên hệ với 27 biểu hiện cần tránh tư tưởng cho rằng, những biểu hiện đó là ở nơi khác, người khác chứ không có trong nội bộ mình, bản thân mình, dẫn đến chủ quan, giản đơn trong xem xét, đánh giá tình hình chi bộ, chất lượng cán bộ, đảng viên. Những gì cần góp ý, cán bộ, đảng viên nào có dấu hiệu sai phạm phải có cam kết để sửa chữa và nêu rõ bằng biên bản để giám sát việc cam kết khắc phục. Lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, sự hài lòng của nhân dân làm căn cứ đánh giá cán bộ, đảng viên.
Từ những nội dung tại diễn đàn chi bộ, như cung cấp thông tin về bối cảnh tình hình của đất nước, địa phương, những thời cơ thách thức; quán triệt 10 nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng Đảng được nêu trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; nêu 27 biểu hiện đã được Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 4, khóa XII nhận diện để đảng viên thảo luận, trao đổi và liên hệ với tình hình chung trong chi bộ của mình, Chi bộ cần thống nhất đề ra các giải pháp sát đúng, lựa chọn mô hình hay nhằm tăng cường công tác giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời, có những kiến nghị, đề xuất với cấp ủy cấp trên nhằm tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả.
Tăng cường giáo dục, quản lý đảng viên là nội dung, biện pháp cơ bản, quan trọng trong công tác xây dựng đội ngũ đảng viên, góp phần phòng chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” trong nội bộ. Để diễn đàn đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, trước hết mỗi chi ủy cần xây dựng kế hoạch, kịch bản từng bước thật cụ thể, chi tiết để đ/c Bí thư chi bộ- chủ trì hội nghị chủ động, linh hoạt điều hành trong các tình huống diễn ra tại Diễn đàn.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng. Công tác tuyên truyền tập trung phản ánh những cách làm hay, kinh nghiệm quý, rút ra những bài học bổ ích, qua đó để cổ vũ, nhân rộng những mô hình điển hình, tạo sức lan tỏa trong xã hội, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết TW4, khóa XII về tăng cương xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay./
Từ Quang Hóa