Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có những ý kiến nghi ngại về một viễn cảnh không mấy khả quan của thị trường trong 2020, đặc biệt là trong bối cảnh cuối năm 2019 thị trường bất động sản vẫn có sự “sốt nóng” cục bộ tại một số dự án, khu vực và địa phương trên cả nước, thậm chí có một số dự án bị đẩy lên cao bất thường. Thị trường đang đối mặt với nguồn cung khá lớn, nhưng giá vẫn ở mức khá cao.
Thậm chí, một số ý kiến còn cho rằng sẽ có “bong bóng BĐS” trong 2020, cùng với đó là lo ngại về rủi ro tín dụng. Vậy các ngân hàng nhìn nhận về vấn đề này thế nào? Các chính sách về tín dụng cho lĩnh vực bất động sản có gì thay đổi trong tương lai gần hay không?
Bên cạnh đó, nguồn vốn ngoại vẫn đang tiếp tục “ồ ạt” vào Việt Nam. Đây là nguồn lực đầu tư tài chính rất quan trọng vào thị trường BĐS. Việc tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài có những ưu thế về kinh nghiệm thị trường, với chuẩn mực quốc tế, sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm trên thị trường BĐS Việt Nam, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Mặc dù vậy, thị trường BĐS gắn với đất đai, các vấn đề xã hội, nên việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp vào thị trường đến đâu để giảm thiểu các yếu tố rủi ro, bất lợi lại không cản trở thị trường cũng là vấn đề đã và đang được đặt ra trong thời gian gần đây.
Ngoài ra, những thay đổi trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, các công cụ thuế … đang được Quốc hội bàn thảo cũng sẽ ảnh hưởng tới thị trường BĐS trong thời gian tới.
Liệu diễn biến thị trường trong năm 2020 sẽ đi theo hướng nào, nhà đầu tư có nên tiếp tục rót tiền vào BĐS hay không đang là một câu hỏi cần được tham khảo ý kiến từ các chuyên gia, nhà quản lý và chính những doanh nghiệp trong cuộc.
|
Diễn đàn thu hút đông đại biểu tham gia (Ảnh: HNV) |
Để tăng cường kênh thông tin truyền thông rộng mở, khách quan xung quanh những vấn đề trên, Thời báo Kinh tế Việt Nam đã chủ trì, tổ chức Diễn đàn BĐS với chủ đề: “Xu thế dòng tiền vào bất động sản 2020″ diễn ra ngày 19/12 tại Hà Nội.
Tại Diễn đàn, theo các chuyên gia, về nguyên tắc, bất động sản (BĐS) những khu vực nào có người đến đông thì BĐS khu vực đó tăng cao. Đồng thời, các chuyên gia cũng đã tham gia thảo luận, dự báo về xu thế dòng tiền của NĐT sẽ thể hiện ở phân khúc BĐS trên thị trường trong năm 2020.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Landora Group cho rằng, về tâm lý chung của thị trường thì các nhà đầu tư (NĐT) luôn muốn đầu tư nhiều nhất vào các kênh shop house đã được cấp phép. Bên cạnh đó, đất nền vẫn sẽ thu hút NĐT bởi số tiền đầu tư bỏ ra ít, trong khi lợi nhuận mang lại khá tốt, đặc biệt ở các dự án đầy đủ hạ tầng và giấy phép.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch câu lạc bộ BĐS Hà Nội nhấn mạnh, bất cứ phân khúc BĐS cũng phục vụ nhu cầu sinh sống của con người. Theo đó, về nguyên tắc BĐS những khu vực nào có người đến đông thì BĐS khu vực đó tăng giá cao. Do đó, nếu CĐT và NĐT phán đoán sai về quy hoạch, lượng người về khu vực làm ăn, giao lưu kết nối sai thì đồng nghĩa với việc đầu tư BĐS ở khu vực đó thất bại.
Theo ông Cường, năm 2019-2020 điểm sáng của thị trường là NĐT nước ngoài ngày càng quan tâm đến BĐS công nghiệp trước bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng. Còn một nghịch lý đang diễn ra trên thị trường là BĐS nhà ở xã hội có một số dự án mở bán đến 15 lần mà vẫn không bán hết, mặc dù nhu cầu trên thị trường còn rất cao.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc thị trường Hà Nội - JLL Việt Nam cho hay, sự phát triển của thị trường vùng ven đô thị lớn như Tp.HCM, Hà Nội là sự phát triển tất yếu, tự nhiên khi mà khu vực nội đô quỹ đất hạn chế. Rất nhiều NĐT và cả người mua thực đi tìm một giải pháp hợp lý ở khu ven, nhất là những đôi vợ chồng trẻ có tích lũy khiêm tốn cũng khó để sở hữu căn nhà trong nội đô.
Trong khi đó, TS Lê Xuân Nghĩa lại khẳng định, tiền vẫn sẽ đổ vào phân khúc condotel trong năm 2020. Vị chuyên gia này nhấn mạnh, condotel là thế mạnh của Việt Nam, về kinh tế nói chung chứ không riêng gì bất động sản. Đây là nơi chi phí đầu tư thấp hơn khu đô thị nhưng tốc độ tăng giá sẽ nhanh hơn. Đây được xem là về lâu dài thì condotel là tiềm năng cuối cùng của bất động sản Việt Nam cho nên dù hiện tại có những trục trặc về pháp lý nhưng các nhà đầu tư lớn thì cần phải chọn kênh này để đầu tư.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng việc kiểm soát tài chính với thị trường BĐS phải thận trọng, không được làm đóng băng để tạo điều kiện cho thị trường này phải phát triển ổn định, dài hạn. Cũng theo ông Nghĩa, một nghiên cứu khác cho thấy nếu tính độ mở của nền kinh tế, so với Mỹ là 14%, Trung Quốc 19%, Đức 43%, Việt Nam cao nhất thế gới với 78%. Do đó không có ngành hàng công nghiệp nào có thể cạnh tranh được với các đối thủ từ bên ngoài. Năm 2020, đánh giá các tác động tới thị trường BĐS, ông Nghĩa cho rằng điểm tích cực là nền kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu có thể phục hồi. Cũng theo vị này, đầu tư của Chính phủ, đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế tư nhân vào BĐS cũng có xu hướng tăng. Điều này là một tín hiệu tích cực cho thị trường trong thời gian tới. Ngoài ra, đầu tư của tư nhân cũng có tác động mạnh tới thị trường. Đầu tư của dòng đô thị hoá cũng đang rất mạnh, có thể tạo ra một trào lưu về đô thị hoá mới, bắt đầu từ năm 2017 và dự kiến kéo dài tới 10 năm.
Còn theo ông Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, chuyên gia kinh tế cho rằng, ta đang nhìn nhận hơi thận trọng về xu hướng vốn vào thị trường BĐS hiện nay. Thực tế dòng vốn đang rất tích cực. Theo vị chuyên gia này có 5 dòng vốn trong năm 2019 và năm 2020. Về tín dụng, không phải tín dụng ngân hàng giảm đối với bất động sản mà thực tế theo số liệu 10 tháng 2019 cho vay xây lắp 8.000 tỷ, tăng 8,5%; cho vay bất động sản vẫn tăng 5,5%, cho vay mua nhà, sửa nhà tăng 19,6%. Năm nay, Chính phủ chỉ đạo gộp cho vay bất động sản và vay mua nhà, sửa nhà vào thành cho vay bất động sản như vậy thực tế là tăng 14,5%, cao hơn bình quân cho vay ngân hàng là 67%. Về vốn từ tư nhân, 11 tháng đầu năm có 16 nghìn doanh nghiệp xây lắp thành lập mới, tăng 2%; 7,3 nghìn doanh nghiệp bất động sản thành lập mới, vốn tăng 27,5%. Về vốn FDI, tổng cả hai dòng vốn đăng ký mới và góp vốn 4,8 tỷ USD. Về trái phiếu doanh nghiệp, tổng trái phiếu doanh nghiệp phát hành 11 tháng 237.000 tỷ đồng, tăng 6% cùng kỳ 2018; trong đó doanh nghiệp BĐS là 71.000 tỷ đồng. Đây là mức ấn tượng trong năm qua và là một dòng vốn quan trọng. Các quỹ trong tương lai sẽ phát triển rất tốt. Ta đã được phép thành lập quỹ tín thác đầu tư BĐS, đây là một kênh tiềm năng trong tương lai. Về Fintech, đây cũng có thể là một kênh thu hút vốn cho BĐS vì fintech hiện chủ yếu là thanh toán, nhưng trong tương lai, sẽ có những fintech huy động vốn để đầu tư vào BĐS./.