Diễn đàn Kinh tế-xã hội Việt Nam 2022: Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững 

(Chinhphu.vn) - Sáng 15/9, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan chủ trì, phối hợp tổ chức họp báo trong nước và quốc tế về chương trình "Diễn đàn Kinh tế-xã hội Việt Nam 2022: Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”.
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022: Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững   - Ảnh 1.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại họp báo về diễn đàn - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Trên cơ sở thành công của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 vào tháng 12/2021, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tiếp tục phối hợp tổ chức diễn đàn với tên gọi mới là Diễn Kinh tế-xã hội Việt Nam 2022, có chủ đề "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững".

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Mạnh Hùng, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 đã tập hợp, bổ sung các luận cứ khoa học, thực tiễn giúp Chính phủ, Quốc hội đưa ra các quyết sách quan trọng nhằm phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023. Cho đến nay, các chính sách đã từng bước đi vào cuộc sống, vừa có tác động trước mắt, vừa có tác động lâu dài và nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của dư luận trong nước cũng như quốc tế.

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời tạo tiền đề để "bứt phá" thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. 

Tuy nhiên, theo dự báo của các tổ chức trong nước và quốc tế, giai đoạn sắp tới, kinh tế-xã hội Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro về ổn định vĩ mô, các cân đối lớn, nhất là về điện, xăng dầu; áp lực lạm phát tăng cao cộng hưởng với sự gia tăng giá cả nhập khẩu đầu vào, chi phí vận tải, logistics, nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc, ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine… qua đó, tác động đến đời sống người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp, làm giảm sức chống chịu và phục hồi của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến các chính sách hỗ trợ đã ban hành.

Để đạt các mục tiêu, nhiệm vụ theo các nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết khác của Quốc hội, tiếp nối thành công của diễn đàn năm 2021, Diễn đàn Kinh tế-xã hội Việt Nam năm 2022 dự kiến được tổ chức sẽ bổ sung thêm luận cứ khoa học, thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham vấn các chuyên gia trong và ngoài nước, cùng với bám sát diễn biến, tình hình, từ đó có phân tích, dự báo, kịp thời đề xuất các giải pháp chính sách giảm thiểu tác động tiêu cực, nắm bắt các cơ hội, thời cơ, đặc biệt là đối với chính sách tài khóa, tiền tệ, chính sách an sinh-xã hội... đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững. 

Các ý kiến phát biểu thẳng thắn, khách quan, đa chiều và có cơ sở tại Diễn đàn sẽ là nguồn tư liệu quý để các cơ quan của Đảng, Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu, tham khảo để tham mưu ban hành các chính sách quan trọng trong thời gian tới.

Diễn đàn nhằm tập hợp, tổng hợp các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chuyên sâu hàng đầu trong nước, chuyên gia của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp hiệp hội. Trong đó, tập trung làm rõ bối cảnh quốc tế, xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế, các căng thẳng, xung đột, xu hướng dịch chuyển địa-kinh tế và thách thức mới đối với phục hồi và phát triển kinh tế bền vững…

Diễn đàn cũng tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng năm 2022 và dự báo cả năm 2022. Trao đổi, tham vấn ý kiến về các vấn đề nóng của kinh tế-xã hội trong nước và quốc tế; các vấn đề về thể chế phát triển trong bối cảnh mới; nhận diện rủi ro lạm phát, rủi ro tài chính, tài khóa, tiền tệ; các vấn đề về khoa học công nghệ, giáo dục, lao động, y tế, an sinh xã hội và các chính sách, giải pháp ứng phó.

Diễn đàn cũng sẽ đưa ra các đề xuất, kiến nghị và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và ứng phó với thách thức, vấn đề mới phát sinh, làm rõ các ưu tiên vào một số trọng tâm trong điều hành kinh tế vĩ mô cũng như trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Diễn đàn được chia thành 3 phiên, bao gồm 1 phiên toàn thể và 2 phiên hội thảo chuyên đề, ngày 18/9/2022.

Sau khai mạc diễn đàn vào buổi sáng, các đại biểu sẽ tham 2 hội thảo chuyên đề với 2 chủ đề là "Đẩy mạnh cải cách thể chế - hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội" và "Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững". 

Phiên buổi chiều gồm phiên toàn thể và tọa đàm cấp cao với chủ đề "Củng cố nền kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững". 

Diễn đàn được tổ chức với sự tham gia đồng chủ trì của 4 cơ quan, gồm: Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội sẽ phát biểu khai mạc, tham dự tọa đàm cấp cao và phát biểu kết luận, bế mạc diễn đàn.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị tổ chức Diễn đàn Kinh tế-xã hội 2022 về nội dung, điều kiện chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất. Quy mô của dễn đàn năm nay tầm cỡ hơn so với diễn đàn năm 2021, với khoảng 400 đại biểu tham dự trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị quốc gia và một số chuyên gia, nhà khoa học, chuyên gia ở nước ngoài tham dự theo hình thức trực tuyến. 

Về công tác truyền thông-thông tin, Văn phòng Quốc hội tạo điều kiện tốt nhất cho các phóng viên cơ quan thông tấn báo chí tham gia đưa tin về diễn đàn. 

Phiên khai mạc của diễn đàn sẽ được tường thuật trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Ngoài ra, các phiên thảo luận tại Diễn đàn cũng được Truyền hình Quốc hội Việt Nam livestream trên các nền tảng số.

Lê Sơn

181 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1852
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1852
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 89304251