|
Các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng thảo luận và đề xuất các giải pháp đổi mới Chính phủ bền vững. Ảnh: VGP/Thu Cúc |
Trong 2 ngày 6-7/9, Học viện Hành chính Quốc gia và Trung tâm Chính sách công OECD – Hàn Quốc phối hợp tổ chức Diễn đàn Quản trị nhà nước Châu Á với chủ đề: Đổi mới chính phủ vì sự phát triển bền vững: Hướng tới xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ.
Các đại biểu là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý từ nhiều quốc gia đã cùng thảo luận về các vấn đề trọng tâm liên quan đến Chính phủ của các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương như: Nguyên tắc, nội dung, yêu cầu đổi mới Chính phủ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; Mô hình đổi mới tổ chức Chính phủ, sứ mệnh của Chính phủ trong bảo đảm sự phát triển bền vững của quốc gia; Cơ chế, phương thức vận hành của Chính phủ để hướng tới đáp ứng yêu cầu liêm chính, kiến tạo, phục vụ; Chia sẻ những kinh nghiệm đổi mới Chính phủ ở các quốc gia; Đề xuất các giải pháp để đổi mới Chính phủ bền vững.
Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia Đặng Xuân Hoan cho rằng, việc có được các quyết sách phù hợp, trên cơ sở các luận cứ, luận chứng khoa học, thuyết phục, để tận dụng thời cơ và biến các thách thức thành lợi thế phát triển là vấn đề đang được đặt ra một cách cấp bách, một câu hỏi lớn đối với nhiều Chính phủ trong quản trị quốc gia. Việc tìm kiếm con đường phát triển riêng, những định hướng đổi mới Chính phủ phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay không thể tách rời với việc nghiên cứu mối quan hệ giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội và phát triển môi trường, mô hình quản trị Nhà nước hiện đại để từ đó xác định rõ những động lực phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Ông Đặng Xuân Hoan phân tích, nếu như trước đây có thể lấy tài nguyên thiên nhiên, giá nhân công rẻ, thị trường lớn… để làm lợi thế cạnh tranh thì khi hội nhập quốc tế các nhân tố đó khó tạo nên sự khác biệt. Thể chế phát triển của mỗi quốc gia cần tính đến các yếu tố tăng trưởng và phát triển của giai đoạn mới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thể chế cần mở đường cho các nỗ lực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đặt trọng tâm vào việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Tại diễn đàn, các diễn giả đã chỉ rõ 5 thách thức cụ thể khi đổi mới Chính phủ. Thứ nhất là thách thức về đổi mới tư duy từ nền hành chính “bao cấp” sang hành chính “phục vụ”. Thứ hai là thách thức trước yêu cầu hiện đại hóa nên hành chính dưới tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Thứ ba là thách thức từ đòi hỏi dân chủ hóa đời sống xã hội. Thứ tư là thách thức về nguồn lực tài chính công cho hoạt động của bộ máy. Thứ năm là đạo đức công vụ và văn hóa giao tiếp ứng xử của đôi ngũ công chức, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu.
Nhấn mạnh về vấn đề nguồn nhân lực, các chuyên gia đã chỉ ra mấu chốt trong việc xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ là có đội ngũ công chức có năng lực, có tinh thần liêm chính, trách nhiệm, sáng tạo.
Chính vì vậy, cần có định hướng trong công tác đào tạo bồi dưỡng để xây dựng và phát triển một đội ngũ lãnh đạo, chuyên gia hoạch định chiến lược, chính sách tài giỏi, linh hoạt. Đồng thời, gắn đào tạo bồi dưỡng về kiến thức với việc áp dụng kiến thức, trau dồi kỹ năng trên thực tế.
Chia sẻ về kinh nghiệm đổi mới Chính phủ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đổi mới, Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc Hunbum Jang cho biết, Chính phủ đưa ra tầm nhìn hiện thực hóa Chính phủ của người dân và đặt mục tiêu thúc đẩy lợi ích công thông qua sự tham gia của công dân và xây dựng niềm tin. Để Chính phủ hướng tới các giá trị công cần cải cách hệ thống tài chính để theo đổi các giá trị công; xây dựng hệ thống đánh giá nhân sự, tổ chức; hợp tác với công dân để xây dựng các chính sách đáp ứng nhu cầu của người dân; theo đổi xây dựng một chính phủ mở; hành động hướng tới một nền công vụ công bằng và minh bạch, đáp ứng mong đợi của công dân.
Ngày mai (7/9) các diễn giả sẽ tiếp tục thảo luận đổi mới Chính phủ trong kỷ nguyên số, phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới hoạt động minh bạch, hiệu lực, hiệu quả./.
Thu Cúc