Diễn đàn Kinh tế 2023 - Cùng doanh nghiệp “vượt sóng” 

(ĐCSVN) – Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh khó khăn, thách thức dịch bệnh vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam càng phải nỗ lực hơn, quyết tâm hơn và đổi mới sáng tạo hơn để phát triển. Các doanh nghiệp cần tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng.

 

 Diễn đàn Kinh tế 2023 - Cùng doanh nghiệp “vượt sóng”

Chiều 17/11, tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan tổ chức Diễn đàn Kinh tế 2023 - Cùng doanh nghiệp “vượt sóng”. Chương trình nhằm phân tích, dự báo tình hình kinh tế năm 2023, đồng thời, đưa ra các khuyến nghị, cùng các doanh nghiệp hoạch định chính sách, chiến lược kinh doanh phù hợp.

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - chia sẻ, khu vực doanh nghiệp đông về số lượng, nhưng quy mô và tiềm lực không mạnh, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Thống kê cho thấy bình quân một tháng có 18,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì có 12,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Nói cách khác, trong nền kinh tế cứ 10 doanh nghiệp gia nhập mới và quay trở lại thì có 7 doanh nghiệp tạm thời hoặc vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường. Điều này phản ánh khu vực doanh nghiệp vẫn bị tổn thương nghiêm trọng trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Long - Phó trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho rằng, trong 2 năm đối mặt với dịch bệnh COVID-19 vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã chống chọi một cách hết sức có hiệu quả. Các doanh nghiệp Việt Nam đã tồn tại, củng cố, phát triển trong khi rất nhiều nền kinh tế lớn mạnh khác còn gặp nhiều khó khăn.

Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những vấn đề về tín dụng, thuế và thị trường bất động sản. Có rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khi các giao dịch bất động sản bị thu hẹp, ảnh hưởng lớn đến tín dụng. Cùng với đó, thị trường chứng khoán với những diễn biến bất thường, chưa ổn định, doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may và một số ngành hàng khác chưa ký được đơn hàng mới cho năm 2023.

Bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng nhìn nhận, trong 2 năm vừa qua, Việt Nam đã duy trì được hình ảnh đất nước không ngừng cải cách. Tuy nhiên, Việt Nam còn nhiều thách thức phải đối mặt trong năm 2023 trong khi bình diện vĩ mô chưa có thêm ý tưởng và động lực mới cho quá trình cải cách.

Mặc dù trong thời gian qua Nhà nước đã có chủ trương và luôn nhấn mạnh mở rộng không gian cho các hoạt động kinh tế mới nhưng nếu không thực hiện cải cách thể chế triệt để và căn cơ sẽ khó để tạo ra sức bật cho doanh nghiệp, cũng như thay đổi về cơ cấu nền kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực lớn của các bộ, ngành, địa phương. Còn bản thân các doanh nghiệp cần sự chủ động vượt khó vươn lên.

Theo Viện trưởng CIEM, trong thời gian tới, cần tiếp tục duy trì cải cách gắn liền phục hồi, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô. Quá trình cải cách phải thực hiện liên tục trong suốt quá trình phục hồi kinh tế. Đồng thời, trong quá trình phục hồi cần xem xét lại vai trò của Nhà nước và không gian cho khu vực tư nhân phát triển nhằm huy động toàn bộ các nguồn lực cho phát triển.

 Bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) 

 Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, các chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam cần tiếp tục tập trung thay đổi cấu trúc kinh tế, cải cách cơ chế làm sao để khối doanh nghiệp tư nhân hấp thụ được nhanh nhất, tốt nhất nguồn vốn hỗ trợ. Mở ra không gian cho các hoạt động kinh tế mới một cách bền vững như kinh tế số bằng cách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kỹ năng lao động gắn với số hóa, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn.

Đồng thời cần cơ chế tạo động lực/áp lực cho doanh nghiệp thực hiện Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đối với lĩnh vực du lịch, cần đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương bên cạnh liên kết giữa chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước; đổi mới mô hình liên kết có sự tham gia đồng hành của doanh nghiệp, vai trò điều phối của cơ quan quản lý nhà nước, dựa vào thế mạnh địa phương gắn với từng nhiệm vụ, sự kiện, dự án cụ thể. Bên cạnh đó, tiếp tục tháo gỡ các nút thắt của môi trường đầu tư, kinh doanh liên quan đến vấn đề đất đai, xây dựng…

Trong khuôn khổ Diễn đàn cũng diễn ra lễ Vinh danh Top 15 Doanh nghiệp niêm yết có năng lực quản trị tài chính tốt 2022, trong chương trình Đánh giá năng lực Doanh nghiệp năm 2022. Theo VCCI, đại dịch COVID-19 đã tác động sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, trong đó có hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khảo sát, đánh giá của chương trình Đánh giá năng lực Doanh nghiệp năm 2022 đã cho thấy vẫn có nhiều doanh nghiệp vượt khó vươn lên và phát triển mạnh mẽ. Bức tranh của nền kinh tế cũng phần nào được phản ánh thông qua đánh giá năng lực của các doanh nghiệp niêm yết thời COVID-19./.

 
Tin, ảnh: Kim Dung
172 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 693
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 693
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87060084