Dịch vụ công số 725 - Dấu mốc của Cổng Dịch vụ công Quốc gia 

(Chinhphu.vn) - Sau 7 tháng vận hành, với dấu mốc là dịch vụ công tích hợp số 725 được công bố vào ngày mai (1/7), số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã tăng gấp 90 lần so với thời điểm khai trương, hướng tới là kênh giao tiếp điện tử hiệu quả giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại cuộc họp báo ngày mai, Văn phòng Chính phủ (VPCP) sẽ công bố dịch vụ công số 725 trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) và giới thiệu 6 dịch vụ công tích hợp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về các dịch vụ công mang lại thuận tiện cho người dân.

Số hóa, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử

- Thưa Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, ngày mai (1/7) sẽ có 6 dịch vụ công tiếp tục được tích hợp trên Cổng DVCQG, xin Bộ trưởng cho biết về các dịch vụ công chuẩn bị được tích hợp?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng: Qua gần 7 tháng khai trương, kết quả triển khai Cổng DVCQG cho thấy sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, ghi nhận kết quả ban đầu của quá trình xây dựng và vận hành Cổng DVCQG. Điều này cho thấy Cổng DVCQG đang ngày càng phát huy tốt chức năng phục vụ, hướng tới trở thành kênh giao tiếp điện tử hiệu quả giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước.

Vào ngày mai (1/7), VPCP sẽ công bố dịch vụ công số 725 và giới thiệu thêm một số dịch vụ công thiết yếu được cung cấp trên Cổng DVCQG từ ngày 1/7, bao gồm: (1) Dịch vụ công số 725 - Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; (2) Đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện; (3) Gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; (4) Cấp đổi giấy phép lái xe mức độ 4; (5) Nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của Cảnh sát giao thông (phạm vi toàn quốc); (6) Nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của Thanh tra giao thông.

Đây là các dịch vụ công thiết yếu, có đối tượng tuân thủ lớn, tần suất thực hiện cao hoặc có vai trò quan trọng trong việc số hóa, thúc đẩy việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đã được VPCP, các Bộ, ngành nghiên cứu tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp cho người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các dịch vụ công này đều được tích hợp để thực hiện thanh toán trực tuyến, tạo thêm thuận lợi, giảm chi phí đi lại cho người dân, hạn chế sử dụng tiền mặt.

- Dịch vụ công số 725 - Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính là dịch vụ rất mới, dịch vụ này mang lại tiện ích như thế nào cho người dân, doanh nghiệp, thưa Bộ trưởng, Chủ nhiệm?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng: Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính là một trong những nội dung mới được quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ về giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Dịch vụ này có vai trò quan trọng trong thúc đẩy số hóa, đưa hầu hết các thủ tục hành chính có thể thực hiện hoàn toàn trực tuyến trên môi trường điện tử (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4), cũng như tạo điều kiện để thực hiện các giao dịch số trong lĩnh vực dân sự, kinh tế.

Theo đó, đối với người dân, doanh nghiệp, dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng DVCQG cung cấp tiện ích đặt lịch hẹn với người dân, doanh nghiệp đến thực hiện chứng thực, giúp giảm thời gian chờ đợi khi thực hiện thủ tục.

Theo tôi tiện ích lớn nhất là bản sao chứng thực điện tử được ký số bảo đảm tính nguyên vẹn, chính xác và có thể sử dụng lại nhiều lần..

Hơn nữa, giúp người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện trực tuyến hoàn toàn đối với đa số các thủ tục hành chính đã được cung cấp trên môi trường điện tử, loại bỏ tình trạng phải nộp bản sao chứng thực/xuất trình bản giấy để xác minh lại hồ sơ như hiện nay.

- Dịch vụ nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được thí điểm tại 5 địa phương từ tháng 3/2020. Kết quả của việc thí điểm như thế nào thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng: Nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được đưa vào thực hiện trực tuyến từ tháng 3/2020 với phạm vi thí điểm thuộc thẩm quyền xử phạt từ cấp Phòng Cảnh sát giao thông trở lên của 5 địa phương (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Thuận) và các đơn vị thuộc Tổng cục Đường bộ.

Thời gian qua, số lượng người tra cứu để thực hiện nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ tương đối lớn khoảng hơn 16.000 lượt tra cứu, thực hiện. Lực lượng cảnh sát giao thông cũng đã cung cấp gần 11 nghìn dữ liệu về các trường hợp vi phạm hành chính để phục vụ tra cứu, nộp phạt trực tuyến.

Tuy nhiên, số lượng thực hiện nộp phạt trực tuyến thành công còn thấp, tính đến 29/6/2020 mới có 94 trường hợp thực hiện thanh toán trực tuyến thành công. Hạn chế trên do nhiều nguyên nhân như: Phạm vi thực hiện thí điểm còn hẹp (chỉ phạm vi xử lý của cấp Phòng trở lên của 5 địa phương đối với xử phạt của Cảnh sát giao thông và các đơn vị thuộc Tổng cục đường bộ của Thanh tra giao thông); cơ sở hạ tầng của các đơn vị thực hiện dịch vụ còn hạn chế; tâm lý, thói quen của người dân còn e ngại khi thực hiện theo hình thức trực tuyến...

Vì vậy, để khắc phục các hạn chế trên, từ ngày mai dịch vụ này được mở rộng phạm vi thực hiện, nâng cao chất lượng dịch vụ thì rất cần tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu và tham gia thực hiện.

Tiết kiệm chi phí 1.686 tỷ đồng/năm

- Được vận hành từ ngày 9/12/2019, qua gần 7 tháng đi vào vận hành, Bộ trưởng có thể đánh giá hiệu quả bước đầu của Cổng DVCQG như thế nào?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng: Theo số liệu thống kê, tính đến 29/6/2020, đã có hơn 179.000 tài khoản đăng ký, tăng hơn gấp 2 lần so với quý I/2020; có hơn 46,6 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin và thực hiện dịch vụ, cũng tăng gấp 2 lần so với quý I/2020, tương ứng mỗi tháng có khoảng 7,7 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ.

Trung bình mỗi tháng Cổng DVCQG tiếp nhận, xử lý hơn 46 nghìn hồ sơ trực tuyến, mỗi ngày tiếp nhận hơn 2 nghìn hồ sơ.

Hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng đã đưa vào vận hành từ tháng 3/2020, đến nay sau 3 tháng triển khai, đã tích hợp, cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến với 06 bộ, ngành và 31/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đã có hơn 2,1 nghìn lượt giao dịch thành công, số giao dịch này sẽ tiếp tục tăng khi số lượng các bộ, địa phương và dịch vụ công tích hợp thanh toán trực tuyến tăng lên.

Sau 7 tháng đưa vào vận hành, với dấu mốc là dịch vụ tích hợp số 725, số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã tăng gấp 90 lần so với thời điểm khai trương và 4,5 lần so với quý I/2020 (tháng 12/2019 là 8 dịch vụ và tháng 3/2020 là 161 dịch vụ). Như vậy trung bình mỗi quý thực hiện tích hợp, cung cấp khoảng hơn 350 dịch vụ công trực tuyến.

Ước tính với việc từ 01/7/2020 chúng ta cung cấp 6 dịch vụ công trực tuyến có thể tiết kiệm được thời gian, chi phí thực hiện của người dân, doanh nghiệp tối thiểu khoảng 1.686 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, để Cổng DVCQG là địa chỉ tin cậy để người dân, doanh nghiệp tương tác với Chính phủ trên môi trường điện tử theo đúng mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, từ tập trung thực hiện tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục để tiếp tục cung cấp nhiều hơn nữa các dịch vụ chất lượng cho người dân, doanh nghiệp đến việc phải tăng cường giám sát, đánh giá, nâng cao chất lượng phục vụ.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP!

Gia Huy (thực hiện)

413 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1062
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1062
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87137102