|
Ảnh: VGP/Thu Cúc |
Sáng 18/6, tại TPHCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành tổ chức Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long 2019: Từ chính sách đến thực hiện. Đây là Diễn đàn trước thềm Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ và phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Diễn đàn có 4 phiên chuyên đề gồm: Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng ĐBSCL do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì; Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì; Giải pháp phát triển hệ thống giáo thông và cơ sở hạ tầng nhà ở phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL do Bộ Giao thông vận tải chủ trì; Công tác quy hoạch, cơ chế điều phối vùng và thu hút vốn đầu tư cho ĐBSCL.
Tại Diễn đàn, các địa phương cũng trình bày các kết quả đạt được sau 2 năm triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP và thông tin về các hoạt động đang triển khai, kế hoạch trong thời gian tới. Các đối tác phát triển cũng trình bày về vai trò tham gia, hỗ trợ triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP.
Đầu tư trọng tâm, trong điểm ứng phó sụt lún, sạt lở
Về vấn đề cấp bách, ảnh hướng đến sự “sống còn” của ĐBSCL là quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở đang ngày các phức tạp và khó kiểm soát, ngoài các giải pháp cụ thể, các đại biểu cũng thảo luận và đề xuất các mô hình canh tác phù hợp cho từng vùng, từng địa phương; mô hình dự báo tình hình sụt lún, sạt lở; giải pháp trữ nước cho ĐBSCL; giải pháp trữ mưa, bổ cập cho các nguồn nước dưới đất; mô hình tưới tiết kiệm… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ chọn một số nơi thí điểm để xây dựng hệ thống công trình điều tiết, cấp nước ngọt, nước mặn cho sản xuất một cách chủ động (như vùng sản xuất lúa - tôm ) để làm cơ sở nhân rộng cho toàn vùng.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đẩy mạnh triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu vùng ĐBSCL tích hợp dữ liệu tài nguyên và môi trường của khu vực phục vụ phân tích, đánh giá và hỗ trợ ra quyết định về phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu. Đồng thời, cập nhật các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho vùng ĐBSCL (hoàn thành năm 2020); đánh giá tác động tổng thể của phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mekong đến ĐBSCL và giải pháp ứng phó.
Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương tích cực tăng cường các giải pháp huy động đa dạng nguồn vốn cho các giải pháp công trình, phi công trình nhằm phát triển bền vững đồng bằng. Đề xuất cơ chế phù hợp để huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân vào các hoạt động di dời dân khỏi các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất dọc bờ sông, bờ biển và đầu tư các công trình, giải pháp phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển.
Tại Diễn đàn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, các bộ ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh trong vùng để xây dựng Đề án Tăng cường các biện pháp ứng phó với tình trạng sụt lún đất và sạt lở bờ sông, bờ biển nhằm tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện đồng bộ các giải pháp liên vùng.
Quý III/2020 hoàn thành quy hoạch toàn vùng ĐBSCL
Theo kết quả rà soát và tổng hợp, hiện nay đã có 2.538 quy hoạch được lập cho vùng ĐBSCL (trong đó cấp vùng có 10 quy hoạch) với kinh phí khoảng 837 tỷ đồng, bao gồm 4 nhóm quy hoạch chính: quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu; quy hoạch xây dựng, đô thị, nông thôn; quy hoạch sử dụng đất, tài nguyên.
Tuy nhiên, theo khảo sát và đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các quy hoạch này hiện đang chồng chéo, không phát huy hiệu quả. Hiện, Bộ đang phối hợp với các đơn vị xây dựng Quy hoạch vùng ĐSBCL giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050 theo phương pháp tích hợp đa ngành. Quy hoạch vùng ĐBSCL mới sẽ tạo ra một khung chiến lược toàn diện cho vùng ĐBSCL, làm cơ sở để triển khai các chương trình, dự án đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng sản xuất cũng như việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở phát huy những tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL trong điều kiện BĐKH, xâm nhập mặn để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.
Dự kiến quy hoạch sẽ hoàn thành trong quý III/2020, trong đó tập trung một số nội dung cần quy hoạch phát triển kinh tế theo hướng như sau:
Phát triển nông nghiệp theo 2 mục tiêu: Thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu, sử dụng đất và nước một cách bền vững trong tương lai; Trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của vùng ĐBSCL, hỗ trợ các ngành công nghiệp và dịch vụ dựa trên kinh doanh nông nghiệp để tăng trưởng bền vững.
Phát triển vận tải và logistics phù hợp quy hoạch tích hợp vùng: Chuyển dịch từ vận tải đường bộ sang đường thủy; Nâng cấp mạng lưới vận tải thủy giữa vùng ĐBSCL với TPHCM; Phát triển các trung tâm logistics (có thể kết hợp với các trung tâm vệ tinh) để tập trung, thu gom hàng hóa, hỗ trợ vận tải đa phương thức và cung cấp các dịch vụ gia tăng; Có cơ chế, chính sách khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực vận tải và logistics; Nâng cấp đoàn phương tiện vận tải thủy nội địa - tăng công suất về độ sâu để tăng tính cạnh tranh với vận tải đường bộ.
Ứng phó với biến đổi khí hậu và tài nguyên nước: Quy hoạch tổng hợp thiên tai, đất và nước; Chuyển đổi nông nghiệp và thủy sản; Mở rộng rừng ngập mặn; Thay thế nhà máy nhiệt điện với nhà máy nhiệt điện khí và năng lượng tái tạo; Nhà máy điện gió gần bờ với công trình bảo vệ bờ biển; Nhà máy điện mặt trời với nông nghiệp và thủy sản; Các khu công nghiệp với năng lượng tái tạo; Điều chỉnh tiêu chuẩn công trình, xây dựng.
Thu Cúc