Diễn đàn giáo dục Việt Nam 2017. Ảnh: VA
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: Trong hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục phổ thông có vai trò giáo dục toàn diện nhân cách, cung cấp học vấn phổ thông với khối lượng và mức độ sâu rộng cần thiết cho con người để tham gia vào đời sống xã hội. Giáo dục phổ thông là nền tảng để đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay, Báo cáo phân tích ngành Giáo dục giai đoạn 2011 – 2015, tập trung vào giáo dục phổ thông với 3 nội dung chính là: tiếp cận giáo dục; kết quả học tập của học sinh phổ thông; đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục phổ thông giai đoạn 2011-2015.
Từ kết quả phân tích ngành giáo dục Việt Nam, một số kiến nghị chính được đưa ra, bao gồm: tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, đặc biệt là các đối tượng thiệt thòi, trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo…. Thông qua tăng cường cơ sở vật chất nhà trường, đa dạng hóa các hình thức giáo dục và khuyến khích sự tham gia cung cấp dịch vụ giáo dục từ các thể chế ngoài nhà nước; Đổi mới giáo dục phổ thông, trong đó chú trọng đặc biệt tới đổi mới chương trình theo định hướng phát triển năng lực, phù hợp với nhu cầu thị trường và đẩy mạnh phân luồng và hướng nghiệp, đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học; Đổi mới quản lý giáo dục, đặc biệt đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo nhằm huy động nguồn lực và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong phát triển giáo dục.
“Kết quả phân tích ngành có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh toàn Ngành đang thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn giáo dục, PGS.TS Trần Thị Thái Hà, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày Báo cáo Phân tích ngành giáo dục phổ thông giai đoạn 2011-2015. Theo Báo cáo này, tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi có xu hướng gia tăng ở cả 3 cấp học. Kế hoạch đặt ra trong Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 là “đến năm 2020, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 99%, THCS là 95%”.
Theo số liệu thực tế, tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi năm học 2014 – 2015 ở cấp tiểu học là 98,69%, cấp THCS là 90,89%. Ở bậc tiểu học, số liệu này đã tiệm cận với kế hoạch đặt ra trong Chiến lược phát triển giáo dục, có thể đạt được trong giai đoạn 2016 – 2020.
Tỷ lệ lưu ban và bỏ học có xu hướng giảm ở các cấp học, nhưng có sự khác biệt giữa các vùng miền. Nhìn chung, các vùng có điều kiện kinh tế kém phát triển hơn thì có tỷ lệ học sinh bỏ học cao hơn. Trong cả nước, vùng Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ bỏ học ở cả 3 cấp học thấp nhất; tỷ lệ này cao nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Về vấn đề bình đẳng giới trong giáo dục đã được quan tâm. Phần lớn trẻ em trong độ tuổi tiểu học đang đi học không có sự chênh lệch về giới. Tuy nhiên càng lên cấp học cao hơn thì tỷ lệ nữ đi học càng cao hơn so với nam.
Cũng theo Báo cáo phân tích, đối với tiếp cận giáo dục của học sinh khuyết tật, mặc dù Việt Nam đã rất tích cực trong việc ban hành khung pháp lý để tạo điều kiện phát triển và bảo vệ người khuyết tật, nhưng trên thực tế trẻ em khuyết tật vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận giáo dục.
Số lượng trẻ khuyết tật đến trường tăng lên hàng năm, nhưng mục tiêu huy động 70% trẻ em khuyết tật đến trường trong Chiến lược phát triển giáo dục có thể vẫn khó thực hiện được.
Nhìn chung, học sinh khuyết tật trí tuệ được đánh giá là có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy học trong lớp và cần có biện pháp giáo dục phù hợp với nhóm học sinh này./.
Mỹ Anh