Đó là khẳng định của ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương tại Diễn đàn kinh tế 2020: “Tích luỹ động năng cho chu kỳ tăng trưởng mới”, diễn ra ngày 5/12 tại Hà Nội.
|
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại diễn đàn |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nói về triển vọng kinh tế 2020 tại diễn đàn lớn nhất và gần đây nhất là tại diễn đàn Quốc hội – một bức tranh về kinh tế với những dự báo quan trọng nhất đã được phác hoạ tổng thể nhất. Diễn đàn hôm nay sẽ là góc nhìn từ thực tiễn để phân tích cụ thể, chi tiết hơn.
Chủ tịch VCCI cũng cho biết, trong năm qua Đảng và Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong cải cách thể chế và môi trường kinh doanh. Theo báo cáo mới đây của U.S. News & World Report, Việt Nam đã nhảy vọt từ vị trí 23 năm 2018 lên vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng thuộc mức cao so với các nước Châu Á. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động thì đây là con số rất quan trọng.
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về lạm phát, thâm hụt ngân sách hay quy mô dự trữ ngoại hối đều được cải thiện trong thời gian vừa qua giúp tăng cường sức chống chịu với những cú sốc có thể diễn ra trong tương lai của nền kinh tế Việt Nam.
Chung quan điểm đó, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương khẳng định tầm quan trọng của thể chế với cải cách. Ông Hiếu cho biết, khi doanh nghiệp sản xuất một sản phẩm sẽ "cõng" 5 loại chi phí bao gồm chi phí chính thức, chi phí cơ hội, thủ tục hành chính, chi phí đầu tư, phí lệ phí. Những chi phí này theo ông Hiếu sẽ tạo ra những tác động bất lợi làm méo mó thị trường và làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp bởi nó làm tăng giá thành của sản phẩm. "Tôi lấy ví dụ về chi phí không chính thức, loại chi phí này khiến các doanh nghiệp không thể cạnh tranh bình đẳng vì ai có khả năng chịu chi, ai có quan hệ tốt thì có thể phát triển được”, ông Hiếu nói.
|
Diễn đàn kinh tế 2020: “Tích luỹ động năng cho chu kỳ tăng trưởng mới” |
Theo ông Hiếu, những nỗ lực của Chính phủ để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực kinh doanh của nên kinh tế trong 5 năm gần đây là rất lớn. Chỉ trong vòng 5 năm, Chính phủ đã ban hành liên tục 7 Nghị quyết chuyên đề để cải thiện thể chế, cải cách môi trường kinh doanh và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
“Đây là điều trước nay chưa từng có, trong 5 năm trở lại đây Chính phủ đã có những mục tiêu cụ thể như phấn đấu môi trường kinh doanh bằng mức trung bình ASEAN 4, cũng chưa bao giờ VCCI và CIEM lại có kiến nghị Chính phủ cắt tới cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh hiện có và con số này đã được Chính phủ đồng ý”, ông Hiếu nói.
Về động lực của cải cách trong năm tiếp theo, ông Hiếu cho rằng chúng ta phải nhìn vào kết quả đã đạt được để tìm động lực mới. So với năm 2018 thì các chỉ số năm 2019 đều cao, môi trường kinh doanh không bị xấu đi, trong bảng xếp hạng của Ngân hàng thế giới có những chỉ số cao hơn có cái tốt hơn.
Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng so với năm 2014 thì còn nhiều điều phải suy nghĩ. “Các cải cách được ngân hàng thế giới ghi nhận ngày càng ít đi”. Ông Hiếu cũng nhấn mạnh "doanh nghiệp mới là thước đo cuối cùng của cải cách - Có những cải cách được bộ ngành công nhận nhưng lại chưa được doanh nghiệp công nhận”.
Theo ông Hiếu, đất đai, thuế, phí, bảo hiểm xã hội chính là những lĩnh vực mà doanh nghiệp gặp phiền hà nhiều nhất. Về động lực cho cải cách trong thời gian tới, ông Hiếu cho rằng cải cách sẽ rất khó thành công nếu chỉ xuất phát từ Chính phủ. "Đã đến lúc chúng ta cần một cơ quan độc lập để giám sát và nâng cao chất lượng thể chế. Tôi cho rằng nếu để bộ ngành tự chủ động cải cách, đề xuất bộ đánh giá tác động thì quá trình cải cách không hiệu quả. Do đó, một cơ quan giám sát thực thi mới là động lực của cải cách”, ông Hiếu đề xuất./.
Tin, ảnh: Kim Dung