Một trong những điều đối lập hẳn với kết quả thi cử với nhiều kết quả cao và điểm đẹp mà dư luận đang quan tâm với nhiều ý kiến cho rằng đó là nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục của nước ta còn chưa cao, nhất là so với mục tiêu chung của Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” đề ra, đó chính là chất  lượng đầu vào của các trường sư phạm quá thấp. Nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng trên?

Thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh năm 2016 - Ảnh: Dân trí

Trước hết phải công nhận rằng, việc đổi mới thi THPT Quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) năm 2017 đã khiến đây là kỳ thi trong lịch sử thi cử nước nhà với phổ điểm cao, nhất là hiện tượng “cơn mưa điểm 10” chưa từng có!

Thêm vào đó là việc thí sinh được thay đổi nguyện  vọng một lần sau khi biết kết quả thi nên các em có thể lựa chọn tổ hợp xét tuyển đại học và cao đẳng có số điểm thi cao hơn so với dự định ban đầu: ví dụ khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển trong hồ sơ từ tháng 4/2017, học sinh dự định thi khối A (Toán, Lý, Hóa) làm nguyện vọng ưu tiên hàng đầu, nhưng sau  khi Bộ GD&ĐT công bố kết quả thi (7/7), điểm 3 môn khối A không cao bằng tổ hợp điểm 3 môn khối A1 (Toán, Lý, Anh), hoặc tổ hợp khối D07 (Toán, Hóa, Anh)…thì thí sinh được quyền thay đổi để nguyện vọng 3 môn thi có điểm cao hơn làm nguyện vọng số 1(15-25/7). Đó là lý do khiến một số trường tốp trên có cơ hội việc làm cao và thu nhập khá ổn định có mức điểm đầu vào cao hơn như: Khối Đại học Y dược; khối Đại học thuộc Quân đội, Công an…Tuy nhiên cũng do phương thức xét tuyển mới thì một số ngành có lượng thí sinh đăng  ký quá đông sau khi biết kết quả thi và điều chỉnh nguyện vọng nên có những thí sinh điểm cao cũng vẫn trượt. Vậy nên mới có hiện tượng 30 điểm vẫn trượt vào Học viện Kỹ thuật Quân sự (chỉ tiêu ít, thí sinh có điểm thi tuyệt đối nhưng lại không có điểm ưu tiên vùng). Và hiện tượng được điểm tuyệt đối vẫn trượt đại học có lẽ cũng là lần đầu tiên trong lịch sử thi cử. Có nhiều khoa trong một số trường có mức điểm xét tuyển cao hơn 3-4 điểm so với năm học 2016 như khoa Quan hệ công chúng thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2016 lấy là 30.5 điểm, năm 2017 là 34 điểm; khoa Quảng cáo năm 2016 là 28.5 điểm, năm 2017 là 32,5…Tuy nhiên cũng có nhiều trường, các khoa có mức điểm xét tuyển thấp hơn, thậm chí một số trường đại học có nhiều ngành không đủ chỉ tiêu xét tuyển nên  phải “mở rộng” điều kiện xét tuyển là xét học bạ mới có thí sinh đăng ký: ví dụ như Đại học Vinh, Đại học Kinh tế Nghệ An… Đấy là chưa nói đến các trường hệ Cao đẳng. Có những trường thuộc khối Kinh tế theo công bố thì điểm điểm đầu vào quy định cao, nhưng có những thí sinh chỉ vừa đủ điểm sàn cũng trúng tuyển như trường Đại học Thương mại Hà Nội, khoa Quốc  tế ngành Tài chính-Ngân hàng có điểm đầu vào là 23 điểm, tuy nhiên vẫn có trường hợp thí sinh chỉ đạt 15.5 điểm vẫn trúng tuyển vào ngành này. Hỏi ra thì được biết là ngoài tiêu chí lấy điểm của kỳ thi chung thì khoa này còn xét tuyển học bạ. Như vậy trong cùng một khoa thì đối tượng và mặt bằng của các thí sinh đã không đồng đều, liệu chất lượng có đảm bảo? Trường Cao đẳng ngành Dược và điều dưỡng của trường Pasteur Hà Nội còn thông báo tuyển sinh chỉ cần thí sinh đỗ tốt nghiệp, sau đó được liên thông lên Đại học và được cấp bằng chính quy…

Câu hỏi đặt ra là tại sao trong sự bất cập đó thì dư luận không nhận định chất lượng tương lai của của các chuyên viên Tài chính hoạch định chính sách tiền tệ và tài khóa của đất nước? Thậm chí không nghi ngờ về khả năng của các Dược sỹ tương lai khi đối tượng chăm sóc của họ chính là sức khỏe con người? Nhưng khi một số trường sư phạm lấy điểm đầu vào thấp thì dư luận lại dậy sóng? Phải chăng bởi “Giáo dục là Quốc sách hàng đầu” và sản phẩm của giáo dục quyết định nhân cách, tương lai, vận mệnh của đất nước nên được xã hội quan tâm hơn chăng?

Quay trở lại vấn đề điểm đầu vào của các trường sư phạm thấp, thậm chí là rất thấp. Bên cạnh một số ngành thuộc các trường Đại học Sư phạm gạo cội vẫn lấy điểm đầu vào ở ngưỡng cao như: Đại học Sư phạm Hà Nội, các khoa Toán, Vật lý, Giáo dục đặc biệt, Giáo dục tiểu học-tiếng Anh, Sư phạm tin học-dạy tin bằng tiếng Anh, Văn học, Lịch sử, Sinh học…dao động từ 23-27 điểm; Đại học Sư phạm Thành phố Hồ chí Minh các khoa cũng lấy dao động từ 19-24 điểm; cá biệt cũng có khoa Giáo dục Tiểu học thuộc Đại học Sư phạm 2 Thái Nguyên lấy 30.5 điểm…thì một số trường chỉ công bố mức điểm chuẩn trúng tuyển vào hệ đào tạo Đại học năm 2017 ở nhiều mã ngành chỉ lấy ở mức điểm sàn 15.5 như: Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa); Đại học Tân Trào (Tuyên Quang), Đại học An Giang, Đại học Tây Nguyên, Đại học Thái Nguyên…còn các trường Cao đẳng Sư phạm thì mức điểm đầu vào còn thấp hơn, thậm chí thấp hơn nhiều so với điểm sàn quy định là 12 điểm. Điển hình như Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh, chỉ cần mỗi môn 3 điểm thí sinh đã trúng tuyển, nhưng giải thích thực trạng đáng buồn này, người đứng đầu nhà trường lại cho rằng đây là cách “giúp” các học sinh bị “sơ suất” nên điểm kém tại kỳ thi THPT quốc gia!

Tại sao lại có thực trạng này? Tại sao Bộ GD&ĐT đã quy định điểm sàn mà các trường vẫn được phép tuyển sinh ở mức điểm thấp hơn, thậm chí chỉ cần không trượt tốt nghiệp thí sinh vẫn trúng tuyển? Lý do lớn nhất là giờ đây thí sinh không còn mặn mà với ngành Sư phạm nên rất ít thí sinh đăng ký, bởi ít thí sinh nên các trường đành phải “vét” để đủ chỉ tiêu mà Bộ GD&ĐT không có khả năng can thiệp vì đã giao cho các trường quyền tự chủ, nếu lấy theo tiêu chuẩn của Bộ thì không đủ, thậm chí không có thí sinh. Vậy nên các trường chấp nhận đánh đổi để có số lượng thay vì chất lượng.

Vì sao thí sinh không mặn mà, thậm chí quay lưng với ngành Sư phạm? Vì thực tế khi ra trường tình trạng thất nghiệp nhiều (theo thống kê mới nhất của Cục Nhà giáo, cả nước còn khoảng 26 nghìn giáo viên thất nghiệp), họ khó có thể có được công việc ổn định,chủ yếu dạy hợp đồng tại các trường dân lập với đồng lương thấp, thời gian gò bó (làm việc ở trường hết giờ hành chính kể cả không có tiết dạy) và không đúng với chuyên môn (giáo viên dạy Văn của một trường dân lập thậm chí phải kiêm luôn môn Địa lí, Lịch sử hay Giáo dục công dân), thậm chí đang dạy cũng bị “cắt” hợp đồng bất cứ khi nào. Trong khi đó xã hội thì nhìn nhận, đòi hỏi khắt khe đối với nhà giáo, mà không thấy họ cũng là con người và có đủ nhu cầu như những người làm việc trong các ngành nghề khác. Thất nghiệp thì nhiều nhưng năm 2017, các trường Sư phạm trên cả nước lại tuyển sinh thêm 52 nghìn chỉ tiêu mới. Với thực trạng như thế nên không còn nhiều học sinh mong muốn đăng ký vào các trường Sư phạm, dù trên thực tế không phải không có những học sinh nuôi ước mơ hoài bão trở thành những thầy cô giáo, nhất là những học sinh giỏi.

Việc những thí sinh “miễn cưỡng” đăng ký vào học ngành Sư phạm với mức điểm quá thấp tiên lượng về một sản phẩm giáo dục kém chất lượng trong tương lai mà dư luận băn khoăn, lo lắng là điều dễ hiểu. Không những thế, tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” đã và đang tồn tại còn để lại hệ lụy lâu dài. Như thế liệu mục tiêu “Đổi mới căn bản và toàn diện” của ngành Giáo dục liệu có sớm thành hiện thực? Chất lượng của ngành Giáo dục muốn có sự chuyển biến chẳng phải nên bắt đầu từ chất lượng của từng giáo viên? Đâu rồi thời kỳ những học sinh đỗ vào các trường Sư phạm là niềm kiêu hãnh của các thầy, cô và gia đình?

Thiết nghĩ, Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT cùng lãnh đạo các nhà trường, nhất là các trường Sư phạm cần có những biện pháp để kiên quyết không tuyển sinh chất lượng đầu vào quá thấp, nếu cần thiết thậm chí tạm dừng hoạt động của một số ngành hoặc trường Sư phạm không đáp ứng đủ điều kiện tuyển sinh. Bên cạnh đó, các trường Sư phạm cần có chính sách để thu hút, hấp dẫn học sinh tài năng. Đồng thời, cần không chỉ nâng lương cho nhà giáo đủ sống, mà còn cần xây dựng chuẩn giá trị của nhà giáo về vật chất và tinh thần. Có chính sách quan tâm đãi ngộ, có đòi hỏi đặc biệt về hành vi, phẩm chất của người làm nghề giáo. Bởi nếu một kỹ sư tồi có thể làm hỏng một cái máy, một bác sĩ tồi có thể gây hệ lụy cho sức khỏe hay tính mạng của một bệnh nhân...nhưng một giáo viên tồi thì có thể làm hỏng cả một thế hệ tương lai chứ không chỉ đơn giản là làm hỏng một bài giảng!

 
Bùi Hà