Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: HV)
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, từ ngày 1/1 - 14/2/2019, bệnh cúm gia cầm xảy ra tại 2 hộ chăn nuôi tại tỉnh Quảng Ngãi và Khánh Hòa. Tổng số gia cầm buộc phải tiêu hủy là 8.875 con.
Ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm A/H5N6, chính quyền và cơ quan chuyên môn của các địa phương đã xử lý, tiêu hủy toàn bộ đàn gà mắc bệnh và thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch, khử trùng tiêu độc.
Cũng trong thời gian trên, dịch bệnh lở mồm long móng xảy ra tại một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu ở lợn chưa được tiêm phòng vắc xin tại một số tỉnh: Lạng Sơn, Yên Bái, Thái Nguyên, Quảng Trị, Kon Tum,...Tổng số gia súc mắc bệnh 757 con lợn, trong đó 679 con lợn đã được tiêu hủy.
Hiện nay, cả nước chỉ còn một số hộ chăn nuôi tại Lạng Sơn, Yên Bái, Thái Nguyên, Kon Tum có lợn mắc bệnh và đã được xử lý, tiêu hủy nhưng chưa qua 21 ngày. Nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh lở mồm long móng rất cao do mầm bệnh lưu hành trong đàn gia súc rất nhiều và có ở hầu khắp các địa phương trong cả nước.
Riêng với bệnh tai xanh ở lợn, từ năm 2017 đến nay, cả nước không xuất hiện dịch bệnh này. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khả năng xuất hiện các ổ dịch nhỏ lẻ trên địa bàn có ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao.
Theo Bộ NN&PTNT, triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, thời gian qua, Bộ đã thành lập 20 đoàn công tác do lãnh đạo Bộ và lãnh đạo Cục Thú y trực tiếp đến các địa phương có dịch bệnh để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc và triển khai phòng, chống dịch bệnh động vật. Riêng với dịch lở mồm long móng, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các công ty nhập khẩu còn khoảng 10 triệu liều vắc xin sẵn sàng cung cấp cho các địa phương phòng, chống dịch. Đồng thời, để góp phần ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm vào Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, các mầm bệnh H5N1, H7N9, dịch tả lợn châu Phi... có nhiều khả năng lây nhiễm vào Việt Nam, trong đó, nguy cơ nhập lậu ở các tuyến biên giới rất cao. Để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm hiệu quả, cần quyết liệt phòng chống dịch bệnh ngay từ đầu năm. Đồng thời, cần đánh giá lại công tác phòng chống dịch bệnh thời gian qua và đưa ra các giải pháp quyết liệt trong thời gian tới.
Trước tình hình dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng bất lợi tới đàn gia súc, gia cầm, Bộ NN&PTNT xác định, đối với cúm gia cầm, tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm, giai đoạn 2019 – 2025”. Thực hiện phân vùng nguy cơ (cấp huyện) để có cơ sở xây dựng các biện pháp và bố trí các nguồn lực tổ chức các hoạt động kiểm soát, phòng chống bệnh cúm gia cầm phù hợp với đặc điểm dịch bệnh và tình hình thực tế tại các địa phương.
Đối với dịch lở mồm long móng, thực hiện giám sát sau tiêm phòng vắc xin theo Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng năm 2018 và các năm tiếp theo. Xác định típ vi rút lở mồm long móng lưu hành và chủng loại vắc xin phù hợp, xây dựng bản đồ dịch tễ để phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Riêng với bệnh tai xanh ở lợn, tiếp tục tổ chức kiểm soát tốt, không để phát sinh ổ dịch tai xanh trên lợn để tạo điều kiện cho chăn nuôi lợn phát triển bền vững./.
BT