Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ dạy: Đạo đức cách mạng là cơ sở tạo nên sức mạnh, uy tín của Đảng, người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Thực hiện lời dạy của Người, xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong hơn 91 năm qua, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về đạo đức.
Nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng, đứng trước tình trạng sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên ngày càng biểu hiện rõ hơn; thậm chí có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn. Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn diễn ra nghiêm trọng và xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành; sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước…., Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nghị quyết ra đời phản ánh đúng tâm trạng xã hội, nguyện vọng của nhân dân, cũng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.... Đây là một trong những nghị quyết về xây dựng Đảng được Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo chặt chẽ, cụ thể và rất quyết liệt.
Đến nhiệm kỳ Đại hội XII, cụm từ “Xây dựng Đảng về đạo đức” chính thức được đưa vào văn kiện và khẳng định mục tiêu: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Từ mục tiêu đó, văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng xác định nhiệm vụ cho những năm tiếp theo “Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng… Phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị”[1].
Để cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết đã chỉ ra 09 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống và coi đó “là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”.
Có thể nói, suốt nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đã đặt nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức ngang với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức.
Bước sang nhiệm kỳ Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục kế thừa, bổ sung, hoàn thiện với nhiều nội dung, giải pháp đồng bộ trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức. Đảng ta tiếp tục xác định nhiệm vụ “Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức” nhằm: “Nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng. Tăng cường đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức. Cổ vũ, biểu dương các gương sáng đạo đức, tạo ảnh hưởng sâu rộng trong Đảng và ngoài xã hội”[2].
Như vậy, so với các nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức với các điểm mới nổi bật như:
Thứ nhất, Đại hội XIII đặt ra yêu cầu phải tiếp tục xác định nhất quán quan điểm xây dựng và chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy Đảng. Trong đó trọng tâm là thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Thứ hai, Đại hội XIII đặt ra yêu cầu phải: Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Theo đó phải xây dựng được các chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày.
Thứ ba, Đại hội XIII đặt ra yêu cầu phải: Thực hiện nghiêm hơn nữa các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương về đạo đức. Chức vụ càng cao, càng phải gương mẫu, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bồn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi tiền tài, vật chất, danh vọng[3].
Có thể khẳng định, xây dựng Đảng về đạo đức là vấn đề bức thiết, được Đảng ta thường xuyên chú trọng. Để nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức đạt kết quả tốt nhất, Đảng ta yêu cầu phải gắn liền với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức nhằm kiên trì bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Nhằm làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, để Đảng thực sự xứng đáng trong niềm tin cậy và sự mong đợi của Nhân dân. Châu Minh
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, tr 202-203.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tr 183-184.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tr 184.