Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo - cơ hội quy tụ lan toả 

(Chinhphu.vn) – Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam năm 2019 tổ chức vào ngày 10/6 tại Hà Nội là sự kiện đầu tiên tại Việt Nam với sự hiện diện của lãnh đạo hầu hết các quỹ trên thế giới tham gia kết nối trao đổi về các xu hướng phát triển mới, đồng thời đưa ra các cam kết tài trợ cụ thể.

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP/Huy Thắng.

Xung quanh vấn đề đổi mới sáng tạo, hỗ trợ startup (các công ty khởi nghiệp với các ý tưởng sáng tạo), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có một số chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ về các công việc đang triển khai.

 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện đang triển khai nhiều nội dung liên quan đến đổi mới như: Mạng lưới đổi mới sáng tạo, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, xin Bộ trưởng chia sẻ thêm về những hoạt động này?

 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Trước hết, chúng ta đang chứng kiến thế giới thay đổi nhanh chóng, các nước đang ra sức thúc đẩy công nghệ, tiến xa trong việc đổi mới sáng tạo.

 

Chủ trương của Đảng và Nhà nước là Việt Nam cần cải cách nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả sức cạnh tranh nền kinh tế, từ đó thu hẹp khoảng cách với các nước để vượt qua bẫy thu nhập trung bình…

 

Tôi cho rằng, muốn thực hiện cải cách, có 4 trụ cột chính phải đạt được đó là: Nguồn nhân lực; vốn; hạ tầng công nghệ; các bệ đỡ là trung tâm đổi mới sáng tạo chuyên nghiệp.

 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang làm một số việc cụ thể. Thứ nhất, chúng tôi đã xây dựng dự thảo chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), hiện đang đến giai đoạn cuối cùng, tổng hợp các ý kiến bộ ngành. Thứ hai, chúng tôi đang phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo. Hiện tại, ở Việt Nam các cơ sở hỗ trợ DN, các khu làm việc chung hiện tại quy mô đang còn manh mún, chưa đồng bộ, thể chế chưa thuận lợi.

 

Để giải quyết vấn đề, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia ra đời sẽ có quy mô lớn, phát huy đầy đủ vai trò bệ đỡ cũng như kết nối. Dự kiến, nếu nguồn lực thuận lợi, trung tâm này có thể khánh thành vào cuối năm 2020. Về thể chế, chúng tôi dự kiến sẽ báo cáo Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù vượt trội đối với trung tâm đổi mới sáng tạo.

 

Thứ ba, chúng tôi phối hợp xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ các DN công nghệ, sáng tạo. Chính phủ Việt Nam đặc biệt coi trọng việc tạo điều kiện, tạo một hệ sinh thái, môi trường tốt để cộng đồng doanh nghiệp công nghệ phát triển.

 

Tôi cho rằng, trước mắt cần quy tụ ngay các chuyên gia công nghệ, các nhà khoa học các nước công nghiệp phát triển, đang làm việc ở các tập đoàn, cơ sở nghiên cứu trên thế giới, đó là mạng lưới đổi mới sáng tạo.

 

Trong dài hạn, chúng tôi sẽ phối hợp tổ chức đào tạo nhiều hơn trong từng lĩnh vực chuyên ngành 4.0, đào tạo bài bản lên tới cấp sau đại học.

 

Cuối cùng, về vốn, sự góp mặt các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đổi mới sáng tạo toàn cầu sẽ hỗ trợ cho các DN dtartup (đặc biệt về công nghệ) hiện thực hoá các ý tưởng có tính khả thi cao.

 

Hiện nay, có thực tế là thu hút FDI dù đang đạt số vốn kỷ lục nhưng còn nhiều vấn đề cần bàn về chất lượng, hiệu quả chuyển giao công nghệ. Vậy thời gian tới những nút thắt này sẽ được giải quyết thế nào thưa Bộ trưởng?

 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Trong tổng kết đánh giá 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể thấy, FDI có nhiều đóng góp như thu ngân sách, tạo việc làm, nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu...  Tuy vậy, cần phải thừa nhận rằng vẫn có những mặt hạn chế, trong đó có vấn đề về thu hút công nghệ.

 

Sắp tới, Chính phủ sẽ báo cáo với Bộ Chính trị một Nghị quyết về thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng khuyến khích thu hút nhưng phải có chọn lọc, có chất lượng, chỉ ưu tiên dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng cao…

 

Theo tôi, việc kết nối các quỹ đầu tư mạo hiểm (hỗ trợ chủ yếu là DN khởi nghiệp công nghệ) trong khuôn khổ sự kiện lần tới là một trong những việc cụ thể, hiện thực hoá chủ trương Đảng và Nhà nước trong việc đổi mới nền kinh tế, mô hình tăng trưởng, theo hướng nâng cao chất lượng đầu tư.

 

Về mặt thể chế, Chính phủ đã nỗ lực và đang có nhiều hành động cụ thể để tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho các quỹ đầu tư mạo hiểm yên tâm hoạt động tại Việt Nam. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có quy định về hoạt động của quỹ đầu tư mạo hiểm. Với những quy định pháp luật và chính sách thiết thực như vậy, chắc chắn các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ tìm thấy một môi trường kinh doanh thuận lợi, rõ ràng và ổn định ở Việt Nam.

 

Bộ trưởng đã nói về tầm quan trọng của việc gỡ nút thắt vốn cho hoạt động khởi nghiệpXin Bộ trưởng cho biết hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm hiện có thực trạng thế nào, cần phải làm gì để cải thiện?

 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Năm 2018 ước tính Việt Nam có hơn 3000 startup, được cho là lớn thứ 3 ở châu Á. Lượng vốn đầu tư vào các startup cũng tăng cao trong các năm gần đây. Chỉ trong 3 năm gần đây, vốn đầu tư cho startup ở Việt Nam tăng khá nhanh. Năm 2018 vốn đầu tư cho startup là 889 triệu USD gấp 3 lần 2017, 5 lần năm 2016. Như vậy, có thể thấy tốc độ tăng vốn đầu tư trong 3 năm qua khá nhanh…

 

Chính phủ Việt Nam coi đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu trong thời gian tới. Các cơ quan quản lý của Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các chính sách khuyến khích, cải cách thể chế về đầu tư mạo hiểm để các dòng vốn đầu tư mạo hiểm có thể tìm đến các startup một cách thuận lợi nhất.

 

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, mục tiêu là tăng cường mối liên kết các doanh nghiệp khoa học công nghệ, các quỹ đầu tư, các nhà tư vấn, trường, viện nghiên cứu.  

 

Hơn nữa, trên thế giới đang xuất hiện một làn sóng đầu tư kiểu mới, đó là đầu tư mạo hiểm hướng tới các doanh nghiệp công nghệ, nhất là ở các thị trường có nhiều tiềm năng, cơ hội tăng trưởng. Tận dụng xu thế này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tiếp xúc, trao đổi với các quỹ đầu tư quốc tế, đối thoại với họ để thu hút đầu tư vào Việt Nam. Nhìn chung cộng đồng các quỹ đầu tư quốc tế rất quan tâm đến thị trường đổi mới sáng tạo và ủng hộ kết nối với các trung tâm, các startup của Việt Nam để cùng phát triển.

 
 

Dự kiến, sự kiện lần này cũng có sự tham gia của đại diện các tên tuổi lớn của Việt Nam như Viettel, Vingroup… và các tập đoàn lớn khác. Các tập đoàn công nghệ lớn sẽ tham gia là Qalcomm (làm bán dẫn), Siemens, Google… một số việc đang trong quá trình đàm phán kết quả cuối cùng.  Ngay trong sự kiện sắp tới, ban tổ chức và một số quỹ đầu tư công bố các cam kết cụ thể số vốn hỗ trợ các dự án có ý tưởng tốt, có tính khả thi, có thể thương mại hoá..

 

Huy Thắng (thực hiện)

316 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 940
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 940
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87116797