“Các anh chính là điểm tựa vững chắc để chúng tôi yên tâm ra khơi, làm ăn sinh sống. Để chúng tôi tự dặn lòng luôn bám biển, sát cánh cùng lực lượng biên phòng gìn giữ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương”- ngư dân Bùi Đình Sành (Tổ trưởng Tổ tàu thuyền an toàn trên biển thị trấn Cửa Việt), xúc động nói về lực lượng Bộ đội biên phòng tuyến biển tỉnh Quảng Trị.
Ông Bùi Đình Sành (Tổ trưởng tổ an toàn trên biển thị trấn Cửa Việt) cùng các chiến sĩ biên phòng ngắm tàu thuyền đang ra khơi
Sát cánh bên dân
Gió xuân nhè nhẹ trong nắng mai ấp áp mặn mòi nơi miền biển, khiến khu phố An Đức 2 (thị trấn Cửa Tùng, tỉnh Quảng Trị) mang dáng vẻ bình yên quá đỗi. Trung tá Nguyễn Văn Khương, cán bộ Đội vận động quần chúng, Đại úy Trần Trọng Huấn, Đội trưởng Đội phòng chống ma túy và tội phạm Đồn Biên phòng Cửa Tùng cùng ông Hoàng Đình Huyến, Trưởng khu phố An Đức 2, nhanh nhẹn rảo bước đến nhà bà Nguyễn Thị Thanh, một phụ nữ nghèo đơn thân nuôi con bệnh tật. Ngôi nhà vừa được sửa lại mái, đóng lại cửa, lát lại sân chắc chắn, khang trang. Vườn tược được làm sạch cỏ, vun luống ngăn nắp, mơn mởn các loại rau màu. Nắm chặt tay những người lính biên phòng, người phụ nữ tuổi ngoài sáu mươi, gương mặt hằn in vất vả, nở nụ cười xúc động, nói những lời cảm ơn tận đáy lòng.
Chồng bà Thanh mất sớm, con trai bệnh tật. Không có công việc ổn định, ai thuê gì làm đó, nên kiếm bữa ăn hàng ngày đã khó. Sửa chữa lại ngôi nhà xuống cấp, dột nát để có thể yên tâm trong những mùa mưa bão đối với bà Thanh chỉ là mơ ước. Và rồi, điều ước đã trở thành hiện thực khi cán bộ chiến sỹ Đồn biên phòng Cửa Tùng phối hợp với chính quyền, các đoàn thể trên địa bàn gop góp yêu thương, giúp cuộc sống mẹ con bà Thanh tốt đẹp hơn. Ngoài sự đóng góp kinh phí của Ủy ban MTTQVN, Hội LHPN thị trấn, Đồn biên phòng Cửa Tùng vận động các đơn vị kết nghĩa trong lực lượng, các mạnh thường quân trên địa bàn, đồng thời bỏ ra hơn 70 ngày công, miệt mài sửa nhà, làm vườn…
Những giọt mồ hôi, những yêu thương đã làm nên điều kỳ diệu, “dệt” nên mùa xuân, niềm tin cho nhiều cuộc đời. Chị Nguyễn Thị Quê (ở thôn Đông Luật, xã Vĩnh Thái), chồng mất sớm, một mình nuôi bốn con, lại đau ốm thường xuyên, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được giúp sửa nhà. Đôi vợ chồng già ở thôn Sơn Hà, xã Vĩnh Thạch, từng hoạt động cách mạng, bị tù đày, được giúp lợp lại mái, sơn lại tường, làm lại nền nhà cho chắc chắn, tinh tươm. Bà Nguyễn Thị Thót ở thôn Mạch Nước, xã Vĩnh Thái, chồng con đều đã mất, được Trung tá Lê Minh Hiếu, cán bộ địa bàn, trích tiền lương hàng tháng hỗ trợ gạo, mì gói… Người phụ nữ già yếu neo đơn ấy đã không ít lần rơi nước mắt, những giọt nước mắt xúc động, hạnh phúc khi nhận sự quan tâm, sẻ chia ấm áp từ tấm lòng “đứa con trai biên phòng”.
Thượng tá Nguyễn Xuân Hòa, Chính trị viên Đồn biên phòng Cửa Tùng bộc bạch rằng, giúp cuộc sống người dân ổn định, phát triển, hạnh phúc là cách lực lượng biên phòng giữ vững bình yên nơi biên cương, biển đảo. Vậy nên cán bộ, chiến sỹ đơn vị đều dốc lòng với mô hình “giúp các hộ nghèo, neo đơn, yếu thế”, mô hình “đảng viên đồn biên phòng phụ trách hộ gia đình khu vực biên giới”. Các anh luôn gần gũi, thấu hiểu từng hoàn cảnh, mỗi tâm tư tình cảm của người dân, mới có thể kịp thời giúp những hoàn cảnh khó khăn, các hộ gia đình có nguy cơ bị tác động bởi tệ nạn xã hội; đồng thời khích lệ những người có uy tín trong cộng đồng để cùng lan tỏa sự hỗ trợ, gắn kết tình cảm quân - dân, chung tay bảo vệ trật tự trị an trên địa bàn, sự bình yên, phát triển của cuộc sống.
Các chiến sĩ Đồn biên phòng Cửa Tùng dạy học cho các cháu trong mô hình “nâng bước em đến trường”
“Từ sâu sát với địa bàn, chúng tôi đã giúp nhiều trẻ em mồ côi được đảm bảo việc học, thông qua mô hình “nâng bước em đến trường” hoặc mô hình “con nuôi đồn biên phòng”. Các cháu không chỉ được hỗ trợ tiền hàng tháng, trích từ đóng góp của cán bộ, chiến sỹ đơn vị, mà còn được những người bố - người lính biên phòng, đến tận nhà chỉ bảo việc học. Năm học 2018 - 2019, cháu Nguyễn Văn Việt (thôn Vinh Luật, xã Vĩnh Thái, là học sinh lớp 3 Trường tiểu học Vĩnh Thái) mồ côi cả bố lẫn mẹ, sống với ông bà ngoại, con nuôi của đồn biên phòng, đoạt giải Nhì cuộc thi Violympic (giải toán qua mạng intenet). Những người bố biên phòng sẽ đồng hành, yêu thương để cháu có một tương lai tốt đẹp”, Thượng tá Nguyễn Xuân Hòa chia sẻ.
Cũng từ sâu sát với địa bàn, Đồn biên phòng Cửa Tùng tham mưu xây dựng mô hình “khu phố không có ma túy tội phạm” tại khu phố An Hòa 1, thị trấn Cửa Tùng, để tuyên truyền, phòng ngừa. Nếu phát hiện những biểu hiện đáng nghi, lực lượng biên phòng sẽ phối hợp với lực lượng công an, các đoàn thể, khu phố trưởng gặp gỡ riêng với gia đình, với đối tượng để tuyên truyền, vận động. Đặc biệt, trong mô hình này phương án chung tay hỗ trợ công ăn việc làm cho những người trót lầm lỡ, giúp họ tránh bị kỳ thị, sớm hoàn lương được chuẩn bị tốt. Mô hình phát huy hiệu quả, hiện đang được nhân rộng tại khu phố An Đức 2, thị trấn Cửa Tùng, góp phần giữ vững trật tự, an ninh trên địa bàn.
Điểm tựa vững chắc
Giữa năm 2019, Đồn biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Việt nhận thông tin, tàu chở hàng Đức Phát 66 của Hải Phòng gặp nạn trên biển. 13 thuyền viên được tàu khác đưa vào Đà Nẵng, tàu Đức Phát 66 với gần 2 nghìn tấn gạo, cám, tổng trị giá hơn 1,6 tỷ đồng, trôi dạt trên vùng biển Quảng Trị, cách bờ biển hơn 40 hải lý.
“Tính mạng các thuyền viên đã được an toàn, nhưng nhất quyết phải đảm bảo cho tài sản của dân, là “mệnh lệnh” đối với những người lính biên phòng. Vậy nên, đơn vị lập tức thông báo cho tàu cá của ngư dân Võ Thức phối hợp với một tàu cá ngư dân khác, đều là thành viên của tổ tàu thuyền an toàn trên biển, đang hoạt động đánh bắt tại vị trí đó, tiếp cận, lai dắt tàu bị nạn vào cảng Cửa Việt. Lực lượng biên phòng tiếp nhận, trông coi, bảo vệ tàu, hàng hóa, đồng thời thông báo tìm chủ tàu. Khi đến nhận lại tài sản, chủ tàu đã dành cho chúng tôi tình cảm tin yêu, xúc động”- Trung tá Nguyễn Công Trình, Đồn trưởng Đồn biên phòng của khẩu cảng Cửa Việt nhớ lại.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Cửa Tùng ghé thăm căn nhà vừa mới xây dựng để tặng cho một Mẹ Việt Nam Anh hùng
Là những người lính biên phòng trấn giữ khu vực biên giới, biển đảo, Trung tá Nguyễn Công Trình và đồng đội luôn sẵn sàng trước những cuộc điện thoại từ biển khơi. Bởi chắc chắn, lúc đó ngư dân cần cứu hộ, cứu nạn, rất cần các anh làm điểm tựa. Vẫn còn mãi trong ký ức của người đồn trưởng, vào một buổi tối đầu năm 2018, tiếng chuông điện thoại như hối thúc. Đầu bên kia, tiếng ngư dân khẩn thiết đứt đoạn, nhòa đi trong gầm gào sóng gió. Con thuyền cá nhỏ bé 20 CV của ngư dân bị chết máy đang trôi dạt trên biển. Đại úy Nguyễn Ngọc Anh, Phó Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt nhận lệnh, chỉ huy lực lượng cứu hộ cứu nạn, gồm 10 cán bộ, chiến sỹ biên phòng và dân quân xã Gio Hải, vượt sóng trong đêm tối, đưa ngư dân và phương tiện vào bờ an toàn.
Khi nhận thông tin một tàu cá của ngư dân tỉnh Nghệ An trong quá trình đánh bắt trên vùng biển thuộc tỉnh Quảng Trị bị cháy, chỉ huy Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt lập tức thông báo cho các tàu cá đang hoạt động tại khu vực đó ứng cứu. Toàn bộ 9 thuyền viên được đưa vào bờ an toàn. Cán bộ, chiến sỹ và quân y đơn vị túc trực chờ đợi ở cảng, tiếp nhận, kiểm tra, theo dõi sức khỏe, động viên tinh thần, đến lúc những người bị nạn đảm bảo ổn định các anh mới yên tâm.
“Không chỉ sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn trên biển, bộ đội biên phòng đứng mũi chịu sào, giúp dân trong thiên tai, bảo lũ. Hàng trăm ngôi nhà được giằng chống. Hàng trăm tàu, thuyền được đưa về nơi neo đậu an toàn. Người dân trên địa bàn được đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản. Các anh chính là điểm tựa vững chắc để chúng tôi yên tâm ra khơi, làm ăn sinh sống. Để chúng tôi tự dặn lòng luôn bám biển, sát cánh cùng lực lượng biên phòng gìn giữ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương”, ngư dân Bùi Đình Sành, Tổ trưởng tổ tàu thuyền an toàn trên biển, xúc động nói.
Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Toàn, Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị: Lực lượng bộ đội biên phòng trên địa bàn toàn tỉnh đã dốc lòng, dốc sức thực hiện nhiều mô hình, chương trình nhân văn như “Mái ấm biên cương”, “Nâng bước em đến trường”, “Thầy thuốc, thầy giáo quân hàm xanh”… sửa chữa, xây dựng nhà ở, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, nâng cao năng suất lao động, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tiếp thêm ý chí để người dân nơi biên cương, biển đảo xa xôi, vươn tới ấm no, hạnh phúc.
Là điểm tựa nơi đầu sóng ngọn gió, năm 2019, các đồn biên phòng tuyến biển trên địa bàn tỉnh đã giúp nhân dân gần 3.200 ngày công, di dời hàng trăm hộ dân “đi qua” thiên tai, bão lũ, cứu hộ cứu nạn gần 10 tàu thuyền, gần 70 người bị nạn trên biển. “Sát cánh bên dân, làm điểm tựa cho dân, chung tay xây dựng cuộc sống phát triển, là cách mà chúng tôi thực hiện tốt nhiệm vụ thiêng liêng của người lính biên phòng, bảo vệ vững chắc bình yên nơi biên cương, biển đảo xa xôi, bảo vệ bình yên cuộc sống”, Thượng tá Nguyễn Xuân Toàn khẳng định.