Điều hiếm có trong quan hệ Việt-Đức 

(Chinhphu.vn) – Trong cuộc gặp tháng 5/2016 tại Nhật Bản bên lề Hội nghị G7, Thủ tướng Angela Merkel đã chính thức mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm Đức. Lời mời này đã được nhắc lại một lần nữa vào tháng 7 tại Ulan Bato, khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEM. Đây là điều hiếm có và khá đặc biệt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Đức Angela Merkel gặp gỡ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản, tháng 5/2016.

Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng chia sẻ điều này trên báo Thế giới và Việt Nam trước thềm chuyến thăm CHLB Đức và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 từ 5-8/7 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Cơ hội hợp tác mạnh mẽ, cùng có lợi đang mở ra trước mắt

Ông cho biết, Việt Nam và Đức hiện đang có quan hệ tốt, nhất là từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2011. Đức là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại Liên minh châu Âu. Cơ hội hợp tác mạnh mẽ hơn, cùng có lợi đang mở ra trước mắt, khi Đức ngày càng nhìn nhận tích cực về một nước Việt Nam năng động, đổi mới thành công, có ý chí phát triển mạnh mẽ và quyết tâm hội nhập quốc tế sâu rộng và khi nước Đức đang có chính sách mới hướng mạnh hơn vào thị trường châu Á.

Do vậy, sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa nhậm chức Thủ tướng Chính phủ tháng 4/2016, trong cuộc gặp tháng 5/2016 tại Nhật Bản bên lề Hội nghị G7, Thủ tướng Angela Merkel đã chính thức mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm Đức. Lời mời này đã được nhắc lại một lần nữa vào tháng 7 tại Ulan Bato (Mông Cổ), khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEM. Đây là điều hiếm có và khá đặc biệt. Thủ tướng ta thăm Đức lần này là đáp lại lời mời thân thiện đó, đồng thời cũng nhằm duy trì và củng cố đà quan hệ hai nước vốn đang tốt đẹp hiện nay, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng nói.

Đây cũng là lần thứ hai Thủ tướng Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh của Nhóm 20 nền kinh tế quan trọng nhất thế giới, để trao đổi về các vấn đề mang tính toàn cầu, nhất là các vấn đề kinh tế, thương mại, tài chính, biến đổi khí hậu, tác động đến cả hành tinh chúng ta. Việc Việt Nam tham dự G20 thể hiện vai trò, uy tín của nước ta ngày càng tăng lên trên trường quốc tế, đồng thời cũng khẳng định Việt Nam ngày càng sẵn sàng đóng góp  tích cực và mang tính xây dựng vào việc giải quyết những vấn đề của toàn cầu, của nhân loại.

Trong thời gian thăm Đức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ gặp Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, hội đàm với Thủ tướng Angela Merkel, gặp Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Chủ tịch Thượng viện), thăm và gặp Thủ hiến các Bang Rheinland Pfalz Malu Dreyer, Thủ hiến bang Hessen Volker Bouffier, gặp Thị trưởng Berlin Michael Muller và Thị trưởng thứ nhất Hamburg Olaf Scholz.

Thủ tướng cũng sẽ dự Diễn dàn doanh nghiệp với sự tham dự của khoảng 400-500 thành viên và gặp gỡ một số doanh nghiệp hàng đầu của Đức. Thủ tướng cũng sẽ có cuộc gặp thân mật với cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức và hàng trăm bà con đại diện cho Cộng đồng người Việt Nam tại đây.

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng cho biết, chắc chắn sẽ có những thỏa thuận có ý nghĩa được ký kết dịp này, nhưng điều vô cùng quan trọng là củng cố niềm tin và kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp Đức vốn rất quan tâm đến thị trường Việt Nam đang chờ đón thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ từ người đứng đầu Chính phủ ta. Các cán bộ cơ quan đại diện cũng như hàng nghìn bà con kiều bào đang chờ mong cuộc gặp mặt với Thủ tướng và đoàn.

Với những hoạt động nói trên, chuyến thăm của Thủ tướng đến Đức chắc chắn sẽ tạo thêm xung lực thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Đối tác chiến lược, bạn bè gần gũi, tin cậy

Nói về tiềm năng và triển vọng của mối quan hệ Việt-Đức, Đại sứ cho biết, hai nước có tiềm năng hợp tác to lớn và có thể bổ sung lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực. Đức là một nền kinh tế hàng đầu thế giới (đứng thứ tư thế giới, với GDP năm 2015 trên 3.360 tỷ USD), là một trong những nước đi tiên phong trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, một nước thương mại đứng đầu thế giới với kim ngạch khoảng gần 2.400 tỷ USD, là nơi sản xuất nhiều công nghệ nguồn, đi đầu trong phát triển năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, hệ thống đào tạo nghề song hành nổi tiếng thế giới, người dân rất thích đi du lịch.

Đức đánh giá Việt Nam là nền kinh tế có nhiều tiềm năng, có dân số trẻ, cần cù, đang phát triển năng động, có quyết tâm cao về hội nhập quốc tế. Đất nước Việt Nam tươi đẹp, là điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách Đức.

Việt Nam và Đức không chỉ là Đối tác chiến lược của nhau mà còn là bạn bè gần gũi, tin cậy. Cộng đồng Việt Nam với trên 130.000 người là cộng đồng châu Á lớn nhất ở Đức, đang tích cực hòa nhập và đóng góp vào sự đa dạng văn hóa và phát triển của nước Đức. Ở Việt Nam, có khoảng hơn 100.000 người nói tiếng Đức. Đây là điểm đặc thù hiếm thấy trong quan hệ của Đức với các nước châu Á.

Có thể nói, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Đức rất lớn. Tất cả các tiềm năng này đều có thể trở thành những dự án hợp tác tốt trong tương lai nhờ những nỗ lực và quyết tâm của cả hai bên. Những chuyến thăm lẫn nhau của Lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ làm tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ các mối quan tâm và ý tưởng hợp tác, giúp biến những tiềm năng thành hiện thực qua các dự án cụ thể.

Bên cạnh hợp tác cấp Chính phủ, các bang của Đức cũng đều là những nền kinh tế lớn (có những bang có GDP gấp ba lần Việt Nam). Do đó, việc thúc đẩy hợp tác với các bang của Đức có ý nghĩa lớn. Đó cũng là một trong những mục đích chuyến thăm này của Thủ tướng ta.

Trong chuyến thăm, dự kiến sẽ ký kết thỏa thuận thành lập khu công nghiệp Việt-Đức tại Hà Tĩnh; thỏa thuận về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực đón đầu cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0; đào tạo nguồn lực và tiếp nhận hộ lý, y tá Việt Nam sang Đức; hợp tác về năng lượng tái tạo (điện gió...), chuyển giao công nghệ vi sinh nano trong nông nghiệp và nông sản xuất khẩu…

Bố trí chu đáo đón Thủ tướng Việt Nam

Đánh giá về sự quan tâm của phía Đức đối với chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam, Đại sứ nói: Tôi cảm nhận được sự quan tâm rất lớn của phía Đức đối với chuyến thăm. Bạn tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20 với lãnh đạo cấp cao trên 30 nước và tổ chức quốc tế đến dự trong hai ngày, đón nhiều chuyến thăm cấp cao song phương, nhưng rất hồ hởi và bố trí một chương trình dày đặc, chu đáo đón Thủ tướng Việt Nam. Các quan chức Văn phòng Thủ tướng, Văn phòng Tổng thống Đức, Văn phòng Quốc hội, các bang của Đức… đều rất hoan nghênh Đoàn và khẳng định sớm việc sắp xếp chu đáo chương trình.

Đặc biệt, các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp lớn của Đức đều khẳng định Việt Nam đang là thị trường quan tâm hàng đầu của họ ở Đông Nam Á. Chẳng thế mà, dù có các chuyến thăm lớn khác như Trung Quốc, Brazil, Hàn Quốc, Singapore… gần như cùng thời điểm nhưng hàng trăm doanh nghiệp Đức đã đăng ký dự Diễn dàn Doanh nghiệp Việt-Đức…

Đại sứ bày tỏ tin tưởng rằng, chuyến thăm làm việc tại Đức và dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hamburg của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thành công tốt đẹp.

Việt Nam đóng góp tích cực kết nối APEC-G20

Về nội dung trọng tâm tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này, Đại sứ cho biết, khác với các hội nghị trước, Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2017 diễn ra trong bối cảnh thế giới có những chuyển biến nhanh và phức tạp do điều chỉnh chính sách của một số nước. Kinh tế toàn cầu tuy tăng trưởng tích cực hơn, song còn tiềm ẩn nhiều bất trắc, khó lường. Toàn cầu hóa kinh tế và một số liên kết kinh tế khu vực gặp khó khăn. Cách mạng Công nghiệp 4.0 tiếp tục phát triển nhanh, tạo nhiều cơ hội, song cũng đặt ra nhiều vấn đề về thể chế, xã hội, lao động-việc làm…

Hầu hết các nước trên thế giới đều mong muốn thúc đẩy hợp tác, thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế trong xử lý các vấn đề chung của kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2017 có chủ đề là “Định hình một thế giới kết nối” với năm phiên họp tập trung thảo luận những nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, tăng cường khả năng tự cường của kinh tế thế giới và nền kinh tế quốc gia. Hội nghị sẽ thảo luận các chính sách, biện pháp củng cố ổn định kinh tế-tài chính toàn cầu, cải cách cơ cấu, thúc đẩy liên kết thương mại- đầu tư, đổi mới-sáng tạo, phát triển kinh tế số hóa hướng đến một nền kinh tế tự cường, bền vững và bao trùm.

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển bền vững. Hội nghị sẽ thảo luận các biện pháp cụ thể thúc đẩy thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 (Agenda 2030) vì sự phát triển bền vững; thực hiện các cam kết về chống biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước…

Thứ ba, tăng cường trách nhiệm trong xử lý các vấn đề phát triển, theo đó G20 sẽ thảo luận các biện pháp hỗ trợ các nước châu Phi; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo việc làm cho phụ nữ và lao động trẻ trong nền kinh tế số hóa; chống dịch bệnh, chống nhờn kháng sinh, xử lý di cư toàn cầu…

Ba trọng tâm nói trên cơ bản đáp ứng quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, có quan hệ chặt chẽ, đan xen, bổ sung lẫn nhau và cùng hướng tới thúc đẩy phát triển bền vững và bao trùm trên phạm vi toàn cầu cũng như ở mỗi quốc gia.

Đại sứ chia sẻ thêm, trọng tâm nghị sự của G20 trong năm 2017 có nhiều nội dung tương đồng với các ưu tiên của Việt Nam và APEC trong Năm APEC 2017. Đó là, cả hai diễn đàn cùng thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm, tăng cường liên kết thương mại và đầu tư, đổi mới- sáng tạo, xử lý các vấn đề về kinh tế, xã hội, lao động, việc làm trong nền kinh tế số hóa dưới tác động của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư… Điểm đáng lưu ý là có tới chín nước thành viên G20 là các nền kinh tế thành viên APEC. Đây là điểm thuận lợi để G20 và APEC với tư cách các diễn đàn quan trọng hàng đầu thế giới chia sẻ và phối hợp xử lý các vấn đề chung của kinh tế toàn cầu.

Tham dự các hội nghị liên quan của G20 với tư cách Chủ nhà APEC 2017, Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận, đóng góp có trách nhiệm và mang tính xây dựng vào nghị sự của G20, trong đó có việc thúc đẩy kết nối và phối hợp các nội dung nghị sự ưu tiên mà G20 và APEC cùng thúc đẩy trong năm 2017.

Mục tiêu phát triển bao trùm được đề cập ở nhiều diễn đàn đa phương, nhưng năm nay, nội dung nghị sự của G20 và APEC cùng đặt vấn đề này trong bối cảnh kinh tế số và Cách mạng Công nghiệp 4.0, nhấn mạnh việc xử lý các tác động xã hội của cuộc cách mạng này. Đây là vấn đề mới và được nhiều nước quan tâm, kể cả các nước phát triển và đang phát triển. Do đó, Việt Nam cùng các nước APEC và G20 đang thảo luận các biện pháp nhằm bảo đảm không có người dân nào bị thua thiệt hay bỏ lại ở phía sau trong bối cảnh phát triển và đổi mới công nghệ đang diễn ra rất nhanh.

764 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 821
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 821
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87067836